Rút kinh nghiệm cách giải quyết một vụ án có chứng cứ là các đoạn video, ghi âm

(PLO)- Nguyên đơn cung cấp các dữ liệu điện tử (đoạn video, ghi âm) là các tài liệu, chứng cứ rất quan trọng nhưng các nguồn chứng cứ này chưa được thu thập, thực hiện theo đúng quy định…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành thông báo rút kinh nghiệm cách giải quyết vụ án tranh chấp đòi lại tài sản giữa nguyên đơn bà K với bị đơn bà T.

Nội dung vụ án

Theo hồ sơ, khi cha mẹ bà K chết, các anh, chị, em trong gia đình thống nhất chia thửa đất lớn (của cha mẹ bà để lại) làm 3 thửa nhỏ cho 3 chị em là bà K, ông H, ông Ch. Bà K được chia thửa đất có diện tích 189,1 m².

rut-kinh-nghiem.jpg
Ảnh minh họa. Ảnh: YC

Năm 2008, các chị em bà K đã tách thửa và làm sổ riêng các thửa đất trên. Tuy nhiên, do bà K đang định cư ở nước ngoài nên bà để cho vợ chồng ông Ch (đã chết) đứng tên trên giấy tờ và đã được UBND TP H cấp giấy chứng nhận. Sau khi được cấp giấy chứng nhận, bà K nhờ cháu gái là chị T (con của vợ chồng ông Ch) đứng tên giúp, để khi nào bà K về Việt Nam thì sang tên lại.

Vì vậy, vợ ông Ch đã làm thủ tục tặng cho thửa đất cho chị T đứng tên. Đến tháng 12-2015, bà K có nhờ chị T chuyển mục đích sang đất ở đô thị. Tiền chuyển mục đích sử dụng đất, tiền thuế trước bạ và chi phí cho thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất hơn 107 triệu đồng do bà K bỏ ra và đưa cho chị T nộp.

Năm 2016, chị T có xin bà K cho thuê mảnh đất này nên bà K đồng ý. Riêng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bà K cất giữ.

Đến năm 2018, bà K về Việt Nam và muốn chuyển nhượng thửa đất nói trên. Bà K đã hẹn người mua và chị T đến ký giấy bán đất tại văn phòng công chứng, chị T nhận lời nhưng không đến.

Vì vậy, bà K khởi kiện yêu cầu chị T trả lại cho bà thửa đất trên.

Chị T thì không đồng ý trả lại đất. Riêng đối với số tiền hơn 107 triệu đồng, chị sẽ trả lại cho bà K. Chị T còn phản tố đề nghị bà K trả lại bản gốc giấy chứng nhận.

Xử sơ thẩm tháng 9-2023, TAND tỉnh Q chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà K, không chấp nhận yêu cầu phản tố của chị T, công nhận thửa đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của chị T. Buộc chị T phải trả cho bà K số tiền hơn 5,4 tỉ đồng.

Chị T kháng cáo. Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho TAND tỉnh Q để giải quyết lại.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, bà K cho rằng nguồn gốc đất do cha mẹ bà khai hoang và sau khi cha mẹ chết thì bà K và ông Ch, ông H tự thoả thuận phân chia, nhưng toà án cấp sơ thẩm không xác minh thu thập chứng cứ về việc cha mẹ bà K chết từ khi nào, di sản để lại có gồm phần đất tranh chấp hay không? Các anh chị em của bà K thống nhất chia đất cho bà K vào thời điểm nào, diện tích, vị trí; việc chia có thể hiện bằng văn bản, tài liệu gì...

Quá trình giải quyết vụ án bà K cung cấp các file video, file ghi âm là các tài liệu, chứng cứ rất quan trọng mà toà án cấp sơ thẩm sử dụng để làm căn cứ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, các nguồn chứng cứ này chưa được thu thập, thực hiện theo đúng theo khoản 2 Điều 95 BLTTDS.

Cạnh đó, theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ, diện tích thửa đất tranh chấp chồng lấn 19 m² với hai thửa đất liền kề và có tài sản tranh chấp trên đất, các bên chưa thống nhất về chủ sở hữu. Thế nhưng toà án cấp sơ thẩm không đưa những người có liên quan tham gia tố tụng, không giải quyết tài sản trên đất. Mặt khác, tòa án cấp sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà K và giao thửa đất cho chị T, buộc chị T phải hoàn trả theo giá thị trường trong khi diện tích đất này đang bị chồng lấn 19 m² là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của chị T.

Ngoài ra, tòa án cấp sơ thẩm nhận định chị T được hưởng lợi từ số tiền cho thuê thửa đất tranh chấp để đối trừ khi tính công sức của chị T, nhưng theo các tài liệu trong hồ sơ, lời trình bày của các đương sự, người thuê đất thì mẹ chị T là người nhận tiền là chưa đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các đương sự.

Từ các vi phạm nêu trên, HĐXX cấp phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm