Rút kinh nghiệm vụ án chia thừa kế và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

(PLO)- VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng toà án cấp sơ thẩm chưa đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để xác định nguồn gốc đất nên cần rút kinh nghiệm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án tranh chấp thừa kế tài sản và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn ông B với bị đơn bà TB.

rut-kinh-nghiem.jpg
Hình minh họa.

Tóm tắt vụ án

Theo ông B, cha mẹ ông có 4 người con, trong đó có cụ N (đã chết, hai người thừa kế là bà TB và anh P). Di sản cha mẹ ông để lại là 2 thửa đất. Hiện nay toàn bộ diện tích đất trên do vợ chồng bà TB và anh P quản lý, sử dụng. Năm 2005, Nhà nước mở đường đã bồi thường hơn 21 triệu đồng.

Nay ông B khởi kiện yêu cầu toà án chia thừa kế theo pháp luật toàn bộ đất cha mẹ để lại gồm cả khoản tiền bồi thường hơn 21 triệu đồng và xin nhận hiện vật là đất. Đồng thời, ông B yêu cầu huỷ giấy chứng nhận đã cấp cho bị đơn.

Bị đơn bà TB cho rằng toàn bộ các thửa đất ông B yêu cầu chia thừa kế nguồn gốc là đất hoang, bên cạnh là nghĩa địa. Trước năm 2002, cụ N và các con ở nhờ trên đất. Sau khi bị đòi, cụ N và các con trả lại đất nên được UBND xã giao đất hoang (đất công ích do UBND xã quản lý) để xây dựng nhà ở.

Sau đó, vợ chồng bà TB khai hoang mở rộng đất, di dời mồ mả, cụ N và vợ chồng bà TB đã được cấp giấy chứng nhận nên đề nghị tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông B.

Xử sơ thẩm tháng 7-2023, TAND tỉnh P không chấp nhận yêu cầu của ông B, chấp nhận một phần yêu cầu của bà TB. Tòa sơ thẩm hủy giấy chứng nhận đã cấp cho bà N, không chấp nhận yêu cầu hủy giấy chứng nhận đã cấp cho vợ chồng bà TB…

Ông B kháng cáo. Xử phúc thẩm tháng 4-2024, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh P giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, theo biên bản ghi lời khai của bà TB, giấy xác nhận của nhiều nhân chứng sống ở địa phương đều xác nhận sau giải phóng năm 1975 cụ N đến ở trên phần đất đang tranh chấp. Năm 2001 bão sập nhà nên năm 2002, cụ N về lại đất của cha mẹ để ở. Biên bản hòa giải do UBND xã lập cũng thể hiện bà TB đại diện cho cụ N đồng ý trả đất để về lại đất của cha mẹ để ở.

Mặt khác, bà TB cho rằng các thửa đất ông B yêu cầu chia thừa kế nguồn gốc là đất hoang, cạnh nghĩa địa. Sau khi trả đất, năm 2002 cụ N được UBND xã giao đất hoang do UBND xã quản lý để xây dựng nhà ở là mâu thuẫn với chính nội dung đơn xin cấp giấy chứng nhận của cụ N. Cụ thể, cụ N kê khai nguồn gốc đất đang sử dụng xin cấp giấy chứng nhận là do tạo lập, xây dựng nhà ở từ 1975 đến nay và đã được UBND xã xác nhận. Tại công văn của UBND xã cũng xác định nguồn gốc đất tranh chấp có nguồn gốc do ông bà của nguyên đơn và bị đơn.

Từ các tài liệu, chứng cứ trên đủ cơ sở xác định thửa đất là đất thổ cư do cha mẹ ông B, cụ N tạo lập để lại.

Toà án cấp sơ thẩm chưa đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, từ đó không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông B, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Do vậy, HĐXX phúc thẩm huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo quy định pháp luật.

VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thông báo đến VKSND các tỉnh, thành phố trong khu vực để nghiên cứu, vận dụng nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết án dân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm