VKSND Tối cao rút kinh nghiệm việc thi hành án 1 vụ UBND thua kiện người dân

(PLO)-  TAND Tối cao và VKSND Tối cao đều cho rằng không có căn cứ xem xét kháng nghị giám đốc thẩm bản án hành chính nhưng sau đó bản án vẫn không được thi hành...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam

VKSND Tối cao vừa ban hành thông báo rút kinh nghiệm việc thi hành Bản án hành chính phúc thẩm số 234/2017/HC-PT ngày 29-8-2017 (Bản án số 234) của TAND Cấp cao tại Hà Nội. Người được thi hành án (THA) là ông N, người phải THA là UBND và Chủ tịch UBND tỉnh B.

Nội dung vụ việc và quá trình THA

Ông N khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh B về hệ số K khi thu hồi 346m² của hộ của ông N.

VKSND-Toi-cao.jpg
Hình minh họa.

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh B đã bác yêu cầu khởi kiện của ông N nên ông này kháng cáo. Xử phúc thẩm, Bản án số 234 của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã chấp nhận kháng cáo của ông N, sửa bản án sơ theo hướng hủy quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh B, hủy một phần quyết định thu hồi của UBND tỉnh B...

Đối với việc thu hồi và đền bù thiệt hại diện tích 346m² đất của hộ ông N, UBND tỉnh B và chủ tịch UBND tỉnh B thực hiện nhiệm vụ và công vụ mà pháp luật quy định.

Sau khi nhận đơn yêu cầu THA của ông N, TAND tỉnh B đã ban hành quyết định buộc THA đối với UBND tỉnh B và Chủ tịch UBND tỉnh B về việc thi hành Bản án số 234.

UBND tỉnh B cho rằng Bản án số 234 tuyên hủy một phần quyết định về nội dung thu hồi diện tích đất của ông N là không phù hợp pháp luật, khó thi hành nên đã ban hành nhiều văn bản đề nghị giải thích bản án, xem xét theo thủ tục giám đốc.

Tuy nhiên, TAND Tối cao và VKSND Tối cao đã ban hành thông báo trả lời không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh B đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ban, ngành tại địa phương, thống nhất giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh việc điều chỉnh, phê duyệt phương án đền bù cho ông N nhưng vẫn không thực hiện được.

Kết quả kiểm sát và nội dung cần rút kinh nghiệm

VKSND Tối cao (Vụ 11) cho rằng Bản án số 234 có hiệu lực, không bị kháng nghị nên phải được thi hành.

Về pháp lý, cũng như thực tế, ông N không còn quyền sử dụng đất từ khi Nhà nước (UBND tỉnh B) có quyết định thu hồi đất. Sau khi nhận tiền đền bù, ông N khiếu nại, khởi kiện, kháng cáo đều về mức đền bù thiếu hệ số K theo Nghị định 22/1998/NĐ-CP và đã được TAND Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận.

Như vậy, việc thi hành Bản án số 234 không có vướng mắc.

Do đó, VKSND Tối cao (Vụ 11) đã kiến nghị, yêu cầu Cục trưởng Cục THADS tỉnh B đề xuất giải pháp để Chủ tịch UBND tỉnh B tổ chức thi hành đúng nội dung Bản án số 234. Cụ thể, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh B tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính để thi hành Bản án số 234, bổ sung mức bồi thường cho ông N theo quy định.

Sau khi nhận được kiến nghị, Cục THADS tỉnh B đã tham mưu đề xuất với Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh B để thống nhất nhận thức, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan phối hợp thực hiện nội dung kiến nghị của VKSND Tối cao. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các sở, ban, ngành liên quan ngày 19-6-2024, UBND TP B đã ban hành công văn gửi UBND tỉnh B báo cáo phương án tính bổ sung hệ số K cho ông N theo đúng nội dung Bản án số 234.

Theo VKSND Tối cao, khi thực hiện chức năng kiểm sát THA hành chính, VKSND các cấp phải xem xét, kiểm sát chặt chẽ việc THA theo đúng nội dung bản án của toà án về vụ án hành chính.

Đối với vụ việc cụ thể nêu trên, các cơ quan chức năng của tỉnh B mới chỉ tham mưu cho Chủ tịch UBND và UBND tỉnh B thực hiện nội dung của bản án về hủy một phần quyết định thu hồi đất, mà chưa xác định đúng nội dung cần phải THA và quy định của pháp luật để tổ chức thi hành theo đúng nội dung của Bản án số 234.

Cụ thể là điều chỉnh bổ sung tiền bồi thường khi thu hồi đất theo hệ số K, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đương sự. Đây nội dung cần rút kinh nghiệm khi kiểm sát THA hành chính. VKSND tối cao (Vụ 11) thông báo để VKSND các cấp nghiên cứu, vận dụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm