VKSND Cấp cao tại TP.HCM vừa có thông báo rút kinh nghiệm liên quan vụ tranh chấp góp vốn giữa nguyên đơn là ông Đặng Thanh Tùng và bị đơn là bà Đỗ Thị Xuân Hồng.
Ảnh minh họa.
Theo thỏa thuận, khi hoàn thành chuyển đổi giấy phép kinh doanh, cả hai sẽ góp vốn vào công ty với tổng mức đầu tư ban đầu là 14 tỉ đồng. Ông Tùng góp 30% (4,2 tỉ đồng), bà Hồng 70% (9,8 tỉ đồng). Tính đến ngày 11-11-2015, bà Hồng đã góp 10,3 tỉ đồng.
Sau đó, cả hai tiếp tục thỏa thuận bà Hồng sẽ chuyển tiếp 74,6 tỉ đồng, nâng tổng mức vốn lên 85% và được quyền chủ động thực hiện dự án. Nhưng sau đó, bà Hồng chỉ góp thêm 200 triệu đồng.
Ông Tùng khởi kiện yêu cầu tòa án không công nhận tư cách của bà Hồng trong công ty do không góp đủ số vốn thoả thuận.
Bà Hồng phản tố yêu cầu tòa án không công nhận tư cách thành viên của ông Tùng vì cũng không góp vốn như cam kết.
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Tây Ninh tuyên chấp nhận yêu cầu phản tố. Ông Tùng kháng cáo.
Tòa cấp phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo, tuyên hợp đồng góp vốn ngày 10-6-2014 vô hiệu. HĐXX cũng tuyên buộc ông Tùng phải trả lại 10,5 tỉ đồng mà bà Hồng đã góp.
VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng phải xem xét việc đóng góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ có mục đích thực sự không. Căn cứ vào các văn bản ký kết giữa hai bên, giao dịch thực sự là chuyển nhượng một phần dự án.
Do việc mua bán dự án là giao dịch trái pháp luật nên cả hai đã thực hiện giả cách bằng hợp đồng góp vốn. Vì vậy, việc góp tài sản tạo thành vốn điều lệ của công ty là vô hiệu.
Do đó, TAND tỉnh Tây Ninh xác định ông Tùng không góp vốn nên tước bỏ quyền thành viên là không đúng, đánh giá không đầy đủ tính khách quan của vụ án.