Liên quan tới một vụ đánh bạc xảy ra từ năm 2018, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa có thông báo gửi các VKS trong khu vực, đề nghị rút kinh nghiệm trong giải quyết vụ án hình sự.
Dụng cụ để chơi xóc đĩa - Ảnh minh họa
Theo cơ quan này, lúc 14 giờ chiều 31-5-2018, Lê Văn Bình từ huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai tới xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum để đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa với hàng chục người. Cùng thời điểm, Trần Xuân Tuấn cũng tới nơi để sát phạt.
Tới 16 giờ 30, công an huyện Chư Păh ập vào, qua đó, lập biên bản phạm tội quả tang đối với nhiều người có mặt và thu giữ trên 94 triệu đồng. Tuy nhiên, công an chỉ xác định được Tuấn và Bình đã dùng tổng cộng 29.300.000 đồng để đánh bạc, số tiền còn lại không xác định được chủ nhân.
Do địa điểm đánh bạc thuộc huyện Sa Thầy, Công an huyện Chư Păh đã chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật vụ việc cho Công an huyện Sa Thầy để điều tra theo thẩm quyền. Trần Xuân Tuấn và Lê Văn Bình sau đó bị VKS huyện này truy tố về tội đánh bạc theo khoản 1 Điều 321 BLHS.
Bản án hình sự sơ thẩm ngày 7-3-2019 của TAND huyện Sa Thầy tuyên phạt Lê Văn Bình, Trần Xuân Tuấn lần lượt tám và 14 tháng tù về tội danh trên nhưng đều cho hưởng án treo.
Tới 4-4-2019, VKS huyện Sa Thầy ra kháng nghị, theo đó, đề nghị TAND tỉnh Kon Tum xét xử theo thủ tục phúc thẩm, hủy bản án để điều tra lại. Thế nhưng, khi phiên phúc thẩm diễn ra (ngày 30-5-2019) thì KSV tham gia phiên tòa lại rút toàn bộ kháng nghị. Do vậy, TAND tỉnh đình chỉ xét xử phúc thẩm, đồng nghĩa với án sơ thẩm có hiệu lực.
Một năm sau, hôm 21-4-2020, Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Từ kháng nghị, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên hủy quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; hủy bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại.
Trong thông báo rút kinh nghiệm, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng quá trình điều tra từ công an huyện Chư Păh tới công an huyện Sa Thầy, các bị cáo Tuấn, Bình cùng những người liên quan đã có sự thay đổi lời khai dẫn tới mâu thuẫn giữa các lời khai và không phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Tuy nhiên, công an huyện Sa Thầy không tiến hành đối chất mà đã kết luận hàng chục người có mặt tại sới bạc không có hành vi phạm tội. Điều này là chưa đủ căn cứ vững chắc và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Ngoài ra, tài liệu của công an huyện Chư Păh thể hiện thời điểm bắt quả tang là có hai chiếu bạc nhưng công an huyện Sa Thầy lại không làm rõ điều này, số tiền trên 94 triệu đồng là thu từ một chiếu hay từ hai chiếu? Giả sử số tiền này chỉ thu tại chiếu bạc có Tuấn và Bình thì cả hai phải đối diện khoản 2 điều 321 chứ không phải khoản 1.
“VKSND tỉnh Kon Tum trong quá trình kiểm sát bản án sơ thẩm thấy cấp sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên đã kháng nghị phúc thẩm đề nghị TAND tỉnh Kon Tum xét xử theo thủ tục phúc thẩm, hủy bản án để điều tra lại. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đã rút toàn bộ kháng nghị dẫn đến TAND tỉnh Kon Tum phải đình chỉ phúc thẩm là sai lầm nghiêm trọng.
VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thông báo đến các Viện kiểm sát trong khu vực cùng nghiên cứu, rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao chất lượng trong việc giải quyết các vụ án hình sự…” – Văn bản của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng nêu rõ.