Trong đó vụ Dương Chí Dũng được nhiều người quan tâm nhất vì anh ta xuất thân từ một danh gia vọng tộc ở đất cảng Hải Phòng, một trí thức được thụ hưởng quá nhiều ưu đãi của xã hội nhưng không chỉ tham nhũng mà còn vừa ăn vừa phá, làm thua lỗ cả hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước - tức tiền thuế do dân đóng một cách ung dung!
Trong lúc nhiều người vẫn còn đang bàn tán về các vụ trọng án tham nhũng đã xử và những vụ sẽ xử nay mai, tôi tình cờ bắt gặp cuốn Bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người xưa bày bán đại hạ giá trên vỉa hè bèn mua một cuốn để tặng một người bạn trẻ đang làm giám đốc một công ty quốc doanh lớn, nơi rất dễ bị hơi đồng tiền cuốn hút. Sách tôi đã đọc từ 10 năm trước, nghĩ rằng sẽ có ích cho các quan chức. Đây là bản lược dịch từ nguyên bản chữ Hán Từ thụ yếu quycủa Đặng Huy Trứ - một vị quan nổi tiếng thanh liêm và có tư tưởng cách tân dưới triều Tự Đức. Sách được hai dịch giả Nguyễn Văn Huyền và Phạm Tuấn Khánh biên dịch với lời giới thiệu của nhà sử học Dương Trung Quốc, NXB Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2002 chỉ với 800 cuốn! Nhưng hơn 10 năm sau vẫn không bán hết, nhà phát hành phải đổ ra bán đại hạ giá!
Xin nói vài điều về tác giả cuốn sách quý. Đặng Huy Trứ sinh năm 1825, đỗ tiến sĩ năm 22 tuổi. Ông đi dạy học tám năm trước khi bước vào quan trường ở tuổi 30. Có lúc ông làm đến ngự sử tại triều, kế đến là bố chánh Quảng Nam, rồi chuyển ra Hà Nội phụ trách Ty Bình chuẩn - lo làm kinh tế cho triều đình nên ông đã có cơ hội sang Quảng Châu, Hong Kong, Ma Cau để nghiên cứu học hỏi cách kinh doanh của người Tàu... Cuối năm 1873, quân Pháp đánh ra Bắc Kỳ, lúc bấy giờ Đặng Huy Trứ đang làm Bang biện quân vụ, đã rút quân về Hưng Hóa cùng Hoàng Kế Viêm tính chuyện kháng chiến lâu dài thì đến tháng 3-1814, vua Tự Đức đã ký hiệp ước đầu hàng Pháp! Mấy tháng sau, Đặng Huy Trứ buồn rầu ngã bệnh qua đời ở tuổi 49. Sau này Phan Bội Châu có viết về Đặng Huy Trứ, coi ông là một trong những người “trồng mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam”. Đặc biệt trong xã hội phong kiến bấy giờ với những hủ nho coi thường việc buôn bán (thương mại được xếp ở tầng lớp thấp - thứ tự trong xã hội là: sĩ - nông - công- thương) nhưng Đặng Huy Trứ đã coi việc làm giàu là đạo lớn(Sinh tài đại đạo sự phi khinh).
Nguyên tác Từ thụ yếu quy là một công trình đồ sộ dày hơn 2.000 trang, nghiên cứu về xã hội Việt Nam thế kỷ 19 với nạn tham nhũng và hối lộ hoành hành với hơn 2.000 dẫn chứng. Rất tiếc bản lược dịch chỉ còn hơn 200 trang với phần chính là nêu 104 trường hợp điển hình mà các quan không được nhận quà cáp (tức nhận hối lộ) và chỉ có năm trường hợp có thể nhận quà.
Tôi chợt nghĩ nếu Dương Chí Dũng và các quan tham khác trước đây đọc được cuốn sách này có thể họ đã nghĩ lại khi bày mưu tính kế vơ vét của công! Tác giả còn quan niệm Dục phạt nhất nhi trừng bách (trừng trị một kẻ để răn trăm kẻ khác) và Dụng hình kỳ vu vô hình (dùng hình phạt để mong khỏi dùng đến hình phạt). Thật là nhân bản. Và trong lời tựa viết năm 1867, tác giả khiêm tốn viết rằng ông bỏ công sức viết và bỏ tiền khắc in sách“là để làm khuôn phép cho bản thân và cho con cháu đời sau, không dám nghĩ để làm khuôn phép cho ai”. Nhưng cuốn sách này đúng là một cuốn cẩm nang của người làm quan. Kể cả các quan chức thời nay.
PHẠM CHU SA