Sách giáo khoa do Bộ biên soạn sẽ có phiên bản điện tử

Có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học

Bản giải trình cũng chỉ rõ nguyên nhân của việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới phải gia hạn theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21-11-2017 của Quốc hội. Đó là do việc xây dựng chương trình GDPT mới đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, lấy ý kiến, tuyên truyền rộng rãi trong xã hội.

Quá trình dự thảo chương trình GDPT mới và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân nảy sinh những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều nên cần thêm thời gian để lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu, đồng thời giải thích, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội. Việc chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất) cần có thời gian, nguồn lực và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các địa phương.

Học sinh TP.HCM chọn mua sách giáo khoa. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN

Sau khi ban hành chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về lộ trình áp dụng trong thời gian Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 51, đồng thời đảm bảo chất lượng chương trình-sách giáo khoa mới cùng với việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thực hiện nhằm đảm bảo sự thành công khi triển khai áp dụng.

Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội nêu: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”. Chủ trương của Quốc hội xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa phù hợp với các nước có nền giáo dục tiên tiến, Bộ GD&ĐT đã cụ thể hóa một số quy định về chương trình, sách giáo khoa GDPT trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), nâng một số quy định trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 thành các quy định của luật.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo chuẩn bị tài liệu hướng dẫn và kế hoạch tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa. Theo quy định của Quốc hội, Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa. Việc tổ chức biên soạn được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT. Sau khi biên soạn, bộ sách giáo khoa do Bộ chủ trì sẽ được công bố công khai, bao gồm phiên bản sách điện tử để giáo viên, học sinh sử dụng rộng rãi, bình đẳng.

Có phương án cụ thể về giá và quyền  lựa chọn sách giáo khoa

Để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa sách giáo khoa (sách in) do Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn với các sách giáo khoa khác, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá sách giáo khoa. Khi biên soạn sách giáo khoa mới, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các nhà xuất bản tham gia làm sách giáo khoa và các sở GD&ĐT hướng dẫn, tập huấn giáo viên về việc sử dụng sách để học sinh có ý thức giữ gìn, bảo quản đảm bảo sách giáo khoa được sử dụng nhiều lần, tránh lãng phí.

Về lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở GDPT: Để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng độc quyền khi có nhiều sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở GDPT theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở GDPT trên cơ sở nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh; quy định cụ thể trách nhiệm của sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, người đứng đầu cơ sở GDPT trong việc quản lý việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa; có chế tài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, cha mẹ học sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới