Cuối tháng 2 vừa qua, danh sách 100 điều thú vị của TP.HCM được công bố. 90% điều thú vị của Sài Gòn nay là các điểm giải trí, ẩm thực, mua sắm, quán cà phê, spa…, chỉ có 10% điểm thú vị là các bảo tàng, khu di tích.
Khi thực hiện giải tỏa mở rộng đại lộ Đông Tây, không ít nhà cổ ở khu vực quận 5 đã bay theo con đường này. Các cơ quan văn hóa, kiến trúc ngồi tiếc nhưng nhà cổ mất thì cũng đã mất...
Trong những ngày tháng 4, không ít người đi ngang đường Đồng Khởi chưa kịp ngỡ ngàng vì tòa cao ốc bề thế bên trái (Vincom Tower) thì tiếp tục xót xa khi nhìn sang phải - Trung tâm thương mại Eden đã đập ngổn ngang gạch đá. Chỉ không bao lâu nữa một đại công trình khác sẽ ngày đêm thi công ở đây và cũng chẳng bao lâu, người ta lại ngỡ ngàng với một trung tâm thương mại lớn khác.
Sài Gòn với những góc phố nhỏ chỉ còn trong hoài niệm. (Ảnh chụp bức tranh tường ở quán cà phê Givral trong Trung tâm thương mại Eden đang bị đập bỏ) Ảnh: NAM THANH
Hai tòa cao ốc ở đường Đồng Khởi là hai trong 20 khu đất vàng ở các vị trí đẹp nhất của Sài Gòn được quy hoạch cho phát triển kinh tế, thương mại. Vậy là những góc phố nhỏ của Sài Gòn xưa sẽ thay thế bằng những trung tâm mua sắm bề thế, khang trang. Có lẽ định hướng phát triển của TP.HCM là thành phố du lịch, mua sắm như một... Singapore. Nhưng đã có một cuộc thăm dò nào cho thấy du khách đến TP.HCM để du lịch mua sắm? Hay du khách đến Sài Gòn, thậm chí Việt Nam chỉ để dạo quanh phố phường, thăm thú những góc nho nhỏ; chọn Việt Nam vì những góc phố lịch sử thanh bình như vậy?
Những góc Sài Gòn xưa dần mất đi. Sài Gòn nho nhỏ của những hàng me xanh với những con đường có nắp cống từ những năm 1876 do Sở Pháo binh Pháp đúc sẽ nằm trong hoài niệm. Không chỉ du khách đến Sài Gòn ngẩn ngơ vì Sài Gòn khác quá xa với lịch sử mà họ được đọc, mà ngay cả những người lớn lên ở Sài Gòn muốn chọn lựa một góc nhỏ để ngắm Sài Gòn cũng sẽ khốn khó hơn.
Ai đó từng nói rằng quy luật của phát triển là đánh đổi. Nhưng liệu có cái gì quý giá hơn gốc tích, lịch sử văn hóa của một vùng đất để đánh đổi đây? Những ký ức thanh bình mất dần, những nơi chốn trong sử sách mất dần. Mai sau nếu ai đó bỗng nhiên nhớ về Catinat, nơi ông Phạm Xuân Ẩn hay lui tới, nơi những văn nghệ sĩ hay ngồi… có lẽ sẽ phải tự lẳng lặng lôi từ ngăn kéo những tấm ảnh trong bưu thiếp mà nhớ tiếc. Vì một Sài Gòn đẹp đẽ, thú vị của ngày xưa đã mất đi...
QUỲNH TRANG