Sài Gòn có thêm bếp ăn ấm áp tình người

Ngày 13-10, bếp ăn tình thương ở 49 Lã Xuân Oai, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP.HCM chính thức đi vào hoạt động. Bếp ăn này góp phần chăm lo bữa ăn của những người nghèo, người lang thang cơ nhỡ, học sinh, sinh viên xung quanh.

Từ ý thức trách nhiệm xã hội của doanh nhân…

Bếp ăn ra đời từ sự chung tay của Hội Chữ thập đỏ cùng Hội Doanh nghiệp quận và sự góp sức của nhiều người, phục vụ bà con từ thứ Hai đến thứ Năm hằng tuần với 100 suất ăn/ngày.

Để có được những phần cơm ngon, đảm bảo vệ sinh cho bà con, đội ngũ tình nguyện viên đã có mặt từ sáng sớm để bắt đầu công đoạn nấu nướng. 10 giờ 30, những phần cơm đã được bày sẵn để bà con đến kịp có cơm nóng, canh ngon dùng ngay đặng còn tranh thủ thời gian bươn chải.

Nói về việc xây dựng bếp ăn, bà Nguyễn Thị Thiêm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 9, tâm tình: Là một doanh nhân, bà luôn ý thức mình phải có trách nhiệm với xã hội, luôn muốn làm điều gì đó để giúp đỡ những người còn khó khăn. Đại diện cho Hội Doanh nghiệp, bà cùng với Hội Chữ thập đỏ xây dựng bếp ăn để người nghèo có cơ hội được ăn những bữa cơm ngon, tươm tất và đảm bảo vệ sinh an toàn.

“Chúng tôi quan niệm bà con ăn cũng như chính bản thân mình hay người trong gia đình mình ăn. Phải đảm bảo ngon, sạch và chất lượng chứ không phải làm cho có. Gạo, thức ăn đều được chúng tôi chọn lựa và kiểm tra kỹ càng trước khi nấu...” - bà Thiêm cho hay.

Có thêm bếp ăn tình thương quận 9, người Sài Gòn có thêm một địa chỉ để ấm lòng khi gặp khó khăn. Ảnh: THANH TUYỀN

Đến sự chung tay của giáo viên, sinh viên

Khi biết quận sẽ có bếp ăn miễn phí cho người nghèo, cô Đoàn Liệp, một giáo viên dạy văn đã nghỉ hưu, tham gia rất nhiệt tình. Ngoài giờ dạy ở nhà hay sau khi kết thúc những buổi dạy thêm, cô vẫn tranh thủ thời gian chạy đến bếp ăn để phụ. Không những thế cô còn kêu gọi học sinh của mình đến làm tình nguyện viên cho bếp ăn.

Kết thúc tiết dạy ở trường, trên người còn nguyên bộ áo dài chưa kịp thay, cô Liệp tất tả chạy thẳng vào bếp để phụ việc. “Tôi thấy cái bếp ăn này nó hay và rất ý nghĩa. Người nghèo, người gặp khó còn nhiều lắm. Lo được cho họ một bữa ăn tử tế là vui lắm rồi. Tôi còn kéo cả tụi nhỏ học sinh, sinh viên chỗ tôi dạy đến tham gia cùng để tụi nhỏ hiểu thêm về công tác thiện nguyện, về trách nhiệm xã hội. Thấy người ta ăn ngon miệng mà mình vui” - cô nói.

Bạn Kim Yến, sinh viên năm ba Học viện Bưu chính viễn thông, cùng nhóm bạn của mình đến phụ bếp ăn vào thứ Ba và thứ Năm hằng tuần. Yến cho biết việc đến đây làm tình nguyện cũng là cơ hội để Yến có thể giúp đỡ người khác, điều mà trước đây Yến không thể làm được.

“Trước đây đi ngoài đường, thấy người này người kia gặp khó khăn, em muốn giúp nhưng mà sức mình còn nhỏ quá không biết phải làm sao. Bây giờ em đã có cơ hội đóng góp để cùng các cô giúp đỡ nhiều người” - Yến cười nói.

Người nghèo chúng tôi dễ dầu gì mà có được bữa ăn ngon lại sạch sẽ như vậy. Giờ có được bữa ăn no lòng vầy, tôi cũng muốn đóng góp chút đỉnh, chẳng hạn mỗi lần 5.000-6.000 đồng để mình cảm thấy vui và yên tâm, hơn là vào đây ăn xong rồi về... Mình nghèo thì cũng có thể đóng góp theo khả năng của mình để những người nghèo khó hơn mình cùng có bữa ăn ngon hơn...

Bà TRẦN KIM HOA, người khách dễ thương của  bếp ăn tình thương quận 9

Nơi ấm lòng cho nhiều người khó

Lần đầu tiên dẫn con trai chín tuổi đến đây ăn, chú Lê Hữu Hoàng “phát biểu cảm tưởng” rằng món ăn ở đây rất vừa miệng nhưng chú thích nhất là nhìn đồ ăn rất sạch sẽ. “Từ khay đũa, ly nước đến khay để thức ăn… nhìn thấy sạch lắm. Nhìn vô bếp mình cũng thấy an tâm mà ăn cho ngon miệng, nói chung là tui thấy sướng” - chú Hoàng chia sẻ.

Còn Gia Bảo, con trai chú Hoàng, vừa lau miệng vừa nói: “Con thấy ngon quá ba, lại còn được ăn no nê mà không tốn đồng nào. Sau này tan học, ba cứ chở con đến đây ăn là mình tiết kiệm được hai phần ăn trưa rồi, ba ạ!”.

Bà Nguyễn Thị Thiêm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 9, cho biết điều mà bà và các mạnh thường quân còn ấp ủ là làm sao để có thể phục vụ mỗi ngày cho bà con, làm sao để những phần cơm miễn phí được đưa đến tận tay các bạn sinh viên, học sinh còn nghèo khó. Thậm chí bà còn muốn đưa những phần cơm ngon vào tận các bệnh viện để mỗi bệnh nhân đều được ăn ngon...

Hơn 13 giờ chiều, căn bếp nhỏ lại rộn ràng cười nói, tiếng gọi nhau í ới để dọn bàn, rửa chén... Giữa những ngày mưa ướt át của Sài Gòn lại có thêm bao mảnh đời cơ cực được hong khô bởi tấm lòng thơm thảo của mọi người.

Cơm chay ăn “vô tư” 20.000 đồng/suất

Được thành lập hai năm nay, quán cơm chay ở 117 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh bán một phần cơm với giá 20.000 đồng. Điều đặc biệt ở quán này là bà con có thể tự do lựa chọn món ăn mà không phải chú ý đến số lượng, khách ăn bao nhiêu vẫn chỉ trả 20.000 đồng.

Đây là quán cơm chay trước đây tôi hay ghé ăn, sau thấy đóng cửa một thời gian rồi sửa sang nên nghĩ chắc là thôi rồi, cái mặt tiền đẹp giữa đường Điện Biên Phủ sầm uất thế ai lại chỉ dùng bán cơm chay giá rẻ buổi trưa. Thế mà nhà sửa xong khang trang thì lại thấy người ta vẫn tiếp tục bán cơm chay.

Sài Gòn có thêm bếp ăn ấm áp tình người ảnh 2
Đến quán cơm chay ở 117 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, bà con có thể ăn “vô tư” mà chỉ trả 20.000 đồng. Ảnh: THANH TUYỀN

20.000 đồng/đĩa, không phải là quá rẻ nhưng so với cái mặt bằng và đầu tư thì cũng xếp vào hàng có trợ giá. Vì 20.000 đồng/đĩa nhưng bạn có thể tự múc cơm bao nhiêu lần tùy ý, tự lấy bao nhiêu thức ăn trong hơn 20 cái khay, sức bạn ăn bao nhiêu cứ lấy bấy nhiêu. Thức ăn ở đây ngon và sạch sẽ.

Thích thú nhất khi ăn ở đây là thấy sự tử tế và ý thức. Ai cũng ăn cho hết phần mình lấy, rất ít ai để dư. Tự lấy ăn rồi thì khi vét sạch đĩa tự đứng dậy đem tới cái xô chứa bát đĩa ở mỗi dãy bàn mà bỏ vào, chén đĩa một xô, muỗng đũa một xô. Bỏ vào rồi thì đi ra cửa, gặp anh chàng trẻ măng thu tiền thì móc ra đưa 20.000 đồng.

“Lý do nào chỉ lấy mức giá 20.000 đồng cho mỗi phần ăn?” - tôi hỏi. Chị chủ quán cười: “Để khách đến được ăn no thiệt no mà không cảm thấy đang xin xỏ. Vậy là vui rồi...”.

Nhìn dòng người từ trẻ con, học sinh, dân văn phòng, xe ôm, thợ hồ... cùng xếp hàng lấy thức ăn, xếp hàng bỏ chén đĩa, xếp hàng trả tiền... bỗng thấy vui vui. Tôi lâu lâu ghé ăn không chỉ là để nhẹ nhàng thân thể mà còn nhẹ nhàng cái đầu, vì thấy mình trong một đám đông còn biết nhìn thấy nhau...

TRẦN VƯƠNG THUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm