Hơn 6 giờ sáng, các cụ đã có mặt ở bếp ăn dinh dưỡng ở chùa Thiên Khánh, 551/24 Phạm Văn Chí, phường 7, quận 6. Gần 7 giờ mới đến giờ ăn sáng nhưng các cụ đến để chuyện trò, hỏi thăm nhau.
Không chỉ là bữa ăn
Ngoài chuyện có một buổi sáng ngon miệng, bữa ăn còn là nơi các cụ giải tỏa tâm sự với những người bạn đồng cảnh ngộ. Hôm nào không thấy bà Bé đến ăn là các cụ biết bà đang ở nhà tát nước triều cường ngập do hậu quả nâng đường. Một người trong nhóm sẽ đem bịch cháo hay bịch hủ tíu về và chuyện trò cho bà giải khuây, để có dịp mở miệng nói chuyện. Ở tuổi 75, bà lủi thủi một mình trong nhà vì chồng con đều lần lượt qua đời.
Cũng tình nghĩa ấy, bà Bé mỗi lần đi ăn về sẽ cầm theo một suất gửi cho bà Mai, một người bán rau muống thường xuyên phải nhịn ăn sáng và được đưa vào danh sách chăm lo của bếp ăn...
Bếp ăn do hòa thượng Thích Giác Vinh, cũng là trụ trì chùa khởi xướng, ban đầu chỉ là những bữa ăn tình thương phục vụ thứ Ba hằng tuần cho khoảng 10 cụ già, người neo đơn vào năm 2000. Nhờ sự tiếp sức của các mạnh thường quân, từ năm 2005, bếp ăn đã tăng thêm một bữa thứ Sáu và cung cấp cho gần 40 cụ mỗi bữa. Tính đến nay, bếp ăn đã hoạt động được 15 năm. Thực đơn có món cháo thịt bằm hoặc nui, bún riêu được thay đổi thường xuyên để các cụ không bị ngán.
Mỗi cụ ra đi vì bệnh tật thì bếp ăn lại đưa người mới vào. Ngoài bữa ăn, các cụ còn được Trạm Y tế phường 7 quan tâm khám chữa bệnh hằng tháng. Mỗi dịp lễ, tết, mỗi cụ còn nhận được tiền lì xì, bộ quần áo mới, gạo, quà...
Ngoài bữa ăn sáng dinh dưỡng, bếp ăn còn là nơi các cụ chuyện trò. Ảnh: H.LAN
Trên đường về, bà Bé (trái) mang cháo cho bà Mai đang bán rau muống ngoài đường. Ảnh: H.LAN
Nấu cho bếp ăn hơn sáu năm nay, chị Thi Hương chia sẻ nghe các cụ tâm sự chuyện gia đình mà đỡ nhớ người thân sinh. “Có cụ hôm trước còn đến ăn hôm sau đã ra đi. Bẵng đi vài hôm, có cụ không thấy đến ăn thì mình lại kiếm mới biết cụ để cườm nước lớn quá nên bể dẫn đến mù mắt. Cụ giấu không chịu đi khám vì sợ khổ con cái” - chị Hương ngậm ngùi.
Sau mỗi giờ ăn, có cụ tất tả đi năn nỉ bán từng tờ vé số hay có cụ cần mẫn xe nhang, lặt hành tỏi, lặt cuống ớt… đắp đổi qua ngày. Mỗi cụ lại trông chờ đến thứ Ba, thứ Sáu hằng tuần để được ăn bữa cơm của người dưng và cùng chia sẻ chuyện đời.
Nhân ái lan tỏa
Mỗi lần nói về những bữa cơm tình thương trên địa bàn TP.HCM, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, sôi nổi hẳn lên vì những nghĩa cử đẹp của người dân TP dành cho người nghèo khó.
Nhiều năm trước, ở quận 3 khởi động phong trào bữa cơm nhân ái cho người già neo đơn. Các đoàn thể trong quận kêu gọi các quán cơm mỗi ngày dành một, hai suất cho các cụ. Đến giờ cơm, các thanh niên xung kích đến các quán nhận cơm rồi đem đến tận nhà chăm cho các cụ ăn. Phong trào này sau đó lan tỏa ra nhiều quận và đến nay vẫn duy trì ở quận 1, quận 8…
“Các hoạt động về bếp ăn nghĩa tình, bếp ăn tình thương, bữa cơm nhân ái… đều có chung một ý nghĩa là giúp người nghèo có được bữa cơm tươm tất. Đối với bản thân những người có hoàn cảnh khó khăn, bữa cơm trị giá không cao nhưng nó góp phần san sẻ được khó khăn của họ mỗi ngày. Đó không chỉ là nơi đến ăn bữa cơm mà còn là nơi chia sẻ tâm tư, tình cảm của những người khốn khó trong xã hội. Những người góp phần để duy trì bữa cơm định kỳ đã là một nỗ lực lớn. Người trước làm nhiệt tâm, người sau thấy cảm động mà đóng góp cùng. Vòng tròn nhân ái vì thế lan tỏa. Bếp ăn ở chùa Thiên Khánh ban đầu chỉ có mỗi tuần một buổi, nay đã tăng lên ba buổi/tuần là một ví dụ” - ông Tuấn chia sẻ.
Khánh thành bếp ăn tình thương tại TP.HCM Tháng 10 vừa qua, Hội Chữ thập đỏ TP.HCM đã phối hợp với tổ chức Dail social Welfare Foundation (DAIL - Hàn Quốc) khánh thành bếp ăn từ thiện tại Nhà văn hóa khu phố 3, 303/9 hẻm 1041 đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM. Đây cũng là bếp ăn từ thiện thứ hai của DAIL tại TP.HCM. Tại đây sẽ cung cấp bữa ăn miễn phí cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Tân Hưng và các khu vực lân cận. Trước đó, tổ chức này có bếp ăn ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. ________________________________ 453.992 là con số người cao tuổi tại TP.HCM theo thống kê năm 2015. Hiện nay, TP có sáu trung tâm bảo trợ xã hội công lập nuôi dưỡng gần 1.260 người và 13 trung tâm bảo trợ xã hội ngoài công lập nuôi dưỡng gần 546 người cao tuổi. Trong số những người được nuôi dưỡng tại các trung tâm có 70% người cao tuổi là ở các tỉnh, thành, 30% người cao tuổi là ở TP; đa số không có gia đình hoặc có gia đình nhưng đã mất liên lạc. (Trích báo cáo kết quả công tác người cao tuổi năm 2016 của |