Sài Gòn sẽ là ‘Thành phố áo dài’

Sáng 1-3, Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức họp báo công bố chính thức về lễ hội Áo dài TP.HCM lần 3-2016 với chủ đề “TP.HCM - TP áo dài”. Ban tổ chức lễ hội áo dài lần này có nhiều hoạt động nhằm đưa chiếc áo dài trở nên quen thuộc trong đời sống người Việt hôm nay.

Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với nhà thiết kế Sĩ Hoàng (ảnh) về chiếc áo dài trong cuộc sống hôm nay khi TP.HCM hướng đến việc trở thành “TP áo dài”.

Xã hội bớt nhiễu nhương khi có nhiều áo dài

. Có rất nhiều ý kiến cho rằng chiếc áo dài không còn phù hợp với cuộc sống ở TP.HCM ngày nay khi thời tiết nóng bức hơn, đường sá đông chật hơn, nhịp sống hối hả hơn, con người vội vàng hơn… Liệu việc mặc áo dài thường xuyên trong mọi sinh hoạt có khả thi?

+ Tôi trả lời ngay là có, khả thi. Nghiên cứu lịch sử áo dài Việt Nam từ thế kỷ 17 tới nay sẽ thấy từ thập niên 1960-1970 là giai đoạn Sài Gòn vừa trong thời chiến vừa là hòn ngọc Viễn Đông phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhất khu vực Đông Nam Á, hơn hẳn Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore…, lại ảnh hưởng văn hóa Mỹ nên cuộc sống rất hiện đại, hối hả. Nhưng thời đó rất nhiều phụ nữ bước ra đường là mặc áo dài.

Sau năm 1975 thì thầy cô giáo đi dạy nữ mặc đồ Tây, nam bỏ áo ngoài quần, mang dép da nhưng đến những năm 1990 thì nhiều nơi trong TP bắt buộc nữ đi dạy phải mặc áo dài, nam bỏ áo vào quần, mang giày da, thắt cà vạt. Lúc đó dư luận xã hội ồn ào là mặc như thế vô cùng nóng nực. Nhưng bây giờ việc cô giáo mặc áo dài đi dạy, nam mang giày vớ đi làm, ra đường là rất bình thường, có ai than nóng nực gì đâu.

. Cho rằng không chỉ phụ nữ mới cần được khuyến khích mặc áo dài mà cả đàn ông Việt cũng nên mặc áo dài, anh có thể nói rõ hơn về điều này?

+ Đàn ông nên mặc áo dài trong dịp lễ tết, cưới hỏi, cúng giỗ, mặc trong những sinh hoạt văn hóa của công ty, những hoạt động có tính ngoại giao chẳng hạn. Những dịp tiếp khách, bản thân tôi luôn mặc áo dài. Khách cũng cảm thấy đó là sự trang trọng của chủ nhà. Giá trị văn hóa, giao tiếp từ đó tăng lên rất nhiều. Có những người nổi tiếng như nghệ sĩ Thành Lộc đã có tác động rất lớn trong việc cổ vũ bạn nam trẻ mặc áo dài. Hai năm nay anh thường xuyên mặc áo dài xuất hiện ở các sự kiện đã khuyến khích nhiều bạn bè, bạn trẻ, ca sĩ trẻ mặc theo. Tết này, ngoài đường hoa Nguyễn Huệ, chùa chiền đã có rất nhiều bạn nam trẻ mặc áo dài chụp ảnh là một tín hiệu vui.

Trong những năm gần đây, áo dài luôn được giới nữ chọn mặc trong những ngày lễ tết. Ảnh: HTD

Ông bà mình có câu “Y phục xứng kỳ đức”, trong chiếc áo dài có một giá trị giáo dục vô cùng to lớn. Dù là người thế nào, khi mặc vào mình chiếc áo dài tự nhiên người ta cũng trở nên điềm đạm, nhã nhặn hơn. Người khác gặp người mặc áo dài cũng có thái độ ứng xử nhẹ nhàng, trang trọng. Từ đó các mối quan hệ giao tiếp ở con người và xã hội đang rất nhiễu nhương, xô bồ hiện nay cũng được điều chỉnh lại. Từ chuyện ăn mặc, chiếc áo dài sẽ có những tác động đến văn hóa, giáo dục của xã hội, thậm chí là cả kinh tế nữa.

Cần thay đổi thiết kế áo dài cho nữ sinh

. Đã từng có rất nhiều lời phàn nàn về việc cải biến, cách tân, biến tấu chiếc áo dài trở nên xa lạ, hở hang, biến chất đến không còn là chiếc áo dài nữa. Với anh, việc cách tân chiếc áo dài như thế nào là chấp nhận được?

+ Tôi cho rằng chiếc áo dài chọn kiểu dáng, mẫu vải, màu sắc gì cũng được nhưng có những nguyên tắc phải tuân thủ để giữ lại những nét truyền thống đặc trưng của áo dài. Chất liệu không được mỏng quá, mỏng thì phải có vải lót. Cổ không được khoét quá sâu, eo không được khoét quá cao để tránh sự hở hang… Quan trọng nhất, nội y mặc áo dài phải là màu da, tuyệt đối không được mặc màu nổi để tránh sự phản cảm.

. Anh nói gì về việc cho rằng chiếc áo dài đã lỗi thời so với những bộ váy đồng phục nữ sinh thời thượng giống phim Hàn, phim Nhật hôm nay?

+ Chiếc áo dài nữ sinh hôm nay cần có những thay đổi cho phù hợp. Cần sử dụng những chất liệu thoáng mát, phù hợp và không nhất thiết chiếc áo dài nữ sinh phải ôm sát người, tà dài, cổ cao khiến nó gò bó, nóng nực, bất tiện. Lịch sử áo dài Việt Nam cho thấy chiếc áo dài không hề bảo thủ mà luôn biết cách thay đổi cho phù hợp với thời đại đang sống nhưng vẫn giữ lại được giá trị truyền thống.

. Xin cám ơn anh.

Tháng 3 - Tháng của áo dài

Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 3 với chủ đề “TP.HCM - TP áo dài” diễn ra từ ngày 5 đến 19-3 nhằm vận động người dân TP mặc áo dài trong các sinh hoạt đời thường nhằm làm nổi bật nét đẹp và giá trị sử dụng của áo dài, từ đó tạo nên sức hút cho du lịch TP.HCM.

Các hoạt động chính của lễ hội gồm:

- Tổ chức hành trình “TP áo dài - TP tôi yêu” với hình thức diễu hành áo dài trên xe đạp trong các ngày 6, 13 và 20-3.

- Triển lãm ảnh “Áo dài qua từng thời kỳ” tại Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Công viên Chi Lăng từ ngày 5 đến 31-3.

- Tổ chức hội chợ Áo dài tại Nhà văn hóa Thanh niên từ ngày 8 đến 13-3 với sự giảm giá may áo dài, mua vải và phụ kiện may áo dài của nhiều nhà may, nhà thiết kế, doanh nghiệp.

- Hội thi “Duyên dáng áo dài”, thi ảnh - vẽ - thiết kế áo dài. Hội thi kết hoa trên áo dài, trình diễn áo dài hoa với sự tham gia của 20 nhà thiết kế quốc tế tại Windsor Plaza trong hai ngày 19 và 20-3.

- Lễ khai mạc và đồng diễn áo dài với khoảng 500 người lúc 8 giờ tại Nhà văn hóa Thanh niên.

- Chương trình thời trang “Áo dài - Vẻ đẹp bất tận” lúc 18 giờ 30 ngày 8-3-2016.

_____________________________

Sài Gòn sẽ là ‘Thành phố áo dài’ ảnh 3

Chiếc áo dài đang có những biến đổi, phá cách, gia giảm để phù hợp với các hoạt động của đời sống hôm nay. Lan Khuê nhận thấy rằng không khó lắm để mặc áo dài trong các sinh hoạt cuộc sống. Lan Khuê luôn có ý thức lựa chọn áo dài ưu tiên trong các hoạt động, công việc hằng ngày của mình.

Hoa khôi Áo dài Việt Nam LAN KHUÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm