Sài Gòn 'sống lại' những chuyến tàu ngoại ô

(PLO) - Thư ảnh gửi em gái Cali!

Em ạ! Sáng nay, Sài Gòn khai trương đoàn tàu ngoại ô đi Dĩ An, rồi về lại đó! Nếu em có về Sài Gòn, muốn đi lại những chuyến tàu ngoại ô xưa mà bà hay kể thì cầm tờ giấy này có in chuyến, giờ tàu đi- về, các ga dừng đón nhé!

Vô ga Sài Gòn, đến hai toa cuối của đoàn tàu em sẽ thấy trên thành toa xe có tấm bảng đề rõ: “toa khách tàu ngoại ô”!

Bên trong toa xe, phía trên cửa nối thông các toa xe cũng có bảng “toa khách tàu ngoại ô”!

Em ạ! Đi tàu ngoại ô em khỏi phải mua vé trước như đi tàu ra Bắc hay về miền Trung. Em cứ lên toa, an vị sẽ có ngay nhân viên nhà tàu đến tận ghế bán vé cho.

Ga đầu tiên mình dừng lại trên hành trình ra ngoại ô là ga Gò Vấp đó! Em thấy không, cái tháp canh chừng tàu ngược xuôi được người Pháp xây dựng cả trăm năm trước vẫn còn. Trên bờ tường phía Nam của tháp vẫn còn hai chữ GO – VAP đóng trong khung chữ nhật, cách mà người Pháp “đánh” tên các ga trên suốt hành trình tàu lửa xuyên Việt.

Em nhỉ! Ngày xưa ngoại hay lấy trong rương ra cho anh em mình coi con tem in hình ga Gò Vấp xưa.

Ngoại kể, xưa ga này còn gọi theo tên xóm là ga Xóm Thơm. Ga lớn lắm vì nó không chỉ là ga dừng tránh tàu Bắc – Nam như bây giờ mà là nơi nối ray cho tàu rẽ xuống Tân Cảng. Đi dọc đường Nguyễn Xí, phường 13, quận Bình Thạnh bây giờ, rồi qua cầu Đỏ mới vẫn thấy những đoạn ray tàu lửa “phát lộ” chạy về hướng Tân Cảng, cầu Sài Gòn. Những đoạn ray ấy là rẽ từ ga Gò Vấp xuống đó!

Ngoại kể, cũng từ ga Gò Vấp có một nhánh ray rẽ trái đi về mấy công binh xưởng dọc theo đường Phan Văn Trị (Z 751) rồi đi thẳng xuống vùng Hóc Môn, gặp đường đất và đường tàu đi Phnôm Pênh để thành Ngã tư Ga “chết tên” đến tận bây giờ. Chừng năm 1913, từ Ngã tư Ga đường ray nối đi thẳng qua cầu Phú Long sang miệt vườn Lái Thiêu, phủ Thủ Dầu Một. Ngoại bảo, đó chính là con đường tàu ngoại ô đầu tiên từ Sài Gòn xuống để chuyên chở các thầy cai, thầy ký “về vườn” cuối tuần và chở ngược cây trái lên Sài Gòn. Dấu tích con đường tàu ngoại ô ấy giờ chỉ còn lại là cầu Phú Long, trông giống y chang cầu Bình Lợi đó

 

Ô! Tới cầu Bình Lợi rồi! Người đàn ông đối diện đang nhìn xuống sông Sài Gòn và phía xa kia là cầu Bình Lợi mới với hai dàn vòm cầu cong như hai chiếc ấn đỏ tươi in xuống dòng xanh Sài Gòn

Tới ga Bình Triệu! Hồi tháng trước ga này chỉ để dừng tránh tàu Bắc – Nam thôi. Giờ có thêm tàu ngoại ô thì đây là một trong năm ga tàu phải dừng lại để cho khách lên xuống. Em có thấy, phía trước nhà ga, ngang bên đường tàu có cái trụ sắt và ba bậc tam cấp bước lên không? Đó là cái trụ có từ xưa dùng để gắn  thẻ chạy tàu. Phu lái tàu khi qua ga không thấy trên cột gắn vòng đai kẹp thẻ thì phải dừng tàu lại. Còn nếu có đai gắn thẻ thì phu lái phải thò đầu, với tay ra bắt thẻ trong khi tàu vẫn chạy qua ga. Giờ thông tin liên lạc bằng cáp, bằng mạng hiện đại lắm rồi nhưng những cái trụ gắn thẻ chạy tàu như thế vẫn được giữ lại làm chứng cho lịch sử nhà tàu, đường ray của xứ mình đó em ạ!

Tàu đến ga Sóng Thần, hành khách đi tàu Bắc – Nam phải xuống, ra cửa ga có xe buýt đón để trung chuyển ra ga Biên Hòa lên tàu mới đi tiếp hành trình ra Bắc, về Trung. Từ ngày 20-3, cầu Ghềnh, trên sông Đồng Nai bị sập khách đi tàu phải tăng bo vất vả như thế đó. Nhưng không sao, có cả những du khách, anh bạn Tây cũng cùng bước, chia gánh vất vả với dân mình kia mà!

Em ạ! Nỗi vất vả của người đi tàu cũng vơi bớt đi khi có những đôi tay của các bác nhà tàu vươn ra sẻ chia phải không?

Trên chuyến tàu ngoại ô đầu tiên có hai vợ chồng. Bác trai bảo, nghe có tàu ngoại ô, hai đứa già tôi đi thử ra Dĩ An thăm bạn rồi đi chợ. Chợ Dĩ An không nhiều cây trái như miệt vườn Lái Thiêu xưa nhưng mình cứ đi xem thử thế nào!

Ra cửa ga, hai người bạn già nắm tay nhau qua đường. Bác trai bảo, chiều tôi sẽ quay lại ga này để về lại Sài Gòn. Một ngày đi để nhớ lại một thuở một thời Sài Gòn có những chuyến tàu ngoại ô, phải không em?!

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm