Theo ông Thủy, có trường hợp khi Samsung thực hiện các văn bản thủ tục hành chính nộp lên cơ quan nhà nước nhưng không được đồng ý vì văn bản không có dấu giáp lai.
Vấn đề là không phải Samsung không làm, mà vì việc thực hiện thủ tục hành chính quá nhiều và tốn nhiều thơi gian. Chẳng hạn, khi Samsung tổ chức hoạt động khuyến mãi, công ty có nghĩa vụ phải làm văn bản thông báo đến Sở Công Thương của 63 tỉnh, thành. Có nghĩa mỗi chương trình như vậy phải nộp đủ giấy tờ cho 63 tỉnh, thành nhưng Samsung đâu phải làm một chương trình, mà là hàng trăm chương trình.
Cứ lấy ví dụ, Samsung làm 100 chương trình và nộp cho 63 tỉnh, thành thì có một khối lượng văn bản rất lớn, mà mỗi văn bản này đều đòi hỏi phải đóng dấu giáp lai. Một văn bản đóng dấu thì đơn giản nhưng lên đến cả ngàn cái thì tốn rất nhiều thời gian và công sức.
"Nói đơn giản như vậy để biết doanh nghiệp lớn đang khổ sở với những chuyện nhỏ này như thế nào. Có lẽ ban dự thảo nên xem xét vấn đề dấu giáp lai này ra sao cho hợp lý hơn" - ông Thủy nói.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên ban soạn thảo luật, cho biết về vấn đề con dấu đang nỗ lực hỗ trợ cho doanh nghiệp theo hướng thuận tiện hơn. Một trong ý kiến đề xuất là sẽ bỏ thông báo mẫu dấu công khai, rồi sửa đổi để tránh tranh chấp cổ đông chiếm mất dấu thì hoạt động kinh doanh bị đình trệ...