Mới sáng qua 26-12, tại TP.HCM, nhiều phụ huynh đã mang con em đến các cơ sở tiêm chủng đợi từ sáng cũng chỉ để được một liều vaccine dịch vụ.
Nhìn cảnh các cháu nhỏ cuộn trong áo ấm nằm trên tay cha mẹ chờ đợi một cách vô tư, còn cha mẹ chúng thì lo âu, phập phồng, chúng ta thử đặt vấn đề tại sao vậy?
Bộ Y tế đã chịu một áp lực quá lớn, đó là một bộ phận phụ huynh không nhỏ (chiếm 8%-10% - khoảng 170.000 trẻ/năm) có con em trong độ tuổi tiêm chủng sẵn sàng không tiêm Quinvaxem để chờ Pentaxim. Họ cũng chấp nhận rủi ro con em bệnh tật hơn là rủi ro bị phản ứng khi tiêm Quinvaxem. Số lượng 170.000 trẻ, phụ huynh nếu đồng loạt vây quanh các điểm tiêm chủng để chờ vaccine thì không biết diễn biến và kết quả sẽ như thế nào.
Trong “cuộc chơi” với các công ty đa quốc gia độc quyền về thuốc - vaccine, Bộ Y tế dù có muốn đưa vaccine dịch vụ về cho con dân cũng không thể vì chẳng có một ràng buộc nào, thích thì nhập, không thích thì thôi, bỏ rơi người dân Việt Nam. Lần này, lần khác, họ đều nói do biến động sản xuất, sản xuất không đủ cung cấp cho các nước đưa loại thuốc - vaccine này vào chương trình quốc gia.
Người viết đang đặt vấn đề, phải chăng đây là trò chơi tạo áp lực của các công ty? Họ dùng trẻ con, phụ huynh để gây áp lực cho ngành quản lý Việt Nam và nó như đang diễn ra. Một khi vấn đề vaccine dịch vụ bị dư luận công kích, tình hình trong thế khó kiểm soát được thì buộc các nhà lãnh đạo phải đưa ra quyết sách giải quyết tình thế. Như thế, các công ty này đã đạt được mục đích? Đó là đưa vaccine dịch vụ trở thành vaccine của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Nếu thành công, như vậy mỗi năm họ chẳng cần đăng ký nhập khẩu mà vẫn ngồi rung đùi đếm tiền, mà số tiền này không hề nhỏ. Còn nếu không thành công thì năm sau, năm sau nữa không ai dám chắc rằng vaccine dịch vụ lại không khan hiếm như đã và đang diễn ra.
Vậy nên nhiều chuyên gia cho rằng vaccine dịch vụ phải được luật hóa trong Luật Dược sửa đổi với những điều khoản rõ ràng, có sự ràng buộc lẫn nhau chứ không thể bỏ ngỏ như hiện nay. Luật Dược phải chống được độc quyền và tăng giá. Nếu ngành y tế không có bước đi này thì e rằng uy tín của ngành sẽ giảm trầm trọng và một lượng không nhỏ con em Việt Nam bị bệnh và làm mất đi thế chủ động trong phòng, chống dịch bệnh.
Nếu giải được bài toán thiếu hụt, khan hiếm vaccine này thì từ đây báo chí sẽ không còn tốn giấy mực thêm và cũng không còn thấy cảnh người dân rồng rắn xếp hàng “đón chờ”… vaccine như đón chờ một vị thần nữa!