Nửa năm trước, khi lượng vaccine dịch vụ về nhỏ giọt, bất chấp đêm hôm nhiều gia đình đến các điểm tiêm chủng xếp hàng để có được suất tiêm cho con. Người may mắn nhận được suất tiêm, có người chờ cả mấy tiếng đành về không vì hết vaccine.
Hoang mang, sốt ruột vì… vaccine
Thời điểm hiện nay, vaccine khan hiếm hơn, xếp hàng, đặt tiền trước các điểm tiêm cũng không nhận. Giữa tháng 12 vừa qua, ngay Phòng Tiêm chủng và Dịch vụ Polyvac (thuộc Trung tâm Sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế) thông báo hiện 15.000 liều vaccine Pentaxim (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib) của hãng Sanofi Pasteur - Pháp đã về miền Bắc. Có thể trong vài ngày tới sẽ có 25.000 liều Pentaxim về miền Nam. Số lượng vaccine này sẽ được kiểm định lại chất lượng trong khoảng hai tuần theo đúng quy định của Bộ Y tế. Dự kiến sớm nhất là cuối tháng 12-2015, nhà phân phối của hãng Sanofi Pasteur Việt Nam sẽ đưa vaccine Pentaxim ra thị trường.
Ngay sau khi đón nhận thông tin chưa đầy 30 phút, anh Hải Đăng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội có con mới sinh một tháng vội vã đến ngay phòng tiêm chủng và dịch vụ trên đăng ký tiêm. Tuy nhiên, câu trả lời mà anh nhận được từ điểm tiêm là: Thời điểm này phòng tiêm chủng và dịch vụ chưa có vaccine Pentaxim nên chưa có bất kỳ kế hoạch gì liên quan đến vaccine này. Phòng Tiêm chủng và Dịch vụ Polyvac chỉ là đơn vị tổ chức tiêm chứ không trực tiếp nhập Pentaxim. Người dân cần theo dõi trên trang thông tin của phòng tiêm. Điểm tiêm cũng không nhận đăng ký trước hay đặt cọc.
“Con mới sinh cần được tiêm sớm mà vaccine dịch vụ không có. Vaccine miễn phí tại bệnh viện có nhiều nhưng lại lo. Chẳng may cơ địa con phản ứng tiêm vào không tốt nên cứ chờ. Vừa nghe thông tin có vaccine dịch vụ về mừng quá nhưng lại phải chờ thêm, không biết cuối tháng có vaccine không” - anh Hải Đăng lo lắng.
Nhiều phụ huynh khác có nhu cầu tiêm cho con đi hỏi ở các điểm tiêm dịch vụ khác ở Hà Nội nhưng đều nhận được cái lắc đầu không có vaccine.
Tại TP.HCM, tuy chưa có thông tin vaccine về nhưng mới đây, Công ty Cổ phần Vật tư Tiêu hao Y tế Sài Gòn đã treo biển có vaccine với cam kết: Đăng ký tiêm vaccine 5 trong 1 sẽ được tiêm tại các cơ sở y tế có chức năng từ ngày 5-1 đến 10-1-2016. Khách hàng phải đặt cọc trước. Tuy nhiên, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế khẳng định công ty này không được cấp phép kinh doanh trong lĩnh vực vaccine và yêu cầu làm rõ nguồn vaccine nhập khẩu, cũng như việc phân bổ vaccine cho các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Sau khi Thanh tra Y tế vào cuộc, sự thật là Công ty Cổ phần Vật tư Tiêu hao Y tế Sài Gòn không được cấp bất cứ giấy phép gì liên quan đến lĩnh vực vaccine. Phía công ty buộc phải trả lại tiền đặt cọc cho khách hàng. (Xem Pháp Luật TP.HCM từ ngày 15-12 đến 18-12-2015).
Chị Lê Thị Hồng Anh (phường 4, quận 5) có con 15 tháng nói: “Con tôi đã tiêm được 2/3 mũi 5 trong 1 theo lịch tại một phòng khám tư. Bây giờ đến lịch hẹn mũi thứ 3 mà chưa có vaccine. Đành phải hy vọng và chờ đến cuối tháng 12, có đắt cũng đành chấp nhận”.
Phụ huynh đưa con đi tiêm ngừa theo chương trình tiêm chủng mở rộng tại một bệnh viện ở TP.HCM. Ảnh: TÙNG SƠN
Có không chợ đen vaccine?
Dù cơ quan chức năng chưa bắt được trường hợp nào “cò” vaccine nhưng trên các trang mạng luôn xuất hiện những lời rao bán vaccine với giá cao gấp 5-7 lần giá trị thực tế.
Bên cạnh đó, từ tháng 8 đến đầu tháng 11, nhiều bà mẹ phản ánh trên Facebook xuất hiện một số status “tấn công” trực tiếp vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, cụ thể là vaccine Quinvaxem. Ví dụ, Facebook của một người có nickname NH, chuyên bán thực phẩm qua mạng viết: “Biết tin này vì có người nhà làm trong ngành... Con mình mà Bộ Y tế lấy ra làm thử nghiệm như chuột bạch để nhận tiền tài trợ. Kết quả của thử nghiệm sẽ được ghi chép lại để về Hàn người ta làm thuốc cải tiến! Ở Việt Nam mạng người như cỏ rác”. Sau vài ngày, NH rút xuống với lý do: “Mình xóa status vừa rồi để share thông tin của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) rằng Quinvaxem chỉ là sản phẩm vẫn đang nằm trong danh sách thử nghiệm. Mọi người tự suy nghĩ nhé!”. Chưa hết, Facebook của PTL, chủ một cửa hàng spa tại phía Bắc, ngày 8-11 đã có một status chỉ trích rất nặng chương trình tiêm chủng mở rộng và cả Bộ Y tế. Trong đó có đoạn: “Các mẹ có con đang độ tuổi đi tiêm đừng vội lo cho con quá mà cho con tiêm cái thuốc Hàn, thứ thuốc chết người cho con mình”(?!).
Đề cập câu chuyện này với BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 TP.HCM, ông cho biết: Lý do (họ) chỉ trích có thể vì cạnh tranh, vì lợi nhuận, cả vì để câu view... “Người ta sẽ không bao giờ ngưng mang vaccine miễn phí ra xoi mói” - BS Khanh nhấn mạnh.
Về tình trạng vaccine được rao bán trôi nổi trên thị trường, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đã cảnh báo: Bộ Y tế cấm việc buôn bán vaccine ngoài thị trường. Người dân không nên tự mua, tự tiêm loại vaccine “xách tay” này. Vaccine không bảo đảm chất lượng, không được bảo quản đúng quy trình thì rất dễ xảy ra phản ứng sau tiêm. Ngoài ra nếu người tiêm không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, không đủ các phương tiện cấp cứu khi xảy ra phản ứng sẽ rất nguy hiểm.
PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Tất cả vaccine đều có một tỉ lệ phản ứng nhất định Nhiều người băn khoăn về chất lượng vaccine dịch vụ (Infanrix hexa và Pentaxim) tốt hơn hay vaccine Quinvaxem dùng trong TCMR tốt hơn? Thực tế đây chỉ là những lo lắng của các bậc làm cha làm mẹ chứ chất lượng các vaccine đều rất đảm bảo. Tôi xin nhắc lại rằng vaccine là loại thuốc đặc biệt khi đưa ra sử dụng phải được kiểm định rất chặt chẽ của WHO cũng như cơ quan kiểm định của Việt Nam về tính an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng tất cả loại vaccine đều có một tỉ lệ phản ứng nhất định. Qua nghiên cứu của WHO, cũng như thực tế tại Việt Nam, hai loại vaccine trên có những phản ứng nặng sau tiêm giống nhau. Trong khi đó, vaccine Quinvaxem do có chứa thành phần ho gà toàn tế bào nên tỉ lệ phản ứng nhẹ như sốt, đau tại chỗ tiêm cao hơn đối với vaccine ho gà vô bào dùng trong tiêm chủng dịch vụ. Khan hiếm vaccine dịch vụ, vì sao? Liên quan đến vaccine Pentaxim, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, khẳng định thông tin Bộ Y tế cho nhập khẩu 40.000 liều vaccine Pentaxim 5 trong 1; trong đó dự kiến phân phối 15.000 liều cho các địa phương miền Bắc và 25.000 liều cho miền Nam là chính xác. Tuy nhiên, các cơ sở nhập khẩu đã gửi mẫu đi kiểm định, dự kiến sau hai tuần kể từ ngày gửi mẫu sẽ có kết quả. Giá vaccine Pentaxim tuân thủ theo Luật Kê khai giá thuốc. Ngay cả 49.000 liều vaccine 6 trong 1 mà Công ty GlaxoSmithKline Pte.Ltd. tại Việt Nam (GSK) thông báo sẽ về Việt Nam trong năm 2016 chỉ mới là thông tin ban đầu. Đại diện GSK cho biết trong mấy năm qua do nhu cầu vaccine trên toàn cầu và thị trường vaccine có chứa thành phần ho gà vô bào tiếp tục gia tăng đáng kể. Nguyên nhân là do sự chuyển đổi từ vaccine có thành phần ho gà toàn tế bào sang ho gà vô bào trong các chương trình tiêm chủng quốc gia ở các nước. Thêm vào đó, sự gia tăng nhu cầu vaccine còn do sự cung cấp giới hạn của vaccine có chứa thành phần ho gà vô bào của nhà cung cấp khác trên phạm vi toàn cầu. Vì thế công ty sẽ không có khả năng đáp ứng được toàn bộ nhu cầu vaccine 6 trong 1 trên toàn cầu trong giai đoạn 2015-2016. Công ty sẽ cung ứng cho các hợp đồng hiện tại như đã cam kết với các chương trình tiêm chủng tại các quốc gia và những nơi mà công ty là nhà cung cấp duy nhất cho các kháng nguyên cần thiết của chương trình tiêm chủng quốc gia. “Vaccine 5 trong 1 (Quinvaxem và Pentaxim) và vaccine 6 trong 1 (Infanrix Hexa) đều có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực. Điều này có nghĩa là tất cả doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu vaccine đều có thể nhập khẩu các vaccine này với số lượng và số lần nhập khẩu không hạn chế mà không cần giấy phép nhập khẩu của Cục Quản lý dược. Tuy nhiên, nguồn cung vaccine 5 trong 1và 6 trong 1 trong thời gian này thiếu ở Việt Nam. Một yếu tố quan trọng để đảm bảo vaccine phục vụ tiêm chủng dịch vụ cho nhân dân là công tác lập dự trù và đặt hàng của các đơn vị tiêm chủng bên cạnh các yếu tố khác như cơ chế tài chính, thanh toán và tổ chức tiêm. Hiện các đơn vị tiêm chủng có lập dự trù đều đã nhận được vaccine 5 trong 1 và 6 trong 1. Do việc kinh doanh vaccine phục vụ tiêm chủng dịch vụ tuân theo quy luật cung-cầu của thị trường nên tôi tin rằng các đơn vị cung cấp vaccine đều muốn kinh doanh với số lượng càng nhiều càng tốt. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp nào cố tình đầu cơ để trục lợi (nếu có), doanh nghiệp đó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật” - ông Đỗ Văn Đông phân tích. |