Tại sao thiếu vaccine?
Theo GlaxoSmithKline (GSK), tập đoàn dược phẩm đa quốc gia chia sẻ thị phần với hãng sản xuất vaccine Pháp Sanofi Pasteur, có hai nguyên nhân quan trọng gây ra thiếu hụt.
“Sự gia tăng số ca mắc ho gà trên toàn cầu vào các năm 2012 và 2013” - đại diện GSK tại Pháp Telma Léry nói. “Điều này khiến 17 quốc gia trong đó có Mỹ, Ấn Độ và Úc khuyên các thai phụ chích ngừa kết hợp bạch hầu, ho gà và uốn ván trong tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ. Hậu quả là nhu cầu tăng lên đột ngột, dẫn đến thiếu hụt DTP trên toàn thế giới”.
Nguyên nhân thứ hai là vaccine được chế tạo tùy theo một tiến trình sinh học chứ không phải hóa học.
“Làm việc với sinh vật sống nghĩa là làm việc với một loạt những biến thể cần phải được kiểm soát một cách nghiêm ngặt và kết quả là tiến trình xử lý phải tốn nhiều thời gian” - Léry nói. Một loại vaccine như DTP có thể cần đến 18 tháng để sản xuất.
“Nhưng dịch bệnh thì không thể kiểm soát được” - bà thêm vào. “Và thêm vào đó là khó tiên đoán được phải mất bao lâu để làm ra một mẻ vaccine và mất bao lâu để đưa chúng ra thị trường”.
Ai hưởng lợi?
Tuy nhiên, không phải tất cả đều thua cuộc. Một loại vaccine thay thế - Infanrix Hexa do GSK chế tạo gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib lại có sẵn trong tầm tay.
“Vaccine này có sẵn và có thể được sử dụng mà không gây nguy hiểm cho trẻ em” - Odile Launay, Giám đốc Ủy ban Kỹ thuật chủng ngừa Pháp, nói với hãng truyền thanh RTL.
Vấn đề duy nhất là 10% phụ huynh Pháp từ chối cho con em mình chích ngừa với Infanrix Hexa vì lo lắng (không được chứng minh) rằng vaccine này gây ra quá nhiều nguy cơ, trong đó có sốc phản vệ và tử vong trẻ nhỏ.
Một lo lắng khác dành cho Infanrix Hexa là giá cả, bởi mỗi liều vaccine này có giá 39,04 euro so với 6,10 euro với một mũi DTP thông thường.
Giá cả quá cao như thế khiến người ta kết tội các hãng dược đã đặt lợi ích kinh doanh lên trên sự an toàn của người dân.
Henri Joyeux, giáo sư đại học và nhà phẫu thuật về hưu, người không xa lạ với những tranh cãi trong y khoa, đã kết án công khai những công ty như GSK đã lợi dụng tình trạng khan hiếm DTP để kiếm lợi.
Nhiều luật sư cũng than phiền rằng giá vaccine cao như thế là một gánh nặng không thể chấp nhận cho ngành y tế Pháp và bảo hiểm y tế bắt buộc mà người làm công Pháp phải chi trả.
Michèle Rivasi, thành viên Quốc hội của đảng Xanh, nói trên kênh truyền hình France 2 hồi tháng 3 năm nay: “Hệ thống an sinh xã hội Pháp phải trả giá. Ai hưởng lợi từ tội ác này? Phải chăng là những công ty dược phẩm?”.
Nhưng Telma Léry trả lời: “Tại sao các phòng thí nghiệm tạo ra được tình trạng thiếu hụt DPT khi 92% trẻ em Pháp sử dụng vaccine Infanrix Hexa với giá 39,04 euro ngay cả trước khi có dịch ho gà và tình trạng thiếu vaccine sau đó?”.