Ngày 8-4, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết vừa điều trị cho một bệnh nhân 50 tuổi, trú tại Thái Nguyên, đến khám do đại tiện ra sán, thậm chí có con sán tự chui ra qua đường hậu môn.
Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm sán dây.
Người bệnh cho biết có thói quen ăn gỏi cá, tiết canh và nem sống với tần suất dày đặc.
10 năm trước, người bệnh đã phải điều trị bệnh giun sán.
“Thời gian gần đây, mỗi khi đi đại tiện, tôi thấy có sán chui ra theo. Sau khi được điều trị tại bệnh viện, có lần tôi xổ con sán dây dài khoảng 10 mét”, bệnh nhân cho biết.
Theo các bác sĩ khoa Virus - Ký sinh trùng, trường hợp bệnh này rất dễ lây cho người khác nếu bệnh nhân không được tẩy sán sạch sẽ.
Để tẩy sạch được sán trong người bệnh nhân, phải ra được cả đốt và đầu sán. Nếu không, sán sẽ còn phát triển tiếp, giống như bệnh nhân đã từng tẩy sán 10 năm trước nhưng chưa hết.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng khoa Virus - Ký Sinh trùng, bệnh sán dây là do các loài sán dây ký sinh trong ruột gây nên. Sán dây có thể ký sinh ở người dưới hình thức sán trưởng thành và ấu trùng.
Bệnh sán dây gây bệnh ở người thường do sán dây lợn và sán dây bò gây nên. Căn bệnh này chủ yếu xuất phát từ thói quen ăn thịt lợn, thịt bò tái, sống hoặc chưa được nấu chín.
Bệnh sán dây có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón khi sán dây phát triển trong ruột.
Để phòng bệnh sán dây, bác sĩ Nguyễn Thanh Bình khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, không ăn uống thực phẩm sống, tái. Đồng thời, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, thực hành vệ sinh tay đúng cách, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.