Sân khấu cải lương: Tre già măng chưa có cơ hội mọc

(PLO)- Nhiều nghệ sĩ cải lương trẻ đang vật lộn mưu sinh để có thể theo đuổi bộ môn nghệ thuật cải lương.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, sự ra đi của nhiều cây đa, cây đề như NSND Diệp Lang, NSƯT Vũ Linh, Bạch Mai… đã để lại khoảng trống lớn cho bộ môn cải lương.

Tuy nhiên, bên cạnh sự tiếc nuối thì vấn đề “tre già măng… chưa kịp mọc”, thậm chí “tre già măng… không có cơ hội mọc” của sân khấu cải lương đã khiến nhiều người suy nghĩ.

Diễn viên trẻ vật lộn với “thánh đường”

Thời gian gần đây, tình hình sân khấu cải lương có nhiều khởi sắc. Hàng loạt sân khấu cũng như các đoàn cải lương Huỳnh Long, Minh Tơ, đoàn đồng ấu Bạch Long… đã cố gắng dàn dựng và cho ra các vở diễn phục vụ khán giả.

Những gương mặt nghệ sĩ tên tuổi và bán vé thường xuyên xuất hiện như NSƯT Tú Sương, Trinh Trinh, Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Võ Minh Lâm… trong khi đó các nghệ sĩ trẻ vẫn đang cố gắng vật lộn với “thánh đường”.

Tại TP.HCM, đội ngũ nghệ sĩ của các sân khấu cải lương hiện nay được đào tạo đa phần theo phương thức xã hội hóa. Tuy nhiên, không ít nghệ sĩ trẻ loay hoay tìm cho mình sân khấu để gắn bó với nghề. Và giữa thực trạng cải lương đã qua thời hoàng kim thì điều này khó càng thêm khó.

Nghệ sĩ ít đất diễn, không có cơ hội được hát trên sân khấu, các đoàn cải lương lại khó khăn trong việc bán vé. Điều này không chỉ khiến các ông bà bầu hay trưởng đoàn cải lương đau đầu mà còn là lý do đẩy các nghệ sĩ trẻ trầy trật trong việc kiếm sống bằng nghề mà mình theo đuổi. Chính vì vậy, không ít diễn viên đã bỏ nghề để chọn công việc khác mưu sinh.

Nghệ sĩ cải lương trẻ Thanh Long cùng các diễn viên trong đêm diễnVàng son gìn giữ. Ảnh: VĂN HÀ
Nghệ sĩ cải lương trẻ Thanh Long cùng các diễn viên trong đêm diễnVàng son gìn giữ.
Ảnh: VĂN HÀ

Thời điểm đó, để có một vai diễn chính, nghệ sĩ phải trải qua nhiều năm gắn bó với đoàn, bắt đầu tìm kiếm cơ hội từ những vai rất nhỏ. Thậm chí có người rong ruổi theo đoàn hát từ những năm 13-14 tuổi. Họ phải trau dồi trong khoảng 15 năm mới có cơ hội đoạt huy chương.

Khi cải lương thoái trào, số lượng suất diễn giảm chỉ còn 1/3 (là nhiều) so với trước, nhiều đoàn cải lương chuyên nghiệp “khai tử” nhưng lại tồn tại nghịch lý về lực lượng nghệ sĩ biểu diễn, tre già măng chưa mọc.

Chưa kể hiện nay nhiều nghệ sĩ cải lương thay vì tìm học nghề ở các đơn vị đào tạo uy tín, dày công luyện tập từ các vở diễn, họ lại tìm danh tiếng bằng cách học các trích đoạn để tham gia cuộc thi không chuyên, gameshow cải lương…

Trong khi đó, không ít nghệ sĩ thật sự đam mê với nghề lại có cuộc sống chật vật. Gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến họ bị phân tâm với nghề vì phải phân bổ thời gian, làm thêm các công việc khác để nuôi đam mê.

Nỗ lực “gìn giữ vàng son”

Đối diện với hiện thực cải lương đang “thoi thóp”, chật vật để sống thì nhiều nghệ sĩ trẻ vẫn đang cố gắng tìm cách duy trì cũng như gìn giữ bộ môn nghệ thuật dân tộc.

Điển hình là nghệ sĩ cải lương trẻ Thanh Long, học trò của nghệ sĩ Thanh Sơn (em NSND Thanh Tòng), vừa tổ chức đêm diễn Vàng son gìn giữ quy tụ những diễn viên cải lương trẻ cũng như các học trò của anh như Huyền Châu, Bảo Khánh, Hà Mỹ Anh, bé Khả Hân, bé Thảo Nhi… với các trích đoạn Lang Lăng Vương nhập trận khúc, ca cảnh Vàng son gìn giữ… sau hai tháng tập luyện.

Dù không bán được vé, khán giả đa số là người thân, bạn bè đến ủng hộ thế nhưng Thanh Long cùng các bạn diễn và học trò đã cống hiến hết mình trong từng trích đoạn, thể hiện các vũ đạo khó trên sân khấu.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, nghệ sĩ trẻ Thanh Long cho biết: “Chương trình của chúng tôi rất khó khăn trong việc bán vé. Có khi đến gần sát giờ diễn tiền vé vẫn chưa đủ bù, chính vì vậy rất nản.

Hiện nay nghệ sĩ cải lương trẻ không có nhiều cơ hội để được đứng trên sân khấu cải lương. Ảnh: VĂN HÀ

Hiện nay nghệ sĩ cải lương trẻ không có nhiều cơ hội để được đứng trên sân khấu cải lương. Ảnh: VĂN HÀ

Nhưng khi bước ra chỉ cần thấy khán giả cùng những tràng vỗ tay là tự nhủ làm tiếp, phải làm. Chỉ cần còn một khán giả chịu đến xem cải lương, tôi vẫn sẽ làm, sẽ diễn. Cải lương là vàng son mình cần phải gìn giữ”.

Đối với vấn đề thu không đủ để bù chi, Thanh Long tâm sự: “Tôi đi dựng kịch tiếng Anh cho khối tiểu học, viết kịch bản cho các nghệ sĩ, viết trích đoạn, tuồng cho các sân khấu… Nói chung ai cần đến tôi trong khả năng làm được chắc chắn tôi sẽ nhận làm để kiếm nguồn thu nhập nhằm bù vào sân khấu, suất diễn của chính mình”.

Sự nỗ lực của cá nhân nghệ sĩ là chưa đủ mà hơn thế nữa là sự chung tay của các nhà quản lý văn hóa để cải lương có thể đến gần hơn với khán giả.

Nhà nước có nên “nuôi” nghệ sĩ?

Tôi nghĩ chúng ta nên thay đổi tư duy về vấn đề tiền - lương đối với nghệ sĩ. Tức là Nhà nước trả lương để nghệ sĩ làm văn hóa, gìn giữ, lưu truyền bản sắc văn hóa chứ không phải “nuôi” nghệ sĩ.

Khán giả là người trả tiền để nghệ sĩ biểu diễn, phục vụ bằng sản phẩm nghệ thuật. Quan điểm Nhà nước “nuôi” nghệ sĩ làm cho nghệ sĩ không thấy có trách nhiệm, người trả tiền cho nghệ sĩ dường như cũng có gánh nặng.

Tất nhiên, đi kèm với việc chi trả đó phải có các quy chuẩn như nghệ sĩ phải diễn hay, hát giỏi, phát huy giá trị văn hóa trong bối cảnh hiện nay… chứ không chỉ dừng ở việc một bên “phải” trả, một bên “phải” làm cho xong. Có như vậy, nghệ sĩ mới toàn tâm toàn ý cống hiến và sống được với nghề.

NSND TRẦN NGỌC GIÀU, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM

Báo động thiếu hụt diễn viên trẻ

Theo thống kê gần đây nhất của Cục Biểu diễn nghệ thuật, số lượng diễn viên trong độ tuổi 20-25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỉ lệ 5,6%, độ tuổi 25-30 chỉ chiếm 42,3%.

Bên cạnh việc “đỏ mắt” tìm diễn viên trong công tác đào tạo ở các trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, mà ngay cả các cuộc thi tuyển chọn giọng ca và diễn viên cải lương tổ chức hằng năm hoặc cách hai năm một lần như các giải Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ, Giọng ca cải lương Nguyễn Thành Châu… vẫn đang “hụt hơi” vì thiếu lực lượng thí sinh, cực khó tìm kiếm được giọng ca hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm