Sáng 24-9, tiếp tục phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
“Quảng cáo hiện nay thổi phồng mọi thứ”
Một trong những nội dung đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho hay dự án luật dự kiến bổ sung khái niệm “người chuyển tải dịch vụ quảng cáo”, đồng thời bổ sung quy định về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.
Theo đó, ngoài các nghĩa vụ chung, người có ảnh hưởng khi quảng cáo sản phẩm phải tuân thủ các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định có liên quan về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ khi thực hiện quảng cáo. Đồng thời, phải tuân thủ nghĩa vụ về thuế khi phát sinh doanh thu từ dịch vụ quảng cáo theo quy định của pháp luật về thuế.
Người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo cũng phải thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo.
Đặc biệt, theo dự thảo luật, người có ảnh hưởng khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là “người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết cơ quan thẩm tra tán thành việc bổ sung quy định nói trên. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra băn khoăn khi dự luật chưa quy định cụ thể cơ chế xác nhận đối với người chuyển tải là người có ảnh hưởng “đã trực tiếp sử dụng sản phẩm” khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội cũng như chế tài xử lý.
Nêu quan điểm, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng việc những người nổi tiếng đi ăn, đánh giá, giới thiệu quán ăn, cửa hàng cũng là một hình thức quảng cáo. Chính vì vậy, bà đề nghị phải có quy định để quản lý việc này.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá trên thực tế, việc quảng cáo không đúng sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng “khá phổ biến”. Ông Tùng cho rằng khi người tiêu dùng tin vào quảng cáo như vậy và mua sử dụng thì “lợi bất cập hại”, mua tốn tiền mà không tác dụng gì cả.
“Nghe quảng cáo rất hay nhưng mua về thì không đâu vào đâu cả”- ông Tùng nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị không chỉ quy định trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, tránh tình trạng các cơ quan đổ trách nhiệm cho nhau. “Phải lập lại trật tự trong lĩnh vực này” - vẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh tình trạng quảng cáo hiện nay “thổi phồng” mọi thứ. “Tác dụng ít nhưng quảng cáo thì coi như bách bệnh cái gì cũng chữa được” - ông Thanh nhận xét.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm, vì các quảng cáo chủ yếu dựa trên cơ sở thông tin do doanh nghiệp cung cấp.
Đề xuất thời gian chờ quảng cáo tăng gấp 4 lần
Đối với quảng cáo trên mạng, dự thảo luật đề xuất nâng thời gian chờ quảng cáo từ 1,5 giây như hiện hành lên 6 giây (gấp 4 lần), đồng thời quy định không được quá hai lần quảng cáo liên tiếp.
Nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng việc điều chỉnh từ 1,5 giây lên 6 giây cần được đánh giá tác động, lý giải kỹ lưỡng để đảm bảo khách quan, thuyết phục hơn.
“Nếu phải chờ 6 giây mới được tắt quảng cáo thì quá lâu. Hiện nay 1,5 giây đã thấy khó chịu rồi. Vậy lý do gì để nâng lên thành 6 giây?” - bà Nguyễn Thanh Hải nói và đề nghị “tối đa chỉ nên để 3 giây”.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết hiện nay, thời gian chờ tắt quảng cáo trên các dịch vụ xuyên biên giới phổ biến như Youtube đều hiển thị là 6 giây.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng giải thích thời gian chờ 6 giây là thông lệ quốc tế. “Nếu chúng ta không làm thì thành ra bảo hộ ngược. Các quảng cáo sẽ chạy ra nước ngoài để cho phép thời gian hiển thị lâu hơn” - ông Hùng nói.