Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2024.
Cho ý kiến 3 dự án Luật
Theo nghị quyết, tại Phiên họp, Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với 3 dự án Luật là dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Theo đó Chính phủ quyết nghị các nội dung cụ thể của từng dự án Luật. Trong đó, đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng dự án Luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, phát triển hoạt động quảng cáo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của hoạt động này trên môi trường mạng (Internet) và các nền tảng xuyên biên giới (trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động như Facebook, TikTok, Youtube ...).
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; khắc phục những bất cập, khó khăn trong triển khai thi hành Luật Quảng cáo năm 2012, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024).
Chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo phải đảm bảo một số yêu cầu
Chính phủ cơ bản thống nhất các nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Tuy nhiên, Chính phủ cũng yêu cầu phải bảo đảm một số yêu cầu như:
- Hoàn thiện các quy định về hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới: quy định rõ các điều kiện, yêu cầu đặc thù của loại hình quảng cáo trên môi trường mạng, quảng cáo xuyên biên giới, các chế tài nhằm ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm pháp luật, chống thất thu thuế, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này để xây dựng các quy định phù hợp với điều kiện của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
- Quy định về diện tích quảng cáo trên báo in và quảng cáo trên báo nói; thời lượng quảng cáo trên truyền hình: Rà soát, nghiên cứu quy định về diện tích quảng cáo trên báo in và quảng cáo trên báo nói, thời lượng quảng cáo trên truyền hình theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và Nhà nước, có sự linh hoạt về tỷ lệ diện tích, thời lượng quảng cáo và công khai, minh bạch nội dung này để người dân, doanh nghiệp lựa chọn,
- Quy định về cấp giấy phép công trình xây dựng quảng cáo: việc gắn bảng hiệu, biển quảng cáo lên các với công trình xây dựng có sẵn cần bảo đảm sự an toàn của công trình, cũng như của các công trình lân cận và sự an toàn của cộng đồng nói chung...
- Nội dung sản phẩm quảng cáo phải trung thực, chính xác, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không trái pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng như thuốc, thực phẩm...
- Nghiên cứu, xây dựng các quy định về quảng cáo cho người yếu thế, trẻ em, người cao tuổi, người có nhược điểm về thể chất, tinh thần...
- Về cải cách thủ tục hành chính: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; bảo đảm và bảo vệ việc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát để cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
- Tiếp tục tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn...