"Săn" số đẹp cho tài khoản ngân hàng

"Em cần tìm gấp số tài khoản đuôi 6868, bác nào có chỗ làm mách nước giùm em với nhé" hay "Cần mua số tài khoản tứ quý 6, ai có alo em, giá thỏa thuận, đa tạ chầu cafe"... Trên diễn đàn số, các mẩu tin nhắn thuộc mục tìm mua có nội dung như thế này xuất hiện ngày càng nhiều. Thậm chí, một thành viên có tên number1 cho biết anh sẵn sàng trả tới 25 triệu đồng cho một số tài khoản ưng ý có đuôi 686868.

Ngân hàng khẳng định việc mở tài khoản tại ngân hàng được thực hiện công khai, các dải số được phát ngẫu nhiên. Ảnh: Tuệ Minh.

Thị trường đang xuất hiện một loại hình kinh doanh mới - bán số tài khoản ngân hàng. Giống như sim di động, giá cả cao thấp phụ thuộc vào dải số đẹp, lặp tiến hoặc tứ quý. Chẳng hạn một dải số 345xx8179 của ngân hàng ACB chi nhánh Văn Lang được một người có tên Hieu rao bán với giá 20 triệu đồng. Thế nhưng một số tương tự có đuôi 8178 của một ngân hàng khác, giá chỉ 50.000 đồng - đúng bằng chi phí mở thẻ tại ngân hàng.

Theo lời người bán, do dải số xx8179 mang hàm ý "phát tài phát lộc", lại dễ nhớ nên giá bán cao hơn số thông thường. Mức 20 triệu đồng cũng được tính cả chi phí sang tên chuyển nhượng cho người mua. Còn số tài khoản có đuôi 8178 lại hàm nghĩa xấu "thất bát" - nên rất ít người có nhu cầu. "Trong lĩnh vực ngân hàng, cụm từ 'thất bát' được coi là cấm kỵ, không mấy người nhắc tới", Hieu cho biết.

Trên diễn đàn 10giay, một thành viên có tên no1bank cũng rao bán một loạt số tài khoản đẹp, VIP của ngân hàng Maritimebank. Kèm theo các dải số này là mức giá niêm yết. Chẳng hạn bộ tứ quý 0000, 1111, 2222, 3333 và 4444 có cùng một mức giá 2 triệu đồng. Bộ tứ quý 5, tứ quý 7 có giá 3,5 triệu đồng. Còn các bộ tứ quý 6, tứ 8 và tứ quý 9 giá 5 triệu đồng.

Anh Toán, một người rao bán tài khoản ATM của Ngân hàng Đông Á cho biết, trước đây, anh còn bán cả tài khoản của Vietcombank. Các đuôi số theo ngày sinh, trùng với thuê bao điện thoại hoặc hợp phong thủy, tâm linh như lộc phát (68, 6868), tam hoa, tứ quý, ngũ quý… của VCB có giá lên tới cả chục triệu đồng, rẻ nhất cũng tầm từ một triệu đồng đến 2 triệu đồng.

Hiện anh Toán đã chuyển hẳn sang bán tài khoản của DongA Bank vì giá "mềm" hơn, phổ biến vài trăm nghìn đồng đến khoảng 2 triệu đồng nên phù hợp với túi tiền của khách. Kho tài khoản của DongA Bank anh đang sở hữu gồm 7 dãy số đẹp, dễ nhớ, giá dao động từ 900.000 đồng đến 1,95 triệu đồng. Riêng với những số tiến kiểu lộc phát (68), hiện nay rất khó kiếm, giá có thể đội lên hơn chục triệu đồng.

Số tài khoản ATM đẹp đang được mua bán với mức giá đắt gấp nhiều lần giá gốc.

Anh Toán cho biết, khách mua số tài khoản ATM đẹp thường là người làm ăn, kinh doanh quen thanh toán qua chuyển khoản. Họ chọn số đẹp, dễ nhớ để tạo ấn tượng với bạn hàng, đối tác. Cũng có trường hợp là người thích sưu tầm số ATM đẹp để thể hiện cá tính, đẳng cấp. Các trường hợp khác mua số theo ngày sinh để làm quà sinh nhật… song số này không nhiều.

Cách thức giao dịch phổ biến là người mua chọn theo dãy số có sẵn do người bán cung cấp, hoặc tự đặt hàng và mất một khoảng thời gian nhất định để chờ ngân hàng mở kho xuất số.

Anh Bình, một người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề buôn bán số cho hay giống như điện thoại di động, biển số xe tới đây, thị trường mua bán tài khoản ngân hàng sẽ rất phát triển.

Cơ sở để anh Bình đưa ra nhận định này là vì các nguồn tin cho thấy Chính phủ đang khá quyết liệt, thậm chí là mạnh tay trong việc "dẹp loạn" các ngân hàng. Vì vậy, sẽ không có chuyện người người bị chào mời mở tài khoản tại ngân hàng, nhà nhà được sở hữu miễn phí thẻ ATM. Khi các hoạt động sáp nhập ngân hàng diễn ra, kho số cũng sẽ được quản lý chặt. Do đó, các dải số sẽ hiếm hơn đây là đất cho dịch vụ mua bán số phát triển.

Trao đổi với PV, đại diện một số ngân hàng tại Hà Nội tỏ ra khá bất ngờ trước hiện tượng số tài khoản đang bị rao bán công khai trên thị trường.

Phía Vietcombank khẳng định sẽ tiến hành rà soát để làm rõ hiện tượng mua bán này. Nếu phát hiện đơn vị phát hành móc ngoặc với người bên ngoài để buôn bán số tài khoản, ngân hàng sẽ có biện pháp xử lý. Bởi theo quy định thông thường, khách mở thẻ phải nộp phí 50.000 đồng và được chọn số ngẫu nhiên.

Bà Lý Thị Ngọc, Giám đốc Trung tâm thẻ DongA Bank thì khẳng định, không có chuyện nhà băng này kinh doanh số tài khoản đẹp vì quy trình làm thẻ ATM được thực hiện rất nghiêm ngặt. DongA Bank cũng không có chủ trương tạo kho số tài khoản đẹp.

Theo bà, thông thường, khi nhận hồ sơ từ khách, nhân viên phải xác minh kỹ càng, sau đó hệ thống chạy tự động và chọn ra một số ngẫu nhiên. Ngay các dải số đẹp cũng vậy, khách hàng nào may mắn thì nhận được.

Hiện tượng rao bán số tài khoản ATM của Ngân hàng Đông Á với giá đắt hơn cả chục lần so với mức phí để mở thẻ, bà Ngọc nhìn nhận có khả năng là cá nhân nào đó có số tài khoản đẹp đem ra kinh doanh. "Nhưng không thể bán nổi, vì thực tế, nếu như thẻ quá hạn mà tên trên thẻ với hồ sơ của khách lệch nhau, sẽ không đổi được. Hơn nữa, sai lệch này sẽ rất khó để khách giao dịch trực tiếp tại ngân hàng", Giám đốc Trung tâm thẻ DongA Bank bày tỏ.

Về giả thuyết nhân viên DongA Bank "móc ngoặc" với người ngoài để thu lợi, vị giám đốc cho biết phía ngân hàng sẽ tiến hành kiểm tra và có thông tin sớm nhất.

Theo Hồng Anh - Tuệ Minh (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới