Sân Thống Nhất đua với thời gian

Đông đảo VĐV của các đơn vị đang tập luyện cho quen với đường chạy điền kinh mới của sân Thống Nhất. Ảnh: Hoàng Hùng
Đông đảo VĐV của các đơn vị đang tập luyện cho quen với đường chạy điền kinh mới của sân Thống Nhất. Ảnh: Hoàng Hùng

Trong vài ngày tới, ngoài việc chờ lắp đặt đồng hồ điện tử đo về đích đang được chuyển từ Hà Nội vào, các công nhân này tiếp tục chạy đua với thời gian để ráp ván giậm nhảy ở khu nhảy cao, nhảy xa, ném tạ… cho kịp ngày khai mạc.

Sau nhiều lần trì hoãn, thậm chí phải bỏ cả giải điền kinh quốc tế TPHCM 2007 vì tiến độ nâng cấp, sửa chữa đường chạy điền kinh của SVĐ Thống Nhất diễn ra quá chậm chạp, đến thời điểm này, những nhà chuyên môn điền kinh TPHCM mới tạm yên tâm đôi chút.

Tuy nhiên, dù được cho là hiện đại nhất Việt Nam vào thời điểm này, nhưng sau những buổi tập vừa qua, khá nhiều VĐV các đoàn, nhất là các tuyển thủ quốc gia phàn nàn mặt sân vẫn còn cứng quá, dễ dẫn tới đau chân trong lúc tập luyện. Một số HLV cũng cho rằng đường chạy mới có lợi cho các VĐV cự ly ngắn, hơn là cho các VĐV cự ly trung bình và dài.

Được biết, công ty TNHH Thành Lâm chỉ chuyên về xây dựng mặt sân cỏ hoặc sân cỏ nhân tạo, nên kinh nghiệm xây dựng đường chạy điền kinh là không nhiều. Chính vì vậy, nên hạng mục “sở trường” là cải tạo mặt sân cỏ đã được hoàn thành từ cách đây vài tháng, trong khi nhà thầu này tỏ ra bối rối (và chậm chạp) khi thi công đường chạy.

Ngoài lý do khách quan (những cơn mưa dài gây ảnh hưởng tới quá trình thi công), còn phải kể tới cách thẩm tra đường chạy cũ, xây dựng dự án, mời đấu thầu quá chậm trễ và thiếu khoa học ngay từ đầu của Ban quản lý dự án thuộc Sở TDTT TPHCM.

HƠN NỬA ĐOÀN THAM DỰ ĐÃ CÓ MẶT

Tính đến trưa ngày 12-10, đã có trên 20 đoàn VĐV các địa phương tới TPHCM chuẩn bị cho giải. Trong đó có các đoàn mạnh như Hà Nội, Đà Nẵng hay các đoàn An Giang, Yên Bái… Theo ông Nguyễn Trung Hinh - Tổng thư ký LĐĐK TPHCM, tới chiều và tối nay 13-10, các đoàn còn lại sẽ tập kết đầy đủ để làm quen sân mới, chuẩn bị thi đấu.

Tổ cự ly trung bình do HLV Hồ Thị Từ Tâm và tổ cự ly dài do HLV Bùi Lương phụ trách sẽ trả quân về các địa phương khi giải chính thức thi đấu. Còn hiện tại, hai tổ này vẫn tập cùng nhau tại sân Thống Nhất. Trong khi đó, tổ nhảy cao chỉ mới Nguyễn Duy Bằng có mặt. Theo thông tin từ tổ cự ly ngắn cho biết, ĐKVĐ SEA Games Vũ Thị Hương vẫn còn đau lưng, nhưng nhiều khả năng cô vẫn tham dự giải VĐQG năm nay, chứ không bỏ như nhiều người dự đoán.

CHỦ NHÀ NHẮM TỚI 4 HCV

Hai trong chỉ tiêu đoạt 4 tấm HCV ấy, theo HLV trưởng Nguyễn Đình Minh của đội tuyển TPHCM, trông chờ vào phong độ của chủ lực Trương Thanh Hằng ở hai cự ly trung bình 800m và 1.500m (đang giữ KLQG với thời gian 4"18"00). Năm ngoái, tại Đại hội TDTT toàn quốc 2006, Thanh Hằng cũng vượt qua Đỗ Thị Bông ở cự ly 800m để giành trọn 2 ngôi vô địch nội dung nữ. Sau chuyến tập huấn tại Côn Minh và giành HCV 800m tại giải châu Á, giới chuyên môn càng có cơ sở để khẳng định Thanh Hằng chưa có đối thủ xứng tầm ở các cự ly “ruột”. Nhưng Thanh Hằng vẫn tỏ ra cẩn trọng: “Chưa vào cuộc, chưa thể biết được đối thủ như thế nào”.

HCV cự ly 100m nam cũng đang do VĐV Hoàng Thanh Việt của TPHCM nắm giữ. Và như vậy, trách nhiệm của Việt không chỉ nỗ lực bảo vệ danh hiệu trước sự cạnh tranh của Nguyễn Văn Huynh (Quân đội), mà còn chứng tỏ khả năng chuyên môn của mình khi được chọn tham dự SEA Games 24. Trong khi đó, TPHCM cũng có 2 VĐV đủ khả năng tranh chấp HCV ở cự ly 110m rào nam là Trần Nghĩa Nhân và Vương Thiện Nhân.

Ngoài ra, VĐV nhảy cao Trần Thanh Ngọc Trọng (từng được coi là người kế thừa của Nguyễn Duy Bằng) phải làm khán giả tại giải VĐQG năm nay khi vết mổ gối phải của anh vẫn chưa bình phục hoàn toàn. Ít nhất phải tới đầu năm 2008, Trọng mới có thể tập nhảy trở lại.

THANH LÂM - (Theo SGGP Thể thao)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm