Nhà máy của Công ty CP Việt Hùng Tuấn ngang nhiên xả khói ô nhiễm ra môi trường.
Sống chung với ô nhiễm
Cuối giờ chiều, ống khói từ nhà máy đốt cao su của Công ty CP Việt Hùng Tuấn tại tổ 2 (phường Hòa Hiệp Bắc) càng xả khói thải nghi ngút, mùi khét lẹt cùng từng sợi than li ti ngập ngụa trong không khí. “Chịu trận” nặng nhất phải kể đến hơn 50 hộ dân khu tập thể công nhân Xí nghiệp sửa chữa cơ khí Sông Đà vì chỉ cách ống khói của nhà máy chưa đầy 500m.
Anh Nguyễn Tấn Duy (31 tuổi), công nhân ở tại khu tập thể cho biết: Hơn 3 năm khi nhà máy xuất hiện toàn bộ đời sống, sinh hoạt của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt từ thời điểm cuối giờ chiều đến đầu buổi sáng, chỉ cần ngửi mùi khí đốt cao su đã “no” do nhức đầu nên khỏi cần ăn uống, nghỉ ngơi.
Chỉ tay về phía những ống khói từ các nhà máy Công ty CP thép Đà Nẵng, giấy Sức Trẻ, cao su... đang hoạt động mạnh, xả thẳng luồng khí mờ đục vây hãm hàng ngàn hộ dân, ông Trần Ngọc Doanh (tổ 24, xã Hòa Hiệp Bắc) bức xúc: Cứ phải sống chung với không khí có màu sắc đục lờ nhờ ô nhiễm thế này chịu sao thấu.
Ông Hồ Công Ngọc, Tổ trưởng tổ 25, chứng minh mức độ ô nhiễm tại đây: Chỉ cần lấy tay quệt lên bàn, kính là có thể viết được chữ trên đó do những lớp bụi bám khá dày từ các nhà máy xả thải. Nhiều người già, trẻ em mắc các bệnh về đường hộ hấp, hen suyễn…
Cùng với khói bụi độc hại hàng trăm hộ dân trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc chưa có nước máy phải dùng nước giếng đang bị ô nhiễm do lượng nước thải công nghiệp từ các nhà máy thấm vào nước ngầm.
Bà Nguyễn Thị Hà (tổ 25, phường Hòa Hiệp Bắc), kêu trời: “Nước giếng khi múc lên để 1-2 tiếng đồng hồ thì ngã màu vàng, bay mùi tanh. Vì thế, dù gia đình khốn khó nhưng mỗi tháng phải bỏ ra đến 400.000 đồng mua nước đóng chai uống và nấu nướng”.
Cố tình vi phạm
Theo lãnh đạo UBND phường Hòa Hiệp Bắc, hiện trên địa bàn có hơn 40 nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có đến 6 đơn vị gây ô nhiễm nặng. Đáng kể như nhà máy Xi măng Hải Vân, Xi măng Ngũ Hành Sơn, Công ty CP Việt Hùng Tuấn, Công ty giấy Sức Trẻ, Công ty giấy Thịnh Phú... Nhiều đơn vị đối phó với các ngành chức năng bằng việc tăng cường hoạt động vào ban đêm.
Ông Huỳnh Xuân, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường (quận Liên Chiểu), cho biết: Trong đợt kiểm tra hồi tháng 8-2009, phòng đã lập biên bản và rút giấy cam kết bảo vệ môi trường của Công ty CP Việt Hùng Tuấn do vi phạm về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tế nhà máy cao su của đơn vị này vẫn thản nhiên xả khói.
Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường TP Đà Nẵng đã nhiều lần kiểm tra và tạm đình chỉ một số doanh nghiệp gây ô nhiễm trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc nhưng nhiều cơ sở vẫn ngang nhiên vi phạm. Điển hình như Công ty giấy Sức Trẻ có đến ba lần bị xử phạt với số tiền 22 triệu đồng nhưng đến nay vẫn tiếp tục vi phạm.
Sự thiếu kiên quyết của các ngành chức năng trong việc xử lý các đơn vị gây ô nhiễm đã và đang đẩy hàng ngàn người dân vào tình cảnh “sáng hít khói, tối hít bụi”. Thật khó cho một Đà Nẵng - với mục tiêu TP môi trường vào năm 2020!
Theo Nguyễn Hùng (SGGP)