Sự kiện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (gọi chung là nước Anh) rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit - những ngày gần đây và sắp tới đã nóng lại khi chỉ còn khoảng 10 tháng nữa, tức đến 29-3-2019, cả Anh và EU sẽ hoàn thành chương trình đàm phán kéo dài gần hai năm.
Nước Anh bị chia rẽ sâu sắc
Gần một năm qua kể từ ngày đàm phán đầu tiên bắt đầu vào giữa năm ngoái, các hoạt động con thoi vẫn diễn ra liên tục giữa các nhà thương thuyết của Anh và EU. Tuy nhiên, các thách thức lớn nhất quyết định tương lai của nền kinh tế nước Anh và số phận doanh nghiệp, người dân EU ở London vẫn chưa được giải quyết.
Trong khi Thượng viện Anh mong muốn ở lại Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), một mô hình giữa EU và Na Uy, nhằm tránh những cú sốc mạnh mẽ về thuế quan hậu Brexit thì chính phủ và phe Công đảng Anh kịch liệt phản đối vì cho rằng đó là giải pháp không khác gì Anh đã “đầu hàng” EU.
Thủ tướng Anh Theresa May vẫn đang kiên trì theo đuổi đường lối rút khỏi EEA nhưng vẫn loay hoay với giải pháp thay thế. Viết trên tạp chí Sunday Times hôm qua (13-5), Thủ tướng May nhấn mạnh chắc chắn nước Anh sẽ rời khỏi liên minh thuế quan với EU mà không áp đặt một cơ chế (hải quan) cứng ở biên giới Ireland. “Sẽ có sự thỏa hiệp nhưng tôi sẽ không để các bạn phải chịu thiệt” - bà May nói.
Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ rời khỏi liên minh thuế quan với EU để thành lập một chính sách thương mại độc lập và đàm phán các hiệp định giao thương giữa Anh và EU cũng như Anh và các quốc gia khác trên thế giới theo quan điểm lợi ích của Anh. “Tôi đã đề xuất các giải pháp khác nhau về hình thức hải quan mới với EU và chính phủ Anh sẽ tiếp tục theo đuổi các phương án này trong các cuộc đàm phán” - Thủ tướng May cho biết.
Tuy nhiên, giải pháp của Thủ tướng May đưa ra lại là thiết lập đối tác hải quan mới với EU, hiểu nôm na là Anh sẽ giúp EU thu thuế nhập khẩu những hàng hóa trung chuyển qua các cảng của nước này. Điều này không chỉ bị chỉ trích bởi phe bảo thủ mà ngay chính Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng khẳng định “ý tưởng điên rồ”. Giới quan sát cũng nhận định rằng ngay cả khi Thủ tướng May thuyết phục được nội các lẫn Quốc hội Anh thì đề xuất của bà cũng bị đại diện EU từ chối.
Thủ tướng Anh Theresa May đang bị bủa vây bởi nhiều khó khăn. Ảnh: FINANCIALTRIBUNE
Những bất ổn kinh tế kéo dài
Các diễn biến gần đây cho thấy Thủ tướng May đã thất bại trong việc đoàn kết nội các chính phủ nhằm thống nhất các chính sách với EU hậu Brexit. Đồng thời bà May cũng gặp nhiều sự phản kháng từ phía Quốc hội Anh.
Câu hỏi quan trọng cho đến lúc này vẫn chưa được thống nhất là làm sao kiểm soát dòng hàng hóa giữa Anh-EU và phải làm gì với vùng biên giới Ireland, vốn là vùng biên giới đất liền duy nhất giữa Anh và EU.
Sự thất bại của Thủ tướng Anh trong việc thống nhất các điều khoản của đạo luật đàm phán rút khỏi EU đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước này. Các chỉ dấu hiện nay cho thấy Anh rất khó hoàn thành đàm phán rút khỏi EU một cách tốt đẹp vào thời hạn cuối tháng 3-2018, điều này làm bất an các nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp. Đồng bảng Anh đã tăng giảm liên tục cũng vì hiệu ứng này.
Các quan chức hàng đầu của Anh đang lo ngại về những rủi ro đối với nền kinh tế nếu các diễn biến tới đây của Brexit vẫn không có những tiến triển lạc quan hơn.
Bộ trưởng Kinh tế Anh Greg Clark nói với BBC rằng: “Tôi đã nói chuyện với chủ tịch toàn cầu Tập đoàn Toyota, Motor vào tuần này. Họ đang tiến hành đưa ra một quyết định rất quan trọng, rằng sẽ đặt nhà máy sản xuất motor tiếp theo ở đâu tại châu Âu”. Phía Toyota đã từ chối bình luận đâu là điểm đến tiếp theo của tập đoàn này, dù họ đã có một cơ sở rất thành công ở xứ Wales.
Không chỉ Toyota mà nhiều tập đoàn kinh tế lớn khác cũng đang kêu gọi phía chính phủ Anh có những động thái làm rõ về tương lai quan hệ Anh-EU hậu Brexit. Điều này không nằm ngoài mục tiêu giữ vững niềm tin của nhà đầu tư và sự an tâm của các doanh nghiệp trong việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh dài hạn trong bối cảnh màn “ly hôn” giữa Anh và EU chính thức diễn ra trong vòng chưa đầy một năm nữa.
Thủ tướng Anh bị bủa vây khó khăn
Xét về hiệu quả kinh tế thì cả EU lẫn Anh đều không muốn cả hai quay lại giai đoạn phải áp dụng các biện pháp thuế quan, vốn có thể làm tổn hại nền kinh tế hai bên. Tuy nhiên, giải pháp thay thế cho một đạo luật thuế quan khắc nghiệt là gì? Vẫn chưa bên nào có thể trả lời một cách trọn vẹn. EU khẳng định rằng nếu không có một thỏa thuận về vấn đề biên giới Ireland thì đàm phán Brexit xem như thất bại.
Giới quan sát cho rằng Thủ tướng May đang rơi vào một tình thế bất khả thi. Bà May không thể đương đầu cứng rắn với EU về vấn đề hải quan ở Ireland mà không làm mích lòng, thậm chí là phản ứng của các đồng minh chính trị chủ chốt ở Bắc Ireland. Trái lại, nếu bà May mềm dẻo hoặc có những nhượng bộ về các điều kiện thuế quan với EU thì những người theo đường lối bảo thủ, chống “khuất phục EU” trong đảng và nội các của bà May sẽ chống lại bà.
Trong khi đó, phía bên kia của bàn đàm phán, trưởng đoàn đàm phán của EU, ông Michel Barnier, nhắc đi nhắc lại rằng sẽ không có một thỏa thuận Brexit nào được thông qua cho đến khi tất cả vấn đề giữa hai bên phải được giải quyết.