Sáp nhập các bộ: Không muốn cũng phải quyết tâm làm

LTS: Hôm nay (10-6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ. Trước phiên họp này, bên hành lang Quốc hội, PGS-TS Lê Minh Thông (trợ lý chủ tịch Quốc hội) đã chia sẻ một số nội dung quan trọng của dự án luật quan trọng này.

PGS-TS Lê Minh Thông nói: Các nước phát triển có 13-17 bộ và phổ biến là như thế. Còn ta có 22 bộ, ngành, so với quy mô kinh tế, số lượng như thế là quá nhiều. Nếu không sắp xếp lại sẽ không khắc phục được sự chồng lấn, hay trách nhiệm không rõ ràng dẫn tới đùn đẩy trách nhiệm. Chưa kể bộ máy cồng kềnh khiến hiệu quả hoạt động thấp.

Phải chuẩn bị điều kiện để sáp nhập một số bộ

. Phóng viên: Theo dự thảo, cơ quan Chính phủ vẫn giữ như hiện hành, không có sự thay đổi. Tuy ông từng phát biểu rằng số lượng bộ, cơ quan ngang bộ ở nước ta còn nhiều và kiến nghị cắt giảm xuống mức phù hợp?

+ PGS-TS Lê Minh Thông: Cơ quan Chính phủ hiện nay không thay đổi nhưng cần tiến tới quán triệt sâu sắc hơn hướng bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Tức là tính đến câu chuyện chuẩn bị điều kiện để sáp nhập một số bộ có nhiệm vụ, chức năng tương đồng; tiến tới bộ quản lý đa ngành và mỗi lĩnh vực chỉ do một bộ quản lý chứ không có chuyện một vấn đề mấy bộ quản lý.

Nói cách khác, phải khắc phục bằng được sự chồng chéo trong chức năng, thẩm quyền giữa một số bộ, tạo cơ sở xây dựng đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ XV theo hướng bộ quản lý đa ngành. Có như vậy chúng ta mới tinh gọn được bộ máy.

.Điều này không dễ chút nào. Vậy phải khởi động câu chuyện tinh gọn này ở các bộ từ đâu, thưa ông?

+ Tất nhiên việc giảm số lượng các bộ dẫn đến một số vấn đề phải giải quyết. Một là phải chuyển giao một số nhiệm vụ cho xã hội, tạo chủ động cho cộng đồng, doanh nghiệp, đồng thời giảm tải công việc của Nhà nước, Chính phủ.

Hai là phân cấp, phân quyền cho địa phương. Đây là xu hướng phải làm để bộ máy Chính phủ tập trung vào xây dựng thể chế và quản lý vĩ mô. Chính phủ phải làm việc cần ở cấp quốc gia, chứ không phải giải quyết những vụ việc cụ thể.

Hiện có tình trạng một số địa phương cái gì cũng đẩy lên Chính phủ, đợi Chính phủ giải quyết. Ách tắc chính là do sự không chủ động của địa phương. Luật cũng chưa quy định rõ việc phân quyền, dẫn đến nhiều vấn đề xảy ra ở địa phương nhưng khó quy trách nhiệm cho họ.

PGS-TS Lê Minh Thông: Với việc sáp nhập các bộ, “đây là lợi ích quốc gia chứ không phải lợi ích bộ, ngành”.

Số lượng bộ, ngành quá nhiều

. Đúng như ông nói, Nghị quyết 18 Trung ương 6 (khóa XII) nêu nhiệm vụ cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành để có giải pháp phù hợp và thực hiện sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới. Việc sửa luật lần này phải tính cho giai đoạn nhiệm kỳ tiếp theo nhưng dự thảo lại không đề cập đến nội dung này. Ông nhận định gì về điều này?

+ Đây là một thiếu sót, theo tôi cần phải bổ sung, đưa vào luật từ bây giờ để sắp tới có căn cứ thực hiện. Phải cơ cấu lại bộ máy Chính phủ theo hướng giảm bớt số lượng các bộ, thực hiện nguyên tắc bộ quản lý đa ngành như tôi nói trên đây. Sắp xếp lại theo tinh thần nghị quyết Trung ương, các chức năng liên quan chặt chẽ với nhau thì có thể giao cho một bộ.

. Thực tế, như chúng tôi đề cập trên đây, việc sáp nhập bộ, ngành sẽ vô cùng phức tạp, đặc biệt khi bộ máy hiện tại của các bộ rất lớn.

+ Phải nghiên cứu thật kỹ, không thể ghép cơ học vì như vậy bộ máy không giảm được. Song song với sắp xếp phải tinh gọn bộ máy một cách thực sự, cấu trúc bên trong bộ cũng phải xem lại cho gọn.

Theo thông lệ quốc tế, các nước có ít các bộ nhưng cơ quan thuộc Chính phủ có thể nhiều. Đó là những bộ máy không có vai trò xây dựng thể chế nhưng có vai trò rất quan trọng trong tổ chức thực hiện luật pháp và kiểm soát việc thi hành luật pháp ở lĩnh vực được phân công. Nói cách khác, đây là cơ quan thực hiện quản lý nhà nước nhưng không có quyền xây dựng quy tắc, họ áp dụng quy tắc và kiểm soát thực thi.

. Ông có thể đưa ra một vài ví dụ cụ thể?

+ Tôi ví dụ, cơ quan quản lý cạnh tranh, chống độc quyền là cơ quan thực thi các quyết định về cạnh tranh lành mạnh và chống độc quyền. Cơ quan này phải thuộc Chính phủ chứ không phải thuộc Bộ Công Thương như hiện nay. Bởi nguyên tắc đảm bảo cạnh tranh, chống độc quyền liên quan tới tất cả ngành kinh tế chứ không phải riêng của bộ này. Mặt khác, đối tượng của nó là rất nhiều cơ quan của Bộ Công Thương, khi đơn vị này thuộc bộ thì làm sao xử lý được, vì đều là người nhà với nhau cả.

Tóm lại, cần tư duy lại các cơ quan thuộc Chính phủ để xây dựng một hệ thống cơ quan thuộc Chính phủ gọn về cấu trúc, rõ về chức năng để triển khai thi hành luật và kiểm soát thi hành luật, có quyền xử phạt, rút giấy phép, có quyền giải quyết tranh chấp

Các bộ chỉ tập trung xây dựng thể chế, chính sách, chứ các bộ kiêm luôn cả việc kiểm soát, thi hành như hiện nay rất bất cập. Bộ máy của bộ cần gọn và tinh, vì họ là người hoạch định và tham mưu chính sách chứ không phải là người giải quyết những vấn đề thực tiễn hay về dự án này, dự án kia. Đó không phải việc của bộ. Tôi cho rằng cần tiếp tục đổi mới mô hình Chính phủ.

Không cần nhiều lãnh đạo đến thế!

. Theo ông, nếu sáp nhập thì bài toán sắp xếp lãnh đạo cấp trưởng thế nào?

+ Cấp trưởng phải gọn lại. Chúng ta đang xây dựng Nhà nước điện tử, Chính phủ điện tử, công nghệ giúp rút ngắn rất nhiều công đoạn, không cần nhiều lãnh đạo đến thế! Còn vấn đề giữ ai, bỏ ai, công tác cán bộ sẽ xử lý. Tôi tin chúng ta sẽ xử lý được câu chuyện này không quá khó khăn và sẽ tìm được người xứng đáng.

. Khi đặt vấn đề sáp nhập, dường như các bộ rất sợ và không muốn?

+ Không phải vấn đề muốn hay không muốn mà chúng ta phải quyết tâm làm việc đó. Đây là lợi ích quốc gia chứ không phải lợi ích bộ, ngành. Cần phải có quyết tâm chính trị lớn. Nghị quyết Trung ương có rồi nên phải cương quyết, quyết liệt, nhất quán trong sắp xếp lại bộ máy.

Nghị quyết Trung ương nêu nhiều nội dung nhưng dự thảo lần này không đề cập hết hoặc không sâu sắc. Tôi cho rằng cần nghiên cứu căn bản, nếu cần thiết phải làm luật sửa đổi, chứ không phải luật sửa đổi, bổ sung một số điều. Cần nghiên cứu căn bản, toàn diện hơn để tạo cho nhiệm kỳ sau một chính phủ có địa vị pháp lý rõ ràng hơn.

. Xin cám ơn ông.

“Phải tăng cường trách nhiệm của các bộ”

Trong cơ cấu Chính phủ, bộ là bộ phận cấu thành nên Chính phủ. Bộ đóng hai vai trò: Thứ nhất là cơ quan tham mưu của Chính phủ, đề xuất các chủ trương, chính sách để Chính phủ quyết định trong thẩm quyền của mình. Thứ hai là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý một ngành hoặc liên ngành.

Với hai vai trò này, có thể cụ thể hóa thêm quyền của bộ để thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Chính phủ, thủ tướng. Mặt khác, tôi cho rằng đã đến lúc cụ thể hóa hơn thẩm quyền của bộ trong tư cách là người chịu trách nhiệm về một ngành.

Nếu có thể, cần làm rõ hơn ranh giới này để một mặt bộ không thể vượt quyền Chính phủ; mặt khác phải tăng cường trách nhiệm của các bộ để giải quyết câu chuyện quản trị quốc gia trên lĩnh vực họ phụ trách. Nếu không rất nguy hiểm khi bộ hoặc là đợi Chính phủ, đẩy hết lên Chính phủ, hoặc tự mình quyết định mọi việc.

Đây là nhược điểm của luật hiện hành và nếu có thể, cần xử lý cho tốt vấn đề này.

PGS-TS LÊ MINH THÔNG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm