Tin từ TAND TP Hà Nội cho biết dự kiến trong tuần này, sau khi tuyên án vụ Vinalines, tòa này sẽ đưa vụ án tổ chức người khác trốn đi nước ngoài ra xét xử. Bị cáo đầu tiên trong vụ án này là Dương Tự Trọng, em trai Dương Chí Dũng, người đang phải đối mặt với án tử hình trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Quá nửa số bị cáo trong vụ án này trước khi bị khởi tố là cán bộ công an, trong đó Dương Tự Trọng là Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng.
Hành trình đào tẩu của Dương Chí Dũng
Theo cáo trạng, chiều 17-5-2012, Dương Chí Dũng biết được thông tin sẽ bị khởi tố và bắt tạm giam (về tội cố ý làm trái…) nên đã thông báo với em trai là Dương Tự Trọng (khi đó đang là Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng). Trọng đã hướng dẫn Dũng tạm thời đến trốn tại nhà bạn gái Trọng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Kế đó, Trọng đã bàn bạc, thống nhất giao cho Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hải Phòng) tổ chức, chỉ đạo, phân công các cá nhân khác sử dụng xe ô tô chở Dũng từ Hà Nội về Quảng Ninh, sau đó vào TP.HCM và lên cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) rồi tổ chức cho Dũng trốn sang Campuchia.
Ông Dương Tự Trọng khi còn đương chức. Ảnh: CTV
Sáu ngày sau khi nhận được cú điện thoại mật báo, Dũng đã đặt chân lên đất Campuchia. Hôm sau, Dũng từ Campuchia sang Singapore để từ đây làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ.
Do không được phép nhập cảnh vào Mỹ, ngày 27-5, sau khi quay về Campuchia, Dương Chí Dũng đã thông báo cho Dương Tự Trọng biết. Trọng lại sai người sắp xếp cho Dũng trốn tại Campuchia. Sau đó, Trọng đã đưa cho Vũ Tiến Sơn 30.000 USD chuyển cho Dũng để Dũng có tiền chi phí trong thời gian trốn tại đây…
Đến ngày 4-9-2012, tức gần bốn tháng sau ngày chạy trốn, Dương Chí Dũng bị cơ quan chức năng Campuchia và Việt Nam bắt giữ và đưa về Việt Nam.
Không thành khẩn
Theo cáo buộc của VKS, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức do Dương Tự Trọng chủ mưu, cầm đầu. Vũ Tiến Sơn là người tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Trọng, với nhiều thủ đoạn tinh vi như sử dụng sim rác điện thoại, thường xuyên thay đổi số điện thoại để liên lạc, thay đổi địa điểm trốn, phương tiện đưa đón, cung cấp tiền, giao cho các đồng phạm thực hiện từng phần việc khác nhau nhằm che giấu hành vi phạm tội…
Hành vi của Trọng, Sơn và những bị cáo khác, theo nhận định của VKS, “đã cản trở, gây khó khăn rất lớn đến quá trình điều tra vụ án, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam do cơ quan CSĐT (Bộ Công an) khởi tố điều tra mà Dương Chí Dũng là bị can chính trong vụ án”. Nó còn “tạo ra dư luận xã hội không tốt, gây mất lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật”.
Cáo trạng cũng thể hiện trong khi các bị can khác đều “khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi phạm tội” thì Dương Tự Trọng “chưa thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội”.
Dương Tự Trọng bị truy tố theo khoản 3 Điều 275 BLHS về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép với mức án cao nhất là 20 năm tù.
Dương Chí Dũng khai bỏ trốn vì quá hoảng Tại phiên tòa vừa diễn ra, Dương Chí Dũng khai chiều tối 17-5, bị cáo nhận được cuộc điện thoại từ người quen cho biết bị cáo bị khởi tố. “Lúc đó tôi hoảng quá, tất cả rối bời, chỉ nghĩ phải đi càng xa TP Hà Nội càng tốt. Tôi nhận điện thoại thì đi luôn không về nhà” - Dũng cho hay. “Trốn là một sai lầm. Sai lầm nọ dẫn đến sai lầm kia. Đây là cái dở nhất. Lúc đó tôi tính sang Campuchia rồi sang Mỹ. Tới Mỹ, họ không cho tôi nhập cảnh và trả tôi về lại Campuchia theo đúng vé khứ hồi. Sau đó, tôi bị bắt ở Campuchia” - bị cáo nói thêm. “Người quen đó là ai?” - chủ tọa hỏi. “Bị cáo không muốn nói ra ở đây. Nếu tòa buộc khai thì tôi sẽ khai nhưng việc này đang liên quan đến một vụ án khác mà nói ra ở đây mọi người hiểu không đúng vấn đề sẽ tạo dư luận không tốt” - Dũng đáp. - “Bị cáo lấy tiền ở đâu mà đi?” - chủ tọa truy tiếp. - Vì tôi hay phải đi công tác nên trong cặp lúc nào cũng có sẵn hộ chiếu, giấy tờ tùy thân và đồ dùng cần thiết, tiền thì có sẵn, không ai đưa cho tôi cả nên cứ thế là tôi đi. - Việc trốn ra nước ngoài, ngoài mục đích trốn tránh trách nhiệm không có mục đích nào khác chứ? - “Tôi trốn đi chỉ vì quá hoảng loạn, không có mục đích nào khác, không có mục đích móc ngoặc với tổ chức nước ngoài để chống lại Nhà nước. Vì chống lại Nhà nước nghĩa là tôi chống lại bố mẹ tôi, bố mẹ vợ và chống lại sự nghiệp của mình” - Dũng trả lời. |
ĐỨC MINH