Kiến nghị xem xét khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác

17h tòa tạm nghỉ,  8h sáng mai (8-1) phiên xử sẽ  tiếp tục phần tranh luận.

16h45 phút tòa vẫn tiếp tục phần bào chữa.

Bị cáo Vũ Tiến Sơn: Mức án đề nghị dành cho tôi ngang với anh Trọng (Dương Tự Trọng - NV) là quá nặng, là quá oan uổng. Đề nghị mức án phù hợp với hành vi của tôi.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng, người bào chữa cho Dương Tự Trọng nói: "Nếu còn nghi ngờ lời khai của Dương Chí Dũng thì đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung".

Bị cáo Dương Tự Trọng: “Trong cáo trạng nói tôi bao che cho Phong (bị cáo Đồng Xuân Phong- NV) là không phải. Về các tình tiết định khung, tôi không nói cho tôi, vì tôi chấp nhận tất cả.Việc anh Dũng trốn gây khó khăn cho quá trình điều tra vụ án tôi không nói. Còn hai tình tiết định khung khác là tạo dư luận không tốt, gây mất lòng tin trong nhân dân và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật thì chúng ta chưa có thang điểm nào về việc này. Ngay khái niệm nhân dân thì bao nhiêu người là nhân dân. Về uy tín của cơ quan pháp luật, tôi chưa thấy có thang điểm nào quy định việc uy tín hay mất uy tín?”.

15h40 phút. Tòa kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận. Đại diện VKS đọc bản luận tội.

1. Dương Tự Trọng: Giữ vai trò chủ mưu, tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa có thái độ ngoan cố, thể hiện ý thức coi thường pháp luật. Đại diện VKS đề nghị mức án 18- 20 năm tù.

2. Bị cáo Vũ Tiến Sơn giữ vai trò chỉ huy trong vụ án này, bị đề nghị mức án 17- 18 năm tù.

3. Hoàng Văn Thắng: 6-7 năm tù.

4. Đồng Xuân Phong: 6-7 năm tù.

5. Trần Văn Dũng : 6- 7 năm tù.

6. Nguyễn Trọng Ánh: 6-7 năm tù.

7. Phạm Minh Tuấn; 5- 6 năm tù.

Hội đồng xét xử. Ảnh: Đức Minh

 15h37 phút. Tòa hỏi các bị cáo có khai báo gì thêm không?

-Dương Tự Trọng: "Số bị cáo trong vụ án này là những cán bộ công an. Chúng tôi có những nguyên tắc người ngoài nghe thấy bất thường nhưng trong nghề thì là bình thường. Đó là khi làm án, thường các anh không được phép hỏi gì nhiều, khi tôi nói thì anh em chấp hành làm. Với anh em làm hình sự với nhau nhiều năm, việc chấp hành đó là thói quen nghề nghiệp. Với bạn bè, tôi và anh Tuấn có mối quan hệ yêu thương nhau, khi được yêu cầu giúp đỡ thì cứ thế làm, cũng không hỏi nhiều.

Còn quan điểm của cá nhân tôi với vụ việc này là không thừa nhận cũng không phủ nhận bất cứ điều gì

14h 15 phút: Chủ tọa hỏi vợ Dương Chí Dũng? Ngày 29 chị có đi đâu với Dũng không?

+Đáp: Tôi có xuống Tuần Châu cùng chồng tôi.

-HĐXX hỏi bị cáo Vũ Tiến Sơn: Ai thông báo cho anh biết chuyện anh Dũng bị khởi tố, bắt giam?

+Tôi đã khai tại cơ quan điều tra là tôi không biết ai báo cho anh Trọng biết việc anh Dũng bị khởi tố bắt giam. Còn anh Trọng nói cho tôi biết ông anh báo cho Dương Chí Dũng biết việc anh Dũng bị khởi tố, bắt giam.  Tôi không muốn nói ra những người liên quan đâu nhưng nhìn thấy em trai tôi thế này, thương quá, tôi đành nói ra tất cả. 

-HĐXX hỏi bị cáo Dương Tự Trọng: Bị cáo có nói với bị cáo Sơn việc này không?

+ Tôi không xác nhận cũng không phản đối. Do hoàn cảnh gia đình tôi không nhớ gì cả, nên tôi không phản đối cũng không xác nhận.

-HĐXX hỏi tiếp Dương Chí Dũng có phải Dũng báo cho Trọng biết việc mình bị khởi tố không?

+Dương Chí Dũng đáp:Không phải tôi điện cho chú Trọng mà có việc buổi trưa 17-5 tôi và Trọng ngồi ăn trưa với nhau. Lúc đó tôi có gọi điện cho ông anh và sau đó tôi cũng có nói lại với chú Trọng là chiều nay Thủ tướng nghe báo cáo việc của tôi. Đến chiều Trọng gọi điện cho tôi hỏi gặp ông anh có thông tin gì không? Thì tôi có nói lại sự việc.

-Tòa hỏi Dương Tự Trọng: Anh nghe lời khai của anh Dũng thì anh có ý kiến gì không?

+Tôi không phản đối cũng không xác nhận.

-Tòa lại hỏi Dương Chí Dũng: Anh có thể nói rõ hơn lý do tại sao anh đến nhà chị Nhung (bạn gái Trọng-NV)?

+Lúc nghe thông tin từ ông anh xong thì chú Trọng gọi điện đến. Tôi nói lại sự việc thì Trọng nói tôi đến nhà Nhung nghỉ.

“Nếu tôi chết để cứu được những người này tôi cũng sẵn sàng. Đề nghị HĐXX xem xét, họ là vì tôi, tôi lại vì cái sai khác…”- Dũng nói thêm.

Kiến nghị xem xét khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác ảnh 2

Bị cáo Dương Chí Dũng.

13h30, tiếp tục phiên xử phần xét hỏi Dương Chí Dũng.

“Điều tôi khai trước tòa hôm nay là sự thật. 17-18h chiều 17-5, nhận được điện thoại của một ông anh, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, nói Thủ tướng chấp thuận khởi tố, bắt tạm giam đối với tôi và khuyên tôi tránh đi một thời gian.

Tôi không nghĩ mình mắc tội đến độ phải bị khởi tố như thế. Tôi rất bàng hoàng nên quyết định nghe theo lời khuyên của anh Ngọ trốn đi”- Dũng khai.

Dũng kể tiếp, sáng 29-4, vợ chồng tôi xuống Tuần Châu gặp vợ chồng anh Ngọ. Trước đó, tôi có giấy triệu tập sáng 7-5 đến cơ quan điều tra để làm rõ về việc mua ụ nổi 83M nên cũng muốn gặp anh để hỏi chuyện này. Hôm đó vợ chồng tôi xuống cũng có quà cho anh chị, cụ thể là có phong bì 10 ngàn USD biếu chị.

Ngày 2-5, sau ngày lễ, tôi có đến nhà ông anh. Tôi điện thoại, anh Ngọ nói đang ở nhà. Chú lái xe chở tôi đến bằng xe cơ quan. Khi tôi vào nhà anh chỗ Lý Thường Kiệt (tòa nhà Pacific), chị Mai Phương vợ anh nói anh đã xuống dưới đón tôi rồi. Khi tôi xuống, anh đang ngồi với một người khác, một tay anh chỉ xuống dưới, một tay chỉ lên trên nói “em lên trước”. Tôi để chiếc túi lại và đi lên.

Sau khi xử xong vụ Vinalines, tôi có viết đơn tố cáo gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, và ông Nguyễn Bá Thanh.

Trong đơn , Dương Chí Dũng nói rằng ông không nhận 1,666 triệu USD tiền lại quả từ việc mua ụ nổi. "Oan cho tôi nên tôi không nhận. Việc này có  nguyên nhân sâu xa từ anh Ngọ. Việc điều tra không khách quan. Cố ý ép tội cho tôi chết. Những điều trước đây tôi phản bác giờ tôi khai lại: Vấn đề anh Ngọ nhận tiền, ngoài 500.000 USD thì còn khoản nữa. Liên quan đến việc đầu tư làm ăn nên tôi và bà Lan (công ty Vạn Thịnh Phát ở TP.HCM- PV) còn đưa cho anh Ngọ 1 triệu USD. Hôm đưa tiền tôi gọi cho anh Ngọ, anh nói 5g về đến nhà. Tôi mang túi vào phòng anh rồi để luôn hai cái túi ở phía bên trong nhà".

-HĐXX hỏi: Trong túi mang gì?

+ Trong túi đựng 500 ngàn USD biếu anh Ngọ. Hôm đó anh nói với tôi rằng chú kiếm một cái sim rác gọi cho anh. Sau đó tôi kiếm một sim rác gọi cho anh.

-Anh mang tiền đưa anh ông Ngọ mục đích làm gì?

+Số tiền 500 ngàn đó là tôi vay từ nhiều người, mục đích là nhờ ông anh lo giúp việc của tôi. 

Dũng khai tiếp: Tối 6-5, anh Ngọ gọi điện cho anh Thanh, Cục trưởng C48.

Sau đó tôi gặp anh Thanh, có biếu một phong bì 20 ngàn USD và một chai rượu. Liên quan đến việc Cục triệu tập, tôi muốn gặp anh Thanh để trình bày trước.

Sáng 7-5, tôi đến C48 làm việc, tại đó tôi trực tiếp làm việc với anh Sơn và một anh khác. Sau đó tôi có gọi điện báo cáo lại toàn bộ tình hình sự việc cho ông anh…

Sau buổi làm việc này, tôi cũng đến nhà anh Sơn và anh Sơn phong bì 10 ngàn…

-Chủ tọa hỏi: Anh xác nhận sự kiện như bị cáo Thắng khai tại tòa?

+Vâng. 

Kiến nghị xem xét khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác ảnh 3


Bị cáo Dương Tự Trọng.

12h20, trả lời báo điện tử VnExpress, Trưởng Ban Chuyên án Điều tra các sai phạm tại Vinalines,Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ phủ nhận có liên quan tới việc bỏ trốn của Dương Chí Dũng. Ông nói: Lấy gì để chứng minh, án tại hồ sơ. Dũng khai nhưng còn trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải làm rõ điều này.

 11h30  Tòa nghỉ trưa, 13h30 HĐXX tiếp tục làm việc.  

Với tư cách là nhân chứng Ông Dương Chí Dũng có mặt tại tòa khai: “Trưa 17-5, tôi điện thoại cho ông anh trên Bộ công an hỏi xem anh đi công tác về chưa, anh nói đang trên đường về Hà Nội. Anh thông báo luôn với tôi là chiều nay Thủ tướng sẽ nghe báo cáo về vụ việc của chú.

Chiều hôm đó tôi loanh quanh gần nhà anh ấy ở đường Lý Thường Kiệt, đường Hai Bà Trưng, ngồi trên xe để chờ anh về.

Đến tối 17-5, anh ấy điện cho tôi thông báo Thủ tướng đã chấp thuận lệnh khởi tố và bắt tạm giam chú, chú nên tắt điện thoại và lánh đi một thời gian. Sau đó tôi trốn luôn lúc tối 17-5. Sau đó thì… tôi muốn nói tiếp một điều với HĐXX, những điều tôi nói đây là sự thật khách quan. Phiên tòa vừa rồi tôi đã bị xử mức án cao nhất của tội tham ô tài sản và cố ý làm trái, tôi chỉ nói sự thật. Em trai tôi, tôi rất thương, còn em trai tôi nó có vấn đề về trí nhớ...” 

11h5 phút. Xét hỏi Dương Tự Trọng

Chủ tọa: Ai là người báo tin cho bị cáo là tình hình của anh Dũng khởi tố?

+  Ngay từ đầu với cơ quan an ninh, tôi không biết việc này.

- Sơn khai bị cáo thông báo cho bị cáo Sơn biết người báo tin.

+ Tôi không có ý kiến gì về việc này. Khi gia đình tôi liên tiếp xảy ra chuyện như vậy thì trí nhớ của tôi có mức độ. Gần đây tôi không nhớ gì cả nên tôi không có ý kiến gì.

-Tức là anh không thừa nhận cũng không phủ nhận lời khai của Sơn.

+ Tôi không công nhận cũng không phủ nhận lời khai của Sơn. 

- Anh có ý kiến gì về nội dung cáo trạng đã truy tố?

+ Tôi không có ý kiến gì cả.

- Bị cáo nghe lời khai của anh Vinh là nhân chứng vụ án? Nghĩ gì về lời khai này?

+ Tôi không suy  nghĩ gì.

- Cho đến thời điểm này, bị cáo có suy nghĩ gì về toàn bộ vụ án này?

+ Tôi không suy nghĩ gì.

- Bị cáo là một cán bộ cao cấp, sinh ra trong gia đình có truyền thống, quá trình công tác lập nhiều thành tích trong ngành. Tại tòa, các bị cáo khác cũng đã khai nhận hành vi phạm tội…

+ Tôi không có bất cứ ý kiến gì cả. Vì trong hoàn cảnh này tôi không nhớ gì cả.

Kiến nghị xem xét khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác ảnh 4
  Bị cáo Vũ Tiến Sơn.

10h47. Tòa tiếp tục xét hỏi Vũ Tiến Sơn.

Sơn là người được Dương Tự Trọng bàn bạc, thống nhất và giao việc liên lạc, phối hợp, điều khiển mọi hoạt động của các bị can và các đối tượng khác tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn trót lọt sang Campuchia. Sau đó, Sơn đã hai lần nhận tiền của Trọng (34.000 USD) để giao cho Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng mang sang Campuchia cho Dương Chí Dũng.

Cáo trạng cáo buộc Sơn giữ vai trò chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Sơn khai, ngay tối 17-5, anh Trọng nói cho bị cáo biết việc của anh Dương Chí Dũng xấu và nhờ Sơn đưa Dũng “tạm lánh đi một thời gian”.

Tòa hỏi: “Tại lời khai của bị cáo có 2 lời khai về việc có 1 người báo cho Dương Chí Dũng đi lánh. Người đó là ai?”. “Người đó anh Trọng nói là một ông anh ở Bộ Công an.” - bị cáo Vũ Tiến Sơn nói.

“Anh Trọng giao mỗi người một việc, bị cáo không hay biết gì để nói là chỉ đạo người khác. Việc đưa anh Dũng đi trốn đều xuất phát từ tình cảm. Theo ý nghĩ của bị cáo, đánh giá của cơ quan điều tra là đặc biệt nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng là không chính đáng. Tất cả các bị cáo chỉ bị truy tố theo khoản 1 điều 275 là phù hợp”.

Kiến nghị xem xét khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác ảnh 5

Bị cáo Trần Văn Dũng (Dũng Bắc Kạn). Ảnh: Đức Minh

10h35 xét hỏi Trần Văn Dũng (Dũng Bắc Kạn).

Dũng được Vũ Tiến Sơn bàn bạc, thống nhất và trực tiếp thực hiện việc móc nối, cách thức để đưa Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).

Ngày 3-6-2012, Dũng trực tiếp sang Campuchia bố trí chỗ ở và chuyển 30 ngàn USD của Dương Tự Trọng cho Dương Chí Dũng.

“Bị cáo nhận thức ai là người chỉ đạo toàn bộ sự việc này?”- tòa hỏi. “Là anh Trọng”- Dũng đáp.

 

Bị cáo Đồng Xuân Phong. Ảnh: Đức Minh

Tòa đang xét hỏi bị cáo Đồng Xuân Phong.

Theo cáo buộc của VKS, Đồng Xuân Phong cùng Trần Văn Dũng đã được Vũ Tiến Sơn bàn bạc, thống nhất và giao thực hiện việc liên lạc, phối hợp với Nguyễn Hồng Vinh (em vợ Dương Tự Trọng -NV), Hoàng Văn Thắng đón Dương Chí Dũng tại Củ Chi (TP.HCM). Sau đó đưa đến khu vực cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) để trốn sang Campuchia trót lọt vào chiều tối ngày 23-5-2012.

Bị cáo Đồng Xuân Phong sau đó đã tiếp tục sang Campuchia hai lần để đưa tiền và bố trí nơi ở cho Dương Chí Dũng.

Tại tòa, Phong thừa nhận mọi hành vi như cáo trạng đã truy tố.

Tuy nhiên, cũng như những bị cáo bị xét hỏi trước đó, bị cáo Phong cho biết tại thời điểm đó (đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn- NV), bị cáo này không hay biết sự việc và mục đích của việc đưa Dũng ra nước ngoài.  

Bị cáo Hoàng Văn Thắng. Ảnh: Đức Minh

Bị cáo Hoàng Văn Thắng được xét hỏi đầu tiên. Thắng khai, trước khi phạm tội làm công an, quan hệ với Dương Tự Trọng là cấp trên cấp dưới. Thắng có hành vi lấy xe ô tô đưa Dương Chí Dũng đến Quảng Ninh. “6h tối ngày 17-5-2012, bị cáo nhận được điện thoại lạ gọi đến, nói lên gặp anh Trọng để anh Trọng trao đổi công việc. Bị cáo lên phòng làm việc của bị cáo Trọng thì trong phòng chỉ có bị cáo Trọng. Trọng cho biết anh Dũng có lệnh bắt và “nhờ em chở anh Dũng đi”. Khi bị cáo xuống dưới nhà thì đã thấy có xe ô tô Porsche đậu sẵn.

Trên đường đi Hà Nội, bị cáo có đỗ lại ở Phố Nối (Hưng Yên) (theo chỉ đạo của Trọng). Lúc đó gặp anh Sơn (bị cáo Vũ Tiến Sơn- NV) và anh Trọng bước xuống xe. Anh Sơn có đưa cho bị cáo một túi nilon và dặn là đưa cho Dương Chí Dũng…

Chủ tọa hỏi: “Hành trình từ Quảng Ninh đi đến TP. HCM mất ba ngày. Trên hành trình đi có ai gọi điện cho bị cáo không?”. “Có một hai lần gì đó, bị cáo Sơn gọi điện”- Thắng đáp.

Hình ảnh phiên xử sáng nay. Ảnh: Đức Minh

9h. Chủ tọa hỏi Dương Tự Trọng: “Bản cáo trạng truy tố bị cáo tội tổ chức người khác trốn ra nước ngoài có đúng không?”. Dương Tự Trọng đáp: "Bản cáo trạng “không đúng tí gì”.

8h30. Bắt đầu phần xét hỏi. Đại diện VKS công bố cáo trạng.

8h25, Chủ tọa phổ biến quyền lợi và nghĩa vụ của các bị cáo; quyền lợi và nghĩa vụ của người làm chứng.

8h10 phút: Chủ tọa phiên tòa thực hiện thẩm tra căn cước.

8h, phiên xử bắt đầu. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP. Hà Nội đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Dương Chí Dũng tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: Đức Minh

Hai Kiểm sát viên của VKSND TP. Hà Nội là Lê Thị Bảo Yên và Vũ Đăng Hiếu được ủy quyền công tố tại phiên tòa.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng và Vũ Thị Kim Ngọc, bào chữa cho Dương Tự Trọng.

Vợ chồng Dương Chí Dũng dự phiên tòa với tư cách người làm chứng.

Theo cáo trạng, chiều 17-5-2012, Dương Chí Dũng biết được thông tin sẽ bị khởi tố bị can và bắt tạm giam về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đã thông báo em với em trai là Dương Tự Trọng (khi đó đang là Phó giám đốc Công an TP. Hải Phòng). Trọng đã hướng dẫn Dũng tạm thời đến trốn tại nhà bạn gái Trọng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Kế đó, Trọng đã bàn bạc, thống nhất giao cho Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP. Hải Phòng) tổ chức, chỉ đạo, phân công các đối tượng khác sử dụng xe ô tô chở Dương Chí Dũng từ Hà Nội về Quảng Ninh, từ Quảng Ninh vào TP. HCM, rồi đến khu vực cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và tổ chức cho Dũng trốn sang Campuchia, từ Campuchia qua Singapore để làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ.

Do không được phép nhập cảnh vào Mỹ, ngày 27-5, sau khi quay về Campuchia, Dương Chí Dũng đã thông báo cho Dương Tự Trọng biết. Trọng lại sai đàn em sắp xếp cho Dũng trốn tại Campuchia. Trọng sau đó đã đưa cho Vũ Tiến Sơn 30 ngàn USD chuyển cho Dũng, để Dũng có tiền chi phí trong thời gian trốn tại đây…

Đến ngày 4-9-2012, Dương Chí Dũng bị cơ quan chức năng Campuchia và Việt Nam bắt giữ và đưa về Việt Nam.

Trong phiên tòa đang diễn ra, 4/7 bị cáo nguyên là cán bộ công an, trong đó Dương Tự Trọng nguyên là Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an).

Một điểm đặc biệt khác, thực tế không có nhiều phiên tòa mà cả công an và giới “anh chị giang hồ” cùng đứng trước vành móng ngựa. Trong vụ án này, kế hoạch của Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn nhằm giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn được thực hiện bởi Trần Văn Dũng (tức Dũng Bắc Kạn), người từng bị TAND tỉnh Bắc Thái kết án về tội “buôn lậu” và “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Một câu hỏi được dư luận quan tâm trước phiên xử này là ai đã gọi điện báo cho Dương Chí Dũng biết về việc mình bị khởi tố, để Dũng thực hiện kế hoạch bỏ trốn sau đó?

Tại phiên xử diễn ra hồi trung tuần tháng 12, Dương Chí Dũng đã từ chối không khai tên “người quen” này tại tòa vì cho rằng “việc này đang liên quan đến một vụ án khác mà nói ra ở đây, mọi người hiểu không đúng vấn đề sẽ tạo dư luận không tốt.

 Trong phiên xử diễn ra vào trung tuần tháng 12 vừa qua, HĐXX TAND TP. Hà Nội đã tuyên mức án tử hình đối với bị cáo Dương Chí Dũng về tội tham ô, 18 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là tử hình. Ngoài ra, Dũng còn có trách nhiệm bồi thường 10 tỷ đồng tiền tham ô cho nhà nước, bồi thường 100 tỷ đồng trong số 338 tỷ đồng hậu quả thiệt hại do cố ý làm trái.

 Bảy bị cáo trong vụ án:

1. Dương Tự Trọng (SN 1961), nguyên Phó giám đốc Công an TP. Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an).

2. Vũ Tiến Sơn (SN 1966), nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP. Hải Phòng)

3. Hoàng Văn Thắng (SN 1970), nguyên Cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường (Công an TP. Hải Phòng).

4. Đồng Xuân Phong (SN 1974), nguyên cán bộ hải quan TP. Hải Phòng, đang bỏ trốn, bị truy nã.

5. Trần Văn Dũng (tên thường gọi là Dũng Bắc Kạn, SN 1968), từng bị TAND tỉnh Bắc Thái kết án về tội buôn lậu và tàng trữ trái phép chất ma túy.

6. Nguyễn Trọng Ánh (SN 1985), nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP. Hải Phòng)

7. Phạm Minh Tuấn (SN 1961), nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng (Hải Phòng) (bạn thân của Dương Tự Trọng).

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm