Trước đó, tại phiên xử ngày 7-1, Dương Chí Dũng đã khai tại tòa: “Buổi trưa 17-5, tôi có gọi điện thoại cho anh Phạm Quý Ngọ hỏi anh Ngọ đi công tác về chưa. Anh Ngọ nói đang trên đường từ Nội Bài về Hà Nội và có cho tôi biết “chiều nay Thủ tướng sẽ nghe báo cáo về việc của chú”. Chiều 17-5, tôi loanh quanh ở gần nhà anh Ngọ để chờ anh. Khoảng 17-18 giờ tối, anh Ngọ gọi điện thoại cho tôi, nói “Thủ tướng đã chấp thuận quyết định khởi tố và bắt tạm giam chú, chú tắt điện thoại và tránh đi một thời gian”.
Tại phiên xử ngày 7-1, Dương Chí Dũng đã khai nhiều tình tiết quan trọng tại tòa. Ảnh: TTXVN
Trong bản án công bố công khai ngày 8-1, HĐXX đã nhận định: “Chuyên án đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét khởi tố thuộc dạng thông tin tuyệt mật của Nhà nước nhưng đã có sự lộ thông tin để Dương Chí Dũng bỏ trốn khỏi Việt Nam…”.
Theo khoa học pháp lý hình sự, thông tin tuyệt mật, tối mật của Nhà nước là khách thể được bảo vệ trong tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 263 BLHS, trừ trường hợp quy định tại Điều 80 BLHS (tội gián điệp). Do đó, hành vi cố ý tiết lộ thông tin tuyệt mật của Nhà nước nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 BLHS thì sẽ bị xem xét xử lý về tội này.
Về thẩm quyền điều tra, một lãnh đạo VKSND Tối cao, cơ quan đã ra cáo trạng vụ tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài trái phép, cho biết: Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an sẽ điều tra vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước.
Theo vị lãnh đạo này, vụ án tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài mà TAND TP Hà Nội vừa xét xử sơ thẩm là do Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thụ lý. Vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước mà TAND TP Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố là hệ quả tiếp theo. Thẩm quyền điều tra với tội danh này thuộc về cơ quan an ninh điều tra nên tới đây, dự trù là Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng sẽ tiếp tục thụ lý, điều tra vụ án mới này.
NGHĨA NHÂN - NHƯ NGUYỆT