Nguyên Tổng Giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc khóc vì thấy mình có công rất lớn đối với sự phát triển của ngành hàng hải nay lại bị oan.
Nguyên Trưởng ban Tài chính - Kế toán Bùi Thị Bích Loan khóc khi nhắc về người chồng đã mất vì bệnh nan y và cảm thấy không còn cơ hội được trở về với gia đình, gặp lại người con gái duy nhất khi bản thân bị cáo cũng đang mắc bệnh hiểm nghèo.
Nguyên cán bộ hải quan Lê Văn Lừng khóc khi nhắc tới bố mẹ già yếu và người vợ bị ung thư bị cáo chưa kịp đưa đi xạ trị thì bị bắt…
Duy chỉ có bị cáo Dương Chí Dũng vẫn giữ được nét mặt bình thản, ngay cả khi nói lời sau cùng.
“Bị cáo thực lòng xin lỗi…”
“Năm 2007, với cương vị chủ tịch Vinalines để xảy ra sai phạm này, bị cáo rất hối hận. Bị cáo thực lòng xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, toàn thể nhân dân, toàn thể cán bộ công nhân viên ngành hàng hải. Chỉ có điều mong HĐXX hiểu tấm lòng bị cáo không vì động cơ cá nhân mà chỉ năng nổ, muốn làm việc tốt cho đất nước” - bị cáo Dũng nói.
Theo Dương Chí Dũng, nhu cầu sửa chữa tàu biển khi đó rất lớn. Hơn nữa tàu phải đưa ra nước ngoài sửa chữa, mỗi năm tốn 70-80 triệu USD vì trong nước, Vinashin chỉ đóng mới, không sửa chữa.
Bị cáo Dương Chí Dũng nói lời cuối cùng trước khi hội đồng xét xử tuyên án. Ảnh: TTXVN
Bị cáo Lê Văn Lừng, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, nói lời sau cùng. Ảnh: TTXVN
Trước năm 2008, hiệu quả của ngành hàng hải rất cao, hằng năm, lợi nhuận trên ngàn tỉ đồng. Sau đó, kinh tế suy sụp, phí vận chuyển từ Mỹ sang châu Âu giảm xuống nhiều lần.
“Không may đầu tư dự án đúng lúc này. Thêm nữa, đánh giá tác động môi trường của Vinalines mất 2,5 năm, ụ sửa xong về phải chờ, gây ra tổn thất. Điều này không thể thanh minh cho sai phạm nhưng thực sự tấm lòng của tôi không tham lam, không vì cá nhân…”.
Dù bị HĐXX ngắt lời, Dũng vẫn cố đọc xong mấy câu thơ:
“28 năm qua lại trở về
Với người hàng hải lời thề năm xưa
Dưới cờ nguyện cùng đưa
Con tàu hàng hải đến bờ vinh quang”.
“Tôi không đổ cho anh em, sai là sai, là người đứng đầu tôi phải chịu trách nhiệm chính. Có điều mong HĐXX xem xét đúng người đúng tội, đừng đổ hết mọi tội cho tôi. Về tội tham ô, bị cáo không biết khoản tiền 1,666 triệu USD, không chỉ đạo ai, không nhận một đồng nào từ anh Sơn đưa cho. Việc này oan cho bị cáo”.
Trước đó, khi đại diện VKS nhận định Dũng “không ăn năn hối cải”, Dũng nói: “Tôi không tham ô mà nói tôi tham ô thì tôi không nhận được. Kể cả đánh chết trong tù tôi cũng không nhận, đó là danh dự của tôi, của gia đình tôi. Tòa kết án tử hình, tôi phải chịu nhưng vợ tôi, gia đình tôi sẽ phải kêu oan suốt đời”.
Các bị cáo khai bị ép cung
Trong suốt ba ngày xét xử, ba bị cáo nguyên là cán bộ hải quan liên tục kêu oan. Bị cáo Lê Ngọc Triện khai tại cơ quan điều tra, bị cáo đã hai lần xin được khai lại nhưng không được chấp nhận. “Anh vào đây rồi như chim trong lồng, nếu khai báo lại thì sẽ cho đi ép cung. Điều tra viên nói với tôi như vậy” - Triện kể.
Bị cáo này còn cho biết bị buộc phải viết nguyên văn nội dung: “Tôi biết ụ nổi là tàu biển, không đủ điều kiện nhập khẩu. Tôi đã báo cáo lại anh Đức (bị cáo Huỳnh Hữu Đức) nhưng anh Đức chỉ đạo tôi nhất quyết cho thông quan”.
“Câu sau thì tôi cương quyết không ghi thêm, vì như thế là vu oan cho anh Đức. Họ còn bảo tôi đọc đi đọc lại nội dung này cho nhớ, khi điều tra viên khác vào thì khai cho khớp. Họ còn cho tôi xem thư của anh Lừng, anh Lừng viết là đã bị chuyển trại lên Phú Thọ, ở đó anh bị ngược đãi, bị các can phạm cùng phòng đánh đập, hành hạ.
Lần cuối cùng điều tra viên vào, bị cáo không ăn được, không đi được. Điều tra viên nói vào để xem xét cho bị cáo được tại ngoại. Bị cáo đang bệnh đau, đứng lệch một bên, nói thật khi đó điều tra viên bảo bị cáo viết gì thì bị cáo cũng viết” - Triện nói.
Bị cáo Huỳnh Hữu Đức cũng cho biết ngay từ lần lấy cung đầu tiên, cơ quan điều tra đã ghi sẵn nội dung ra giấy, ép bị cáo này phải nhận tội, cứ ghi sai là xé đi, bao giờ ghi đúng như thế mới thôi.
“Vì sao chúng tôi đã thay đổi lời khai? Khi bị bắt, tôi vẫn đấu tranh 83M là ụ nổi, không phải là tàu. Nhưng điều tra viên nói: “Nếu anh không nhận là tàu, chúng tôi sẽ có biện pháp mạnh”. Ba ngày sau, tôi bị chuyển lên Phú Thọ. Lên đó, họ bố trí trước rồi. Năm thanh niên lực lưỡng nằm trong buồng giam, bắt tôi nằm xuống, cởi hết quần áo. Họ đánh tôi, bắt tôi phải nhận đó là tàu. Sau họ đánh nhiều quá, tôi phải nhận” - bị cáo Lê Văn Lừng khai.
Tại tòa, bị cáo Mai Văn Phúc xác nhận lời khai của Lừng là trung thực. “Tôi cũng bị đi ép cung trên Phú Thọ bằng những dụng cụ rất nguy hiểm, thậm chí có thể sinh án mạng” - bị cáo này cho biết.
14 giờ chiều 16-12, HĐXX tuyên án.
Một số đối đáp đáng chú ý - Đại diện VKS: Hôm qua, đại diện Vinalines không dám trả lời thẳng vào câu hỏi của HĐXX là tình trạng ụ nổi giờ ra sao, giá trị hiện nay thế nào? Đến giờ mất của Nhà nước bao nhiêu tiền rồi? Năm năm trời, thực tế đã bỏ ra hơn 500 tỉ chứ không phải 366 tỉ đồng như quan điểm của cơ quan điều tra. Đến hôm qua, vị đại diện của Vinalines (nguyên đơn dân sự trong vụ án - PV) đến đây nói là không biết, nói chỗ neo đậu cũng không chính xác. Không biết là thế nào? Nếu tất cả các nơi đều quản lý theo kiểu đó thì kinh tế đất nước này đi đến đâu? Ụ nổi năm năm vào VN, mất bao nhiêu tiền giờ như đống sắt vụn, không đẻ ra được cái gì cả. Trách nhiệm ở đấy chứ đừng nói trách nhiệm ở chỗ khác. Về khoản tiền “lại quả” 1,666 triệu USD : Kết quả xác minh của C48 BCA cho thấy theo thỏa thuận giữa Công ty Global Success và Công ty AP, khoản 9 triệu USD (giá mua ụ nổi 83M - PV) được chia thành bốn phần: Công ty Nakhodka 2,3 triệu USD, Global 4,334 triệu USD, bên thứ ba do Global chỉ định là 1,666 triệu USD, phần còn lại của AP. Khoản tiền thỏa thuận của AP và Global Sucesse so với số tiền thực tế về VN là hoàn toàn chính xác. Các vị thắc mắc chắc gì nó của 83M nhưng không phải nó thì là cái gì? Không phải là tiền của Vinalines đi ra rồi đi về thì là cái gì? - Luật sư : Đối đáp của VKS không có gì mới so với lời buộc tội. Việc mua ụ nổi có sự tham gia của cả tập thể Vinalines, từ HĐQT đến các ban chuyên môn… Thành viên HĐQT lúc bảy người, lúc năm người, những người đó ở đâu trong vụ án này? Liên quan đến khoản tiền 1,666 triệu USD, nếu đây là tiền của Vinalines thì chính là hợp pháp hóa một hành vi trái pháp luật trở thành hợp pháp. Đó là rửa tiền. Tại sao các anh không xử lý vấn đề này? |
ĐỨC MINH