Sát cánh cùng doanh nghiệp

Trong hành trình đưa những thực tiễn của doanh nghiệp (DN) lên công luận để ủng hộ phương châm kiến tạo và phục vụ của Chính phủ đi vào thực chất, báo Pháp Luật TP.HCM đã cùng đồng hành với các chuyên gia, DN trong nỗ lực cắt bỏ những điều kiện kinh doanh vi hiến, trái luật…

Các bài báo trong loạt bài “Chặt đứt “vòi bạch tuộc” giấy phép con, giấy phép cháu”. Ảnh: HTD

900 trang giấy về điều kiện kinh doanh

Trước ngày 1-7-2015, thời điểm Luật DN, Luật Đầu tư có hiệu lực, những động thái quyết liệt từ Bộ KH&ĐT, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… nhằm cắt bỏ những điều kiện kinh doanh (ĐKKD)vô lý, không phù hợp thực tiễn đang kìm hãm DN phát triển đã được khởi động.

Tại một hội thảo liên quan đến các ĐKKD diễn ra ngày 13-5, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, đã khái quát: Chỉ tính riêng các quy định về ĐKKD thì số lượng đã lên tới gần 900 trang giấy. Ngoài ra còn hàng ngàn công văn điều hành thiếu cụ thể, không nhất quán, hay thay đổi và không tạo được sự công bằng trong quan hệ giữa cơ quan nhà nước và DN.

Ví dụ về ĐKKD đối với các DN xuất khẩu gạo của ông Cung đã làm rõ hơn những rào cản phi lý đặt ra cho kinh doanh: Bộ NN&PTNT quy định DN xuất khẩu gạo phải có kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc.

“Quy định này là không phù hợp vì các DN xuất khẩu gạo hoàn toàn có thể làm tốt hơn thế và điều này cũng không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, đến an toàn và đạo đức xã hội” - ông Cung nói.

Xông vào “rừng” giấy phép vô lý

Cuộc chiến chặt đứt “vòi bạch tuộc” các giấy phép con, giấy phép cháu đã được khởi động từ đây. Nhiều cuộc gặp gỡ giữa PV với các lãnh đạo bộ, ngành, đặc biệt là DN đã diễn ra.

Các nhà nhập khẩu xe hơi dưới chín chỗ đã kêu trời về đoạn trường kinh doanh từ năm 2011 khi Thông tư 20 của Bộ Công Thương ra đời. Có giám đốc một DN ở Hải Phòng, dù nét mặt đã hằn lên những trải nghiệm của thương trường, vẫn không thể giấu được những giọt nước mắt khi nói về DN của mình bị sập tiệm và còn kẹt hàng triệu USD ở nước ngoài chỉ vì Thông tư 20/2011.

Ông Nguyễn Tuấn, đại diện các nhà nhập khẩu xe, nói rằng Thông tư 20/2011 đã làm cho một số DN bắt buộc phải gian dối để được kinh doanh. “180 DN phá sản hoặc phải thu hẹp, chuyển đổi kinh doanh đã minh chứng cho sức tàn phá khủng khiếp của thông tư này. Chúng tôi không kinh doanh nữa vẫn sống khỏe nhưng đam mê và trách nhiệm đối với người lao động, xã hội buộc chúng tôi phải tiếp tục” - ông Tuấn chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ, hàng ngàn DN nhỏ đang kinh doanh gas cũng ăn không ngon, ngủ không yên vì Nghị định 19/2016 quy định các DN kinh doanh gas phải có tối thiểu 100.000 vỏ bình và bồn chứa 300 m3. Họ ra Hà Nội tham dự một hội thảo về ĐKKD hồi tháng 6-2016 để cất lên tiếng nói của mình.

Gặp PV, họ bức xúc, lo lắng khi tác động tiêu cực của nghị định này đã tìm đến họ. Bà Trương Thị Vàng, một chủ DN gas ở Đồng Nai, từng nói như khóc: “Tôi có 70 công nhân. Năm ngoái DN được hỏi mua với giá 13,5 tỉ đồng. Có Nghị định 19, nếu bán, người ta cũng chỉ trả 5 tỉ đồng là cùng. Hàng chục công nhân của tôi sẽ đi về đâu nếu phải thu hẹp kinh doanh?”.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI, thì nhận định rằng những công ty kinh doanh gas, xe hơi còn có cơ hội kêu cứu chứ những đơn vị xuất khẩu gạo đã không còn cơ hội, vì họ đã “chết” vì những ĐKKD không phù hợp trước đó rồi.

Đồng hành với cải cách, đổi mới

Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu nhận xét rằng trong đợt rà soát, cắt bỏ những ĐKKD không phù hợp với Hiến pháp và không hợp lý vừa qua, báo Pháp Luật TP.HCM đã có tiếng nói mạnh mẽ, có sức thuyết phục và đóng góp hết sức thiết thực.

“Báo còn chủ động thực hiện phỏng vấn, điều tra thực tế…, qua đó cung cấp nhiều thông tin về những thực tế hữu ích, phản ánh khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thi hành những chính sách liên quan đến hoạt động kinh doanh của cộng đồng DN. Từ đó cung cấp thông tin để những chính sách được hoạch định phù hợp với thực tiễn hơn” - ông Hiếu nói.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhận xét: “Là một người trực tiếp tham gia quá trình rà soát các giấy phép kinh doanh, xây dựng các nghị định về ĐKKD, tôi rất ấn tượng với loạt bài “Chặt đứt “vòi bạch tuộc” giấy phép con, giấy phép cháu” của Pháp Luật TP.HCM. Một loạt bài với những thông tin thực tế nóng hổi được tập hợp, phân tích cặn kẽ, đầy đủ, mô tả được bức tranh thực sự đáng báo động về tình trạng giấy phép và ĐKKD đang gây trở ngại cho sự phát triển của DN”.

Ông Tuấn tin rằng vệt bài này, cùng với sự lên tiếng của một số báo khác, là động lực để Thủ tướng Chính phủ ra một loạt quyết định quan trọng như không chấp thuận lùi thời điểm hết hiệu lực các giấy phép con, ĐKKD quy định tại thông tư; phải gấp rút ban hành các nghị định thay thế; triệu tập các phiên họp Chính phủ để VCCI và CIEM rà soát độc lập 50 dự thảo nghị định về ĐKKD...

“Những hiệu ứng tích cực về bãi bỏ, sửa đổi các ĐKKD hiện tiếp tục tiếp diễn” - ông Tuấn nhận định.

 

“Cần mạnh mẽ hơn nữa”

Tôi cho rằng phát huy những điểm mạnh của mình, báo Pháp Luật TP.HCM cần tiếp tục và đóng góp mạnh mẽ hơn nữa vào quá trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Tôi mong báo hợp tác chặt chẽ với chúng tôi thực hiện các cải cách về môi trường kinh doanh như tiếp tục rà soát, loại bỏ các loại giấy phép con vi hiến, trái luật, không phù hợp thực tiễn; đề án đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế, thành lập ủy ban đại diện chủ sở hữu của Nhà nước tại DN và Luật sửa đổi, bổ sung các luật về kinh doanh, đầu tư…

Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Phó Viện trưởng CIEM

“Tôi là bạn đọc chung thủy”

Tôi tìm thấy ở Pháp Luật TP.HCM sự nhanh nhạy và kịp thời của một nhật báo hàng đầu, sự chuyên sâu và chuẩn xác trong mảng pháp luật với tư cách một tờ báo ngành vững chắc; đặc biệt là những loạt điều tra, phóng sự đầy hơi thở cuộc sống với chính kiến rõ ràng.

Những kết quả cải cách ngọt ngào không dễ dàng, nó không thể đạt được nếu không có sự ủng hộ, đồng lòng, chung sức từ dư luận thông qua báo chí. Những tờ báo tốt sẽ góp phần đẩy tiến trình cải cách ở Việt Nam nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Đấy là lý do tôi là bạn đọc chung thủy của Pháp Luật TP.HCM.

Ông ĐẬU ANH TUẤN, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Cùng “nhổ đinh”dưới thảm đỏ

Báo Pháp Luật TP.HCM đã luôn sát cánh với các DN để đưa những bất hợp lý của Thông tư 20 lên công luận. Sự phản ánh kịp thời và khách quan của báo đã giúp những tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng DN đến được nhiều hơn với Chính phủ và các bộ, ngành. Kết quả là Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tuyên bố trên báo chí: Thông tư 20 đã được kiến nghị bãi bỏ.

Tôi mong báo chí tiếp tục cùng cộng đồng DN “nhổ” nốt những “chiếc đinh” giấy phép con vô lý còn sót lại để đất nước và cộng đồng DN cùng phát triển bền vững.

Ông NGUYỄN TUẤN, đại diện các nhà nhập khẩu xe hơi

“Đi đến cùng vấn đề”

Các DN kinh doanh gas đều nhận xét rằng: Các bài viết của Pháp Luật TP.HCM phản ánh đầy đủ những vướng mắc, khó khăn mà DN kinh doanh gas gặp phải do Nghị định 19/2016.

Các bài viết đã “chụp lại” được suy nghĩ của các DN chịu tác động trực tiếp của nghị định này. Theo tôi, những bài viết đó cũng góp phần thay đổi được tư duy của các cơ quan quản lý.

Tôi mong báo luôn đồng hành cùng DN, nêu lên những khó khăn, vướng mắc mà DN đang gặp phải để các cơ quan nhà nước thay đổi từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ. Đặc biệt, tôi mong báo bền bỉ đi đến cùng những vụ việc, vấn đề đã nêu để mỗi cấp, ngành có trách nhiệm hơn trong việc giải quyết các bức xúc của người dân, DN.

Ông HÀ THANH TÙNG, đại diện các DN kinh doanh gas.

Tiêu điểm

Tiếp tục sửa luật

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông sẽ cùng các cơ quan, chuyên gia và DN nỗ lực hoàn thành những công việc cụ thể như Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh; Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; nghị định về cơ quan đại diện sở hữu nhà nước tại DN…

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cũng cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, VCCI cùng các bên liên quan đã rà soát các luật, các quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh.

Trước mắt qua xem xét trong phạm vi 12 luật đang có ảnh hưởng lớn đến kinh doanh, cộng đồng DN và các cơ quan Chính phủ đã thống nhất phải sửa đổi tới 58 điều quy định để bảo đảm sự minh bạch, tính đồng bộ, hợp lý của hệ thống pháp luật; tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”, luật chồng lên luật, bộ lấn địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm