Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cam kết tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ để kiến tạo những bước đột phá trong môi trường đầu tư kinh doanh.
Thay đổi quan điểm hỗ trợ chung chung, đại trà sang hỗ trợ tập trung một số lĩnh vực, mục tiêu dài hạn nhất định. Ưu tiên tập trung vào khu vực DN trong các ngành sản xuất có lợi thế cạnh tranh quốc gia, có ứng dụng đổi mới sáng tạo, định hướng xuất khẩu, DN liên kết trong các chuỗi giá trị, cụm liên kết. Luôn là người bạn đồng hành, đối tác tin cậy của DN.
Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thời gian tới, trong 2016-2017, Bộ Tài chính sẽ thực hiện các mục tiêu: Đến hết 2017 nâng cao hiệu quả thị trường tài chính (chứng khoán, bảo hiểm), đầy đủ sẵn sàng về dịch vụ, trong top 50 nước đầu; Đến trước năm 2020, năng cao năng lực cạnh tranh.
Bộ trưởng Tài chính cho rằng “hải quan thông quan chậm hay nhanh là còn do các ngành khác, 72% phụ thuộc các ngành khác, chỉ 28% phụ thuộc ngành hải quan mà thôi”.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết Về vấn đề lãi suất, NHNN đến nay mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường đã giảm mạnh, so với năm 2011 đã giảm 40%. Tuy nhiên, các công cụ lãi suất tùy thuộc vào kinh tế vĩ mô và kỳ vọng lạm phát của năm 2016 vì thế NHNN sẽ điều hành lãi suất linh hoạt và hết sức thận trọng.
Sửa đổi Thông tư 36, theo ông Lê Minh Hưng, đặt ra vấn đề sửa đổi Thông tư 36 về việc khống chế dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là hợp lý. Vừa qua thị trường BĐS có tín hiệu phục hồi tốt tuy nhiên, đến nay tín dụng BĐS tăng 3,9% tăng hơn so với mức tăng của toàn hệ thống. Hơn nữa thông tư này cũng là để đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống vì hiện nay dòng vốn huy động vẫn đa phần là ngắn hạn.
Quang cảnh Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp. Ảnh: Yên Trang
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đã rà soát các giấy phép con, năm 2015 Bộ đã cắt bỏ 84/87 thủ tục hành chính. Năm 2016 cắt thêm 10 thủ tục hành chính nữa, 35 thủ tục hành chính sẽ đơn giản hóa và tiếp tục tiến hành cơ chế một cửa quốc gia trong xuất nhập khẩu, đem lại thuận lợi cho DN.
Bộ tiếp tục định hướng phát triển công nghiệp năng lượng bền vững, bảo vệ môi trường. Phát triển năng lượng tái tạo từ năng lượng gió, mặt trời, sinh khối. Tạo điều kiện DN trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.
Bộ Công an khẳng định quan điểm của Bộ là không hình sự hóa quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng một số cán bộ thoái hóa, yếu kém, không nắm rõ quy định pháp luật nên có hành vi vi phạm pháp luật, xảy ra án oán sai làm ảnh hưởng đến DN, người dân. Đề nghị các DN tiếp tục thông tin đến Bộ để Bộ xử lý sai phạm các cán bộ công an làm sai.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định hành động của các bộ là rất quan trọng. “Chính phủ nói nhiều mà các bộ không làm thì không giải quyết được gì”. Ông cũng khẳng định không có chủ trương hình sự hóa quan hệ kinh tế! Có vi phạm thì mình xử lý nghiêm. Ví dụ xả thải ảnh hưởng con người là xử lý chứ. Lừa đảo thì xử lý chứ. Xử lý nghiêm những cán bộ công an hạch sách dân nữa.
Dệt may than kiểm hàng quá ngặt nghèo Hiệp hội Dệt may kiến nghị Chính phủ nên triển khai điều chỉnh quy hoạch của ngành dệt may. Ngoài ra ngành này không cần quá nhiều quy chuẩn nặng nề. Có DN chỉ có 400 người mà bắt đòi mở nhà máy xử lý môi trường! DN may chỉ có rác thải hằng ngày chứ không liên quan đến hóa chất mà sao phải đáp ứng tiêu chuẩn như DN dệt nhuộm? Ngoài ra, hiệp hội này cũng kiến nghị xem lại quy định về kiểm tra hóa chất đối với hàng dệt may. Trả lời các kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đã cho xây dựng lại quy hoạch. Về Thông tư 37 về kiểm tra hóa chất thì được xây dựng theo mục tiêu ngăn chặn hàng dệt sợi có chất lượng kém. Qua quá trình thực hiện thì có vướng mắc và có sửa đổi, có mời gọi có DN cho ý kiến. Đã thu gọn lại mặt hàng lấy mẫu kiểm tra. Cách thức kiểm tra cũng khác. Có ưu đãi cho hàng nhập khẩu để gia công sản xuất xuất khẩu. Chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh theo phản ánh của Hiệp hội Dệt may. |