“Corticosteroid không được phép hiện diện trong thành phần kem dưỡng da. Tuy nhiên, BV Da liễu TP.HCM mỗi ngày tiếp rất nhiều chị em đến khám tai biến da do kem chứa corticosteroid gây ra” - ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, khoa Khám bệnh BV Da liễu TP.HCM, chia sẻ.
Mụn nổi từng dề!
Công tác trong lĩnh vực kinh doanh, chị TTHM (32 tuổi, ở TP.HCM) luôn tiếp xúc với khách hàng. Tuy nhiên, gần đây da mặt chị hơi sạm nên không tự tin khi tiếp xúc người lạ.
Chị nghe mọi người kháo sữa chua có thể “triệt” da sạm. Chưa hết, nếu được kết hợp thêm với corticosteroid sẽ làm da mặt mịn màng và trắng như “hột gà bóc vỏ”.
Sau đó chị M. tìm mua sữa chua, mật ong, nước cốt chanh, bột nghệ, quả hạnh nhân xay nhuyễn rồi cho vô chén trộn đều. Tiếp theo, chị cán viên thuốc có chứa corticosteroid thành bột rồi trộn chung rồi cho vô hộp cất vào tủ lạnh.
Mỗi ngày trước khi ngủ, chị M. lấy kem thoa đều trên mặt. Được vài tuần, da mặt chị M. mịn màng và trắng trẻo hơn. Thế nhưng độ năm tháng sau, da mặt chị M. ửng đỏ, mụn trứng cá, mụn mủ xuất hiện đầy mặt. Chưa hết, các mạch máu nhỏ ngoằn ngoèo xuất hiện rõ trên mặt, da sạm nhiều hơn và bong tróc khiến chị phải tạm xin nghỉ việc và đến bệnh viện.
Sau khi khám, ThS-BS Ánh Tú cho biết da mặt chị M. bị biến chứng do corticosteroid. “Muốn trả lại gương mặt chị M. như trước đây phải mất nhiều thời gian” - ThS-BS Ánh Tú nói.
Gương mặt một phụ nữ bị biến chứng do sử dụng kem dưỡng da có chứa corticosteroid. Ảnh: NGUYÊN ÁNH
Tương tự, chị NTMC (34 tuổi, ở Long An) cũng “mất ăn mất ngủ” vì làn da khô. Điều đáng nói da khô rất dễ mẫn cảm với môi trường xung quanh nên chị C. luôn rơi vào tình trạng đau rát, ngứa ngáy… Không chỉ ở tay và chân, da trên vùng mặt chị C. cũng khô khiến làn da luôn bị sần, khô ráp, bong tróc.
Ngại gặp bác sĩ, chị C. tìm hiểu trên mạng và đặt mua hũ kem điều trị da khô với giá 450.000 đồng. Sau vài lần sử dụng, làn da chị C. chẳng những hết sần mà còn láng mịn, trắng trẻo. Thế nhưng gần bảy tháng sau, da chị C. có biểu hiện đỏ, nóng rát, ngứa. Chưa hết, da còn bị tróc từng mảng, mụn vỡ tiết dịch vàng và có nguy cơ nhiễm trùng da.
Nhìn những biểu hiện trên da mặt chị C., ThS-BS Ánh Tú khẳng định kem trị khô da mà chị này sử dụng có chứa corticosteroid.
Nói không với kem tự chế
ThS-BS Ánh Tú cho biết corticosteroid có tác dụng giúp da mau mịn màng, trắng trẻo, nhìn rất đẹp nên nhiều người lạm dụng. “Tuy nhiên, chỉ thời gian sau da bắt đầu ửng đỏ, hai má xuất hiện các mạch máu nhỏ ngoằn ngoèo. Chưa hết, da nổi nhiều mụn trứng cá, mụn mủ kèm ngứa ngáy khó chịu. Da cũng tăng nhạy cảm hơn, không đáp ứng bất kỳ thuốc bôi hoặc kem dưỡng da khác” - ThS-BS Ánh Tú nói.
Corticosteroid có thể dùng trong công thức điều trị nám má. Tuy nhiên, không được tự ý sử dụng mà phải có sự theo dõi điều trị của các bác sĩ chuyên gia da liễu. |
Theo ThS-BS Ánh Tú, một tác dụng phụ khác của kem dưỡng da chứa corticosteroid là hiện tượng phụ thuộc. “Khi ngưng bôi kem dưỡng da có chứa corticosteroid, da sẽ đỏ, ngứa và châm chít nhiều hơn. Không chỉ vậy, mụn và mụn mủ nổi ngày càng nhiều, da sạm đi, có thể xuất hiện các đốm nâu. Điều này khiến người dùng có xu hướng sử dụng lại kem dưỡng da có chứa corticosteroid. Cái vòng luẩn quẩn gây tổn thương da bắt đầu từ đây và tiếp tục tàn phá da nhiều hơn” - ThS-BS Ánh Tú lưu ý.
PGS-TS Nguyễn Hữu Đức (Trường ĐH Y Dược TP.HCM) cho biết thêm sử dụng kem chứa corticosteroid lâu ngày có thể khiến chất này thấm qua da, vào máu. Điều này khiến nữ giới trong độ tuổi tiền dậy thì dễ bị rối loạn sự phát triển hệ lông. “Chưa hết, bôi kem chứa corticosteroid liên tục còn có nguy cơ teo da, rạn da, da dễ bị nhiễm trùng do mất sự đề kháng. Tuyệt đối không dùng mỹ phẩm dưỡng da tự chế hoặc quảng cáo bán trên mạng” - ông Đức khuyên.
Cetaphil không trị mụn trứng cá Da em là da hỗn hợp. Lâu nay em không dùng bất cứ mỹ phẩm nào. Gần đây xuất hiện mụn trứng cá, em có dùng cetaphil nhưng vẫn bị mụn. Xin bác sĩ tư vấn cho em cách chăm sóc. Bạn đọc Nguyễn Thu ThS-BS TRẦN NGUYÊN ÁNH TÚ, khoa Khám bệnh BV Da liễu TP.HCM, trả lời: Mụn trứng cá hình thành do sự tăng sản xuất chất bã nhờn; tăng sừng hóa nang lông; hoạt động của vi khuẩn P. acnes và quá trình viêm. Như vậy, có thể thấy ngoài việc sử dụng mỹ phẩm không an toàn, không đúng cách còn có các yếu tố khác tác động vào quá trình hình thành mụn. Mặt khác, mụn trứng cá có nhiều mức độ và chỉ ở mức độ nhẹ (thương tổn một vài mụn đầu trắng, mụn đầu đen) là có thể tự điều trị tại nhà bằng cách rửa nhẹ nhàng bằng nước ấm và sữa rửa mặt dịu nhẹ dành riêng cho da mụn hai lần/ngày để loại bỏ tế bào chết và chất bã nhờn. Đồng thời kết hợp một loại thuốc bôi điều trị mụn không kê toa có chứa benzoyl peroxide hay salicylic acid. Tuy nhiên, việc điều trị tại nhà cũng cần 4-8 tuần mới thấy kết quả. Nếu mức độ mụn nhẹ của bạn không đáp ứng với phương pháp điều trị trên hoặc tình trạng mụn hiện tại của bạn nặng hơn (có mụn viêm đỏ, mụn mủ), bạn nên đến chuyên gia da liễu uy tín để được khám và tư vấn điều trị một cách hiệu quả. |