Sau 10 năm, chuyện 'lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất' vẫn chưa đi vào cuộc sống

(PLO)- Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó đề xuất nhiều chính sách liên quan đến chế độ đãi ngộ, tiền lương nhà giáo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc

Tại báo cáo đánh giá tác động chính sách trong dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT nêu rõ rằng theo chủ trương của Đảng được xác định tại Nghị quyết 29 thì: “lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Trên thực tế, tiền lương nhà giáo đang được chi trả theo quy định tại Nghị định 204/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

“Lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất” vẫn chỉ là tuyên ngôn

Nhà giáo là viên chức được áp dụng bảng lương 3: Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ chung đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước, được hưởng mức lương khởi điểm tương ứng với quy định về trình độ đào tạo (loại B đối với trình độ cao đẳng, loại A đối với từ trình độ đại học trở lên).

Như vậy, theo Bộ GD&ĐT, khẳng định về lương của nhà giáo “được ưu tiên xếp cao nhất” trong Nghị quyết 29 sau hơn 10 năm vẫn chỉ dừng ở mức độ là tuyên ngôn, không thể đi vào đời sống khi Chính phủ không quy định bảng lương riêng đối với nhà giáo.

lương nhà giáo.jpg
Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó đề xuất nhiều chính sách liên quan đến tiền lương nhà giáo. (Ảnh minh họa: TT)

Cũng theo Bộ GD&ĐT, chênh lệch giữa hệ số lương khởi điểm của bảng lương trong một số trường hợp còn quá thấp, chẳng hạn như chênh lệch giữa loại B (2,10) và A1 (2,34); giữa loại A2.2 (4,0) với A2.1 (4,4). Do vậy, khi giáo viên được thăng hạng gần như không được hưởng lợi về lương, không nhận thấy được hưởng chế độ cao hơn khi đạt năng lực, trình độ cao hơn.

Mức lương nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non, phổ thông hiện nay đang thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức ngành khác (lực lượng vũ trang, ngân hàng, khối đảng đoàn thể trong điều kiện làm việc tương đồng).

Mức phụ cấp ưu đãi của giáo viên cũng thấp hơn viên chức một số ngành nghề khác và đặc biệt là viên chức khối đoàn thể trên cùng địa bàn.

Theo thống kê, lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, cũng chưa đủ để bảo đảm mức sống cho giáo viên, nhất là những giáo viên trẻ và sống ở khu vực đồng bằng, thành phố.

“Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng giáo viên không an tâm công tác, một bộ phận giáo viên bỏ việc, chuyển việc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm; địa phương thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số giáo viên còn thiếu và chuẩn bị đội ngũ triển khai chương trình sách giáo khoa mới” - báo cáo của Bộ GD&ĐT nêu.

Bộ GD&ĐT cho biết giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 7 triệu đồng/tháng (tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng).

Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe…) là khá cao.

Thêm vào đó, hiện chưa có nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ đối với nhà giáo trẻ - đối tượng thuộc độ tuổi có thu nhập thấp và còn trong giai đoạn nuôi con nhỏ cần được hỗ trợ. Đây cũng là độ tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất trong số những nhà giáo nghỉ việc trong thời gian qua.

Ngoài ra, giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các trường công lập hiện được chi trả mức lương thấp, hầu hết không nhận được chế độ tiền lương giống như nhà giáo trong biên chế, mặc dù phải thực hiện đầy đủ công việc theo yêu cầu của vị trí việc làm.

tuyen-dung-giao-vien.jpg
Theo Bộ GD&ĐT, hiện chưa có nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ đối với nhà giáo trẻ. (Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN)

Hiện tại, có nhiều địa phương ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút nhà giáo về công tác. Tuy nhiên, việc ban hành chính sách đặc thù đối với nhà giáo còn nhiều khó khăn do chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện.

“Tóm lại, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành. Điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, chưa tạo động lực cho đội ngũ trong bối cảnh áp lực công việc ngày càng cao, chưa bảo đảm bình đẳng giữa khu vực công và tư” - Bộ GD&ĐT cho biết.

Đề xuất tăng 1 bậc lương cho nhà giáo được xếp lương lần đầu

Bộ GD&ĐT đề xuất lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác được tính tùy theo tính chất công việc, vùng theo quy định.

Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo trẻ; nhà giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; nhà giáo trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số; và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác.

Bộ GD&ĐT cũng đề xuất nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nếu chính sách này được thực hiện, ngân sách nhà nước cần bổ sung khoảng:

lương nhà giáo.jpg
(Đơn vị tính: triệu đồng)

Bên cạnh đó, đối với nhà giáo công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, dạy giáo dục hòa nhập; nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật cũng cần được hưởng một số chính sách hỗ trợ.

Cụ thể như việc bảo đảm chỗ ở tập thể hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định; thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng khó khăn khi nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng về thăm gia đình…

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cho rằng cần tăng cường các chính sách thu hút đối với người có trình độ cao, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo.

Khuyến khích địa phương, trường học có chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo, bảo đảm cuộc sống, phát triển nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn tài chính của địa phương, cơ sở giáo dục.

Đánh giá tác động chính sách, Bộ GD&ĐT cho biết ngân sách nhà nước sẽ phát sinh cho việc chi trả lương và phụ cấp ưu đãi nghề cho nhà giáo.

Theo đề xuất, bảng lương, phụ cấp của giáo viên có sự điều chỉnh để phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của công việc, theo đó, chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả cho nhà giáo ước tính khoảng 1.068 tỉ đồng/tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm