Sau 18 năm, đường Hồ Chí Minh có nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ

(PLO)- Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải ưu tiên bố trí vốn để làm nốt 171 km nối thông đường Hồ Chí Minh sau 18 năm triển khai… để phát huy hiệu quả của dự án.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 24-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về việc tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Dự án có nguy cơ chậm tiếp

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho hay dự án đường Hồ Chí Minh được QH khóa XI thông qua chủ trương từ 2004, cách đây 18 năm với mục tiêu đến 2020 thông xe toàn tuyến. Tuy nhiên đến nay, dù QH theo dõi sát sao nhưng mục tiêu nối toàn tuyến từ Cao Bằng đến đất mũi Cà Mau không thực hiện được.

“Cần làm rõ sự chậm trễ trong thực hiện làm giảm bao nhiêu phần trăm hiệu quả dự án? Thiệt hại này có thể định lượng và có biểu hiện của sự lãng phí không? Cơ quan chủ trì dự án nên có câu trả lời trước QH về vấn đề này” - ĐB Yên nói.

ĐB Yên cũng băn khoăn việc Chính phủ chỉ trình bố trí vốn cho ba đoạn tuyến trong giai đoạn 2021-2025. “Có phải sẽ để lại dành cho giai đoạn sau hay cho QH khóa sau quyết định vấn đề này hay sao? Hiện 171 km chưa được nối thông, những vùng cần ưu tiên để bốn trí vốn lại chưa ưu tiên, điều này cần được Chính phủ giải trình trước Quốc hội” - ĐB nêu vấn đề.

Cũng theo ĐB Yên, giai đoạn dự án 2017-2021 đang chậm tiến độ năm năm so với kế hoạch và chưa rõ thời gian kết thúc. Nếu theo phương án của Chính phủ đưa ra thì dự án sẽ có nguy cơ tiếp tục chậm chễ.

Bà đề nghị Chính phủ làm rõ tổng nhu cầu vốn đầu tư, bố trí vốn để hoàn thành 171 km còn lại nhằm nối thông toàn tuyến, phát huy được toàn bộ hiệu quả của dự án, tạo động lực cho kinh tế vùng sâu, vùng xa phát triển…

ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội).

ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội).

Chìa khoá giải bài toán vốn cho hạ tầng giao thông

Tại phiên thảo luận tổ, ĐB Lê Quang Mạnh - đoàn Cần Thơ nhấn mạnh việc hoàn thành toàn tuyến dự án đường Hồ Chí Minh là cần thiết, tuy nhiên cần tính toàn về nguồn lực. Thời gian qua, dự án này đã phát huy tác dụng ở nhiều đoạn tuyến, ví dụ đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã mở rộng ra không gian phát triển, cơ hội đầu tư kinh doanh ở Miền Tây.

“Chúng ta hoàn thành toàn tuyến là điều lý tưởng nhưng theo dõi kỹ từng đoạn tuyến thì phương án giai đoạn 2021-2025 khá tối ưu. Bởi với những đoạn lưu lượng xe đi không đủ lớn thì cố gắng tìm vốn khác ngoài Nhà nước e đầu tư nhưng cũng không thành công” - ông nói và nhấn mạnh khi chỉ có ngần ấy tiền thì phải tính toán ký để quyết định đầu tư vào đâu.

Còn ĐB Vũ Tiến Lộc cho hay hạ tầng giao thông của Việt Nam đang tụt hậu so với thế giới, chi phí logistic cao là do vướng mắc trong huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào hạ tầng giao thông. Nếu không giải quyết được vướng mắc này thì bài toán hiện trạng giao thông của đất nước tiếp tục khó cải thiện.

Theo ông Lộc, nhiều thủ tục về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), thủ tục huy động nguồn lực xã hội vào phát triển hạ tầng đang phức tạp hơn cả thủ tục đầu tư công, khiến nhiều doanh nghiệp ngại tham gia.

“Hiện nay nhiều ngân hàng không giải ngân cho nhiều doanh nghiệp tư nhân là do lo ngại các vấn đề rủi ro khi các doanh nghiệp này tham gia vào các dự án của nhà nước. Do đó, chúng ta phải có chính sách để nhà đầu tư tư nhân khi tham gia triển khai các dự án của nhà nước phải là kênh an toàn nhất” - ông Lộc nói và đề nghị chỉ có hoàn thiện chính sách huy động nguồn lực xã hội thì bài toán đầu tư cho hạ tầng giao thông mới được tháo gỡ.

Liên quan nội dung này, ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng chủ trương huy động nguồn lực PPP là cần thiết, tuy nhiên cần căn cứ vào tình hình thực tế, khả năng thu hồi vốn thì mới hấp dẫn được doanh nghiệp.

“Đã nói đến PPP, nói đến tư nhân thì họ chỉ quan tâm khi dự án thu hồi được lợi nhuận. Riêng đoạn đường Hồ Chí Minh, khả năng thu hồi vốn rất khó, kể cả chúng ta có khuyến khích thì nhà đầu tư cũng sẽ rất thận trọng. Xét về thực tế, việc huy động nguồn lực để đầu tư PPP là khó khả thi” - ĐB Mai phân tích.

Bà nhấn mạnh đường Hồ Chí Minh là tuyến đường quan trọng không chỉ về mặt kinh tế mà có ý nghĩa chính trị, quốc phòng an ninh đặc biệt. Do đó việc nhà nước thực hiện đầu tư công trong bối cảnh huy động nguồn lực xã hội vào dự án này gặp khó khăn là giải pháp hợp lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm