Tìm cách đưa dự án đường Hồ Chí Minh về đích

Chiều 10-3, tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và kế hoạch triển khai dự án này giai đoạn tiếp theo.

Dự án triển khai rất chậm

Theo báo cáo của Chính phủ, dự án đường Hồ Chí Minh được QH thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2004, dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Dự án có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), với tổng chiều dài 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía tây dài 684 km; đi qua 28 tỉnh, TP. Tổng vốn đầu tư của toàn dự án là 99.170 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đến năm 2013, QH thông qua Nghị quyết 66 điều chỉnh một số nội dung, trong đó lùi thời điểm thông xe toàn tuyến tới năm 2020. Giai đoạn sau năm 2020 sẽ nâng cấp một số đoạn theo chuẩn cao tốc.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho hay ủy ban này đánh giá dự án được triển khai rất chậm so với yêu cầu.

“Đến nay tiến độ triển khai dự án đã chậm gần hai năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần và nối thông toàn tuyến với quy mô hai làn xe theo quy định và chưa rõ thời gian kết thúc” - ông Huy nói.

Theo ông Huy, đối với phân kỳ đầu tư đến năm 2020, dự án chưa đạt yêu cầu nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô hai làn xe.

Dẫn lại báo cáo của Chính phủ, ông Huy cho hay đến hết năm 2020 còn bảy đoạn với tổng chiều dài khoảng 279 km chưa triển khai, trong đó mới cân đối bố trí vốn cho ba đoạn với tổng chiều dài 108 km, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Đối với phân kỳ đầu tư sau năm 2020, dự án hoàn thành khoảng 2.362 km/2.744 km, đạt 86,1%; đang thực hiện 211 km; chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện 171 km.

Về nguồn vốn thực hiện dự án, đến năm 2020, nhu cầu vốn để nối thông toàn tuyến là 88.400 tỉ đồng, đã huy động được hơn 62.300 tỉ đồng. Đối với giai đoạn 2021-2025, đã bố trí hơn 11.790 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước. Còn lại ba đoạn với tổng chiều dài 171 km, tổng mức đầu tư là 10.770 tỉ đồng chưa được bố trí nguồn vốn.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giải trình về tiến độ thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh. Ảnh: QH

Chúng tôi muốn làm nhưng thiếu vốn

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng dự án đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh rất lớn. Thừa nhận tiến độ thực hiện dự án chậm và ông Thể diễn giải thêm nguyên nhân là do thiếu vốn, vì có giai đoạn khủng hoảng kinh tế.

“Hiện nay còn ba đoạn chúng tôi rất muốn làm, đầu tư cho xong như đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận. Có thể nói thiên thời, địa lợi rất tốt nhưng người dân rất nghèo, chúng tôi rất muốn đầu tư làm sao cho xong nhưng kinh phí hiện nay khó” - ông Thể nói.

Bộ trưởng GTVT sau đó đề nghị QH giám sát, thảo luận và ban hành nghị quyết giao cho Chính phủ sử dụng ngay 10% vốn dự phòng để tập trung làm ba đoạn này. Những đoạn này không thể triển khai dự án theo hình thức BOT mà đề nghị chuyển sang đầu tư công.

“Chúng tôi mong muốn nếu bố trí được vốn thì làm luôn để năm 2025 chúng ta xong giai đoạn 1 đúng theo Nghị quyết 66” - ông Thể cho hay.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải cho rằng về việc chậm tiến độ, cần phải xem xét tổng thể các nguyên nhân, chủ quan, khách quan, trách nhiệm của địa phương, trung ương để đánh giá toàn diện, tổng thể. Ủy ban Thường vụ QH thống nhất trình QH xem xét thảo luận nội dung này tại kỳ họp tháng 5-2022.

“Chúng ta phải hoàn thành dự án đường Hồ Chí Minh theo đúng mục tiêu ban đầu” - ông Hải nhấn mạnh và yêu cầu trước mắt cần rà soát và sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn 2021-2025… Lưu ý không xé lẻ dự án, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị sớm đầu tư đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn để kết nối giao thông của An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên) và đoạn Rạch Sỏi - Gò Quao - Vĩnh Thuận nhằm kết nối giao thông ĐBSCL để cơ bản hoàn thành tuyến đường Hồ Chí Minh.

Đưa con nhà giàu vô cai nghiện, còn trẻ lang thang thì sao

Trước đó, sáng 10-3, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến dự thảo Pháp lệnh Trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết Nghị định số 116/2021 của Chính phủ chưa quy định đầy đủ, chưa bao quát được hết các trường hợp cần thiết phải hoãn, miễn, tạm đình chỉ cho người phải chấp hành cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. “Nếu không quy định trong dự thảo pháp lệnh thì thiếu căn cứ pháp lý để áp dụng, thi hành” - bà Nga nói.

Cũng theo bà Nga, đối tượng áp dụng của pháp lệnh này là người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi, việc đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có tính chất hỗ trợ chữa bệnh, không phải là biện pháp xử lý hành chính. Do vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị cần tiếp tục rà soát để bổ sung, hoàn thiện thêm về thủ tục thân thiện và các yêu cầu để thực hiện có hiệu quả thủ tục này. Cụ thể, cần bổ sung quy định về nguyên tắc bảo đảm thủ tục thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; bổ sung quy định các phiên họp phải được tổ chức thân thiện; phòng họp thân thiện, an toàn, vị trí chỗ ngồi thân thiện....

Cho ý kiến, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương lưu ý đánh giá tác động còn thiếu, đặc biệt là tác động tiêu cực, vì đối tượng đưa đi cai nghiện bắt buộc là trẻ em, thiếu niên. Ông cũng đặt vấn đề dường như các quy định mới chú ý đến những trẻ em “con nhà giàu chơi bời lêu lổng” mà chưa chú ý nhiều đến đối tượng lang thang, cơ nhỡ...

Cơ bản nhất trí với những nội dung cơ bản tại dự thảo pháp lệnh, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải lưu ý cơ quan soạn thảo cần cung cấp thêm đánh giá về thực trạng, thực tiễn tình hình cai nghiện của người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi hiện nay; vấn đề tổ chức hệ thống các cơ sở như thế nào… để đảm bảo tính pháp lệnh khi ban hành được thực thi trên thực tiễn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm