Cuối phiên chiều 6-2, đà giảm được thu hẹp nhưng các nhà đầu tư vẫn nhận thấy thị trường trong hai ngày đầu tuần đã phải trải qua những phiên rớt điểm mạnh nhất từ trước tới nay.
Trước giờ giao dịch buổi sáng, nhiều chuyên gia chứng khoán đều cho rằng nếu chỉ số VN-Index tiếp tục giảm xuống dưới ngưỡng 900-1.000 điểm thì có thể trong nhiều phiên giao dịch tới, thị trường sẽ phải đón nhận động thái bán tháo ồ ạt hơn nữa.
Thế nhưng trong phiên giao dịch chiều nay, với nỗ lực bắt đáy của các cổ phiếu bluechips, nhóm VN30 đã tích cực hơn so với phiên trước đó khi có bốn mã tăng điểm bao gồm HPG (tăng 1,8%), MSN (tăng 1,5%), STB (tăng 1,7%) và NVL (tăng 0,2%) đã giúp các chỉ số thu hẹp đà giảm.
Theo đó, chỉ số VN-Index giảm 37,11 điểm (3,54%) xuống 1.011,6 điểm; HNX-Index giảm 3,31 điểm (2,78%) xuống 115,64 điểm và Upcom-Index giảm 1,98 điểm (3,48%) xuống 54,95 điểm.
Với mức giảm điểm như trên, tính đến hôm qua, vốn hóa thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục "bay hơi" hơn 132.000 tỉ đồng, tương ứng 5,8 tỉ USD. Như vậy, chỉ trong hai phiên giao dịch đầu tuần, vốn hóa TTCK Việt Nam đã mất đi khoảng 14 tỉ USD.
Sau hai phiên giảm mạnh, vốn hóa TTCK Việt Nam hiện đạt 3,61 triệu tỉ đồng (160 tỉ USD) và bằng 73% GDP.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán Mỹ với việc chỉ số S&P 500 giảm mạnh đã khiến hơn 1.000 tỉ USD bị thổi bay trong ba ngày qua. Theo đó, những tên tuổi lớn như Alphabet, Wells Fargo, Bershire Hathaway, Apple Microsoft và ExxonMobil, mỗi công ty đã “thủng túi” gần 30 tỉ USD so với mốc ngày 31-1.
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ về một số nguyên nhân dẫn đến việc TTCK toàn cầu, trong đó có Việt Nam “đỏ lửa” trong những ngày gầy đây. Ông cho rằng: Trước hết, nói đến vấn đề liên quan đến các TTCK thế giới, hiện nỗi lo của các nhà đầu tư trên thế giới cũng khá “tréo ngoe”, đó là họ lo vì các chỉ số đang cho thấy mức độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ tăng quá nhanh, tốt hơn cả kỳ vọng, chỉ số thất nghiệp cũng tốt hơn so với dự kiến.
Điều đó dẫn đến khả năng là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ thực hiện việc tăng lãi suất nhanh hơn, nhiều hơn trong thời gian tới. Và đây là thông tin không mấy tích cực với cảm nhận của các nhà đầu tư. Bất chấp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đều tốt nhưng trong ba ngày qua TTCK Mỹ vẫn sụt giảm rất mạnh.
Khi thị trường Mỹ giảm mạnh cũng tạo ra độ lan tỏa khiến cho các thị trường khác trên thế giới như Nhật Bản cũng giảm điểm. Do đó, việc TTCK Việt giảm điểm không phải là câu chuyện đặc biệt, trong khi nhiều thị trường lớn trên thế giới bị điều chỉnh mạnh như vậy thì TTCK Việt Nam cũng khó có thể thoát khỏi đà lao dốc.
Ngoài tác động từ TTCK Mỹ chiếm tới 70% thì còn có một số nguyên nhân khác nữa khiến cho mức giảm của TTCK Việt trong hai ngày vừa qua giảm, nhất là mức giảm 56 điểm trong ngày 5-2 cao hơn mức giảm xét trên bình diện chung trong khu vực châu Á. Điều này là do áp lực điều chỉnh khi TTCK Việt Nam đã tăng "nóng" và tiệm cận đỉnh lịch sử năm 2007.
Trong năm 2017 và cả trong tháng 1-2018 TTCK Việt Nam cũng là một trong những thị trường tăng mạnh nhất của khu vực. Khi tốc độ tăng quá nhanh và quá nhiều thì tất yếu sẽ kích hoạt nhu cầu sẵn sàng chốt lời của các nhà đầu tư.
Ngoài ra, TTCK Việt còn chịu tác động từ yếu tố mang tính cộng hưởng như các công ty chứng khoán dần "siết margin" theo quy định mới của Ủy ban Chứng khoán và dòng vốn các quỹ ETFs đổ vào TTCK Việt Nam không còn mạnh như những ngày đầu năm.
Sau cơn "nguy kịch" dự báo chứng khoán sẽ hồi sinh và tăng tốc trở lại.
“Nếu sau hôm nay, TTCK Mỹ phục hồi trở lại thì cũng đồng nghĩa giai đoạn khó khăn nhất của TTCK Việt Nam đã qua hồi “nguy kịch”. Do đó nhà đầu tư không có nhiều lý do để mà phải bán tháo cổ phiếu như hai ngày vừa qua nữa.
Thậm chí với những nhà đầu tư nào có khả năng chấp nhận rủi ro đủ lớn thì giai đoạn khoảng thứ Sáu tuần này trở về sau (trước khi nghỉ Tết) là giai đoạn nhà đầu tư có thể mua tích lũy cổ phiếu với mức giá tốt hơn. Bởi vì đó là thời điểm mà lực bán cho nhu cầu rút vốn trước Tết đã hoàn toàn bị triệt tiêu.
Sau đợt rủi ro hệ thống này (tức là rủi ro không kiểm soát được) có lẽ TTCK Việt Nam đâu đó sẽ tăng thêm khoảng 40-50 điểm và giữ ổn định cho tới sau Tết, chứ khó mà tăng mạnh như trong thời gian vừa qua” - ông Lâm nhấn mạnh.