Đúng mười năm sau ca ghép gan đầu tiên thành công, các bác sĩ Việt Nam đã ghi danh mình trên bản đồ ghép tạng nói chung và ghép gan nói riêng. PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) – một trong những cơ sở thực hiện thành công nhiều ca ghép gan – đã chia sẻ một số thông tin liên quan đến kỹ thuật ghép gan ở Việt Nam.
Ca ghép gan đầu tiên trên người lớn ở TP.HCM vào tháng 10.2012. Ảnh: TLBS |
Những trường hợp nào cần phải tiến hành ghép gan để duy trì cuộc sống, thưa ông?
Trước khi quyết định có cần ghép gan hay không bác sĩ sẽ khám và chẩn đoán. Người cần ghép gan là những người gan bị suy nặng giai đoạn cuối. Ghép gan là biện pháp sau cùng cho những bệnh nhân mắc bệnh gan không còn đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Ghép gan có hai cách: gan cho được lấy từ người bị chết não hoặc gan được lấy từ người còn sống.
Như vậy bất cứ ai suy gan giai đoạn cuối cũng đều phải ghép mới hy vọng kéo dài sự sống?
Ghép gan là cần thiết nhưng còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Để tiến hành một ca ghép gan cần có hội đồng, trong đó bao gồm các bác sĩ ở nhiều chuyên khoa khác nhau. Trước hết là người ghép, cần được kiểm tra sức khoẻ xem có đáp ứng được ca phẫu thuật không, có đủ điều kiện ghép không. Ghép gan có hai cách: gan cho được lấy từ người bị chết não hoặc lấy từ người còn sống. Người cho gan có thể là người sống, đáp ứng đủ các yêu cầu phù hợp với người nhận.
Có thông tin sau khi ghép gan bệnh nhân chỉ sống được khoảng sáu năm, đúng không?
Sau ghép gan bệnh nhân phải dùng thuốc ức chế miễn dịch để chống lại sự thải ghép. Bệnh nhân sau ghép gan vẫn cần theo dõi sức khoẻ và khám định kỳ. Việc phục hồi nhanh hay chậm còn phụ thuộc nhiều yếu tố như tinh thần, thuốc dùng, khả năng đáp ứng… Sau ghép gan, người bệnh sẽ có chức năng gan cũng như chất lượng cuộc sống tốt. Tuổi thọ phụ thuộc vào cơ địa, khả năng thích ứng cùng nhiều yếu tố khác nữa.
Theo đánh giá của ông, trình độ ghép gan của các bác sĩ Việt Nam đã đạt được mức độ nào?
Tôi có thể khẳng định kỹ thuật ghép tạng nói chung cũng như ghép gan của Việt Nam không thua bất cứ một nước nào. Từ ca ghép gan đầu tiên thành công cho bệnh nhi cách đây mười năm, đến nay kỹ thuật này đã được triển khai ở nhiều cơ sở. Cản trở lớn nhất trong lĩnh vực này ở nước ta hiện nay là thiếu người cho tạng, do ảnh hưởng của tâm lý, tôn giáo, tín ngưỡng trong nhân dân. Bên cạnh đó, dù chi phí ghép tạng của Việt Nam ở mức thấp nhất so với các nước, nhưng so với thu nhập của người dân thì vẫn quá cao.
Hiện nhiều bệnh nhân suy gan chạy ra nước ngoài ghép với hy vọng kỹ thuật tốt hơn, ông có ý kiến gì về việc này?
Cùng một kỹ thuật nhưng chi phí ở Việt Nam rẻ bằng 1/3 khu vực và trên thế giới. Không phải người bệnh nào ra nước ngoài chữa bệnh cũng khỏi bệnh. Bệnh viện Việt Đức từng tiếp nhận 5 – 6 trường hợp sau khi đi ghép gan, ghép thận ở nước ngoài về phải tới bệnh viện điều trị do tai biến hay phải ghép lại. Đau xót hơn, có trường hợp mất cả tỉ đồng ra nước ngoài ghép gan nhưng khi về nước chỉ sống thêm chưa đầy một tháng.
Nhiều người cho rằng cho đi một nửa gan thì họ cũng mất đi một nửa sức khoẻ, thậm chí có nguy cơ tử vong vì biến chứng sau khi cho gan, có đúng không?
Sức khoẻ của người cho gan hoàn toàn bình thường sau ca ghép, bởi gan của người hiến sẽ tự tái tạo sau một thời gian. Cùng với đó, chức năng hoạt động của gan thường không bị ảnh hưởng sau phẫu thuật.
Lệ Hà thực hiện (SGTT)
Chi phí ghép gan ở Việt Nam khoảng 1,5 tỉ đồng Chi phí một ca ghép gan ở bệnh viện Việt Đức khoảng 1,5 tỉ đồng, do vậy không phải người bệnh nào cũng có điều kiện để ghép. Mặt khác, nguồn tạng hiến hiện rất khan hiếm. Bốn năm nay mới có 20 người chết não hiến tạng, trong khi số bệnh nhân đăng ký ghép tạng là cực lớn. Từ năm 2007 đến nay, bệnh viện Việt Đức đã thực hiện 19 ca ghép gan thành công, trong đó có 16 ca lấy gan từ người chết não. Để thực hiện một ca ghép gan từ người chết não, bệnh viện Việt – Đức phải huy động tới 150 y, bác sĩ, điều dưỡng. Khâu chuẩn bị ghép phải tính toán mọi tình huống có thể xảy ra, đặc biệt về gây mê, hồi sức. Khi mổ nối các mạch máu, tĩnh mạch, động mạch và đường mật xong phải có siêu âm màu ngay tại bàn mổ để kiểm tra. Từng giai đoạn phải tính toán chuẩn xác tới từng chi tiết nhỏ. Sau mổ phải có tám điều dưỡng phục vụ bệnh nhân. Thời gian ghép gan nhanh nhất là năm tiếng, lâu nhất 12 tiếng. Bệnh nhân sau ghép nhanh nhất 15 ngày được ra viện, lâu nhất một tháng rưỡi. T.L |