Lý do, ngay trong phần thủ tục phiên tòa, chỉ có phó giám đốc rừng đặc dụng Đắk Uy thay mặt ban quản lý rừng có mặt tại phiên tòa nhưng lại không có giấy ủy quyền của giám đốc do đó không được tòa chấp nhận. Từ đó đại diện VKS đề nghị hoãn phiên tòa. Ngược lại, bốn vị luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng việc vắng mặt này không làm ảnh hưởng tới nội dung của vụ án, đề nghị tòa tiếp tục làm việc. Cuối cùng HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.
Trước đó, ngày 6-11-2017, tòa này đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng cũng bị hoãn vì “tại phiên tòa, một thành viên của HĐXX vắng mặt mà không có thẩm phán dự khuyết để thay thế”. Ngày 5-3, tòa tiếp tục hoãn lý do thẩm phán-chủ tọa phiên tòa Nguyễn Minh Thành vắng mặt vì đi cấp cứu.
Hai lần hoãn xử trước do thành viên của HĐXX thay phiên nhau vắng mặt. Ảnh: N.NGA
Được biết cả ba thẩm phán trong HĐXX phúc thẩm lần hai này đều là ba chánh án (thẩm phán trung cấp) của các TAND huyện được điều động về TAND cấp tỉnh để xét xử vụ án này. Lý do là TAND tỉnh Kon Tum thiếu thẩm phán.
Đây là một vụ án không chỉ người dân địa phương mà còn có cả các cơ quan ban ngành của huyện Đắk Hà và tỉnh Kon Tum đặc biệt chú ý quan tâm. Cứ mỗi lần tòa xử là có cả gần ngàn người dân và cán bộ đi dự phiên tòa.
Như chúng tôi từng thông tin, giới chuyên gia pháp luật rất nhiều lần phân tích về hành vi của các bị cáo chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự. Vậy mà không hiểu sao các cơ quan tố tụng huyện Đắk Hà vẫn cố kết tội các bị cáo.
Lần hoãn xử thứ ba này thì do đại diện VKSND đề nghị hoãn. Ảnh: N.NGA
Theo đó, Phan Tiến Dũng nguyên là kiểm lâm của Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy. Tháng 4-2016, Lê Quốc Khánh xin Dũng vào rừng Đắk Uy cưa lấy gỗ trắc khô. Cả nể việc Khánh thường tìm thuê người làm cà phê giúp mình nên Dũng đồng ý. Hôm sau, Khánh cùng ba người khác vào rừng cưa cây gỗ trắc đã chết khô thì bị phát hiện. Riêng khúc gỗ mà các bị cáo lấy chỉ 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng.
Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà đã tuyên phạt các bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Các bị cáo kháng cáo kêu oan. Tháng 3-2017, TAND tỉnh Kon Tum đã hủy bản án sơ thẩm trên. Tuy nhiên, xử sơ thẩm lần hai vào tháng 9-2017, TAND huyện Đắk Hà vẫn phạt các bị cáo 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Hiện các bị cáo tiếp tục kháng cáo kêu oan.
Năm bị cáo cho biết nếu tòa không xử được thì đình chỉ vụ án chứ đừng có hoãn xử mãi. Ảnh: N.NGA
Trên Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao), TS Phan Anh Tuấn và ThS Nguyễn Thanh Thảo (cùng Trường ĐH Luật TP.HCM) và nhiều chuyên gia khác từng phân tích, cho rằng hành vi của các bị cáo chỉ có thể xử phạt hành chính vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, lẽ ra tòa phải tuyên các bị cáo không phạm tội mới đúng. Các bị cáo cưa cây gỗ trắc đã chết khô trong rừng đặc dụng là tài nguyên, không phải là tài sản do con người bỏ sức lao động tạo ra.
Các chuyên gia cho rằng theo Thông tư liên tịch số 19/2007 của Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao thì chỉ có thể xử các bị cáo tại Chương XIV Các tội xâm phạm sở hữu (trong đó có tội trộm cắp tài sản) khi cây gỗ trắc mà các bị cáo cưa thuộc rừng trồng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh. Tuy nhiên, rừng Đắk Uy nơi các bị cáo khai thác lại là rừng đặc dụng nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự các bị cáo về tội trộm cắp tài sản (Điều 138 BLHS) được.
Nhiều người dân la ó vì tòa cứ liên tục hoãn xử. Ảnh: N.NGA
Ngoài ra, nếu xem xét các bị cáo theo Điều 175 (tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng) thì theo Nghị định 157/2013, các bị cáo lấy khúc gỗ trắc chỉ 0,123 m3 (dưới 5 m3), chưa đủ định lượng để khởi tố hình sự.
Hơn thế nữa, tại tòa các luật sư chứng minh rằng nhiều trường hợp có hành vi giống như các bị cáo (khai thác gỗ trắc dưới 5 m3) nhưng Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy đã tiến hành xử phạt hành chính chứ không thể chuyển qua cơ quan chức năng xử lý hình sự. Như vậy có thể thấy cùng một hành vi vi phạm nhưng đã có hai cách xử lý khác nhau.
Phải khẳng định rằng việc các bị cáo chặt cây gỗ trắc dù còn sống hay đã chết khô rõ ràng là không đúng, có vi phạm. Nhưng sai đến đâu thì xử lý đến đó, không thể chỉ đáng xử hành chính mà lại quyết xử lý hình sự cho bằng được.
Khi chủ tọa thông báo hoãn, nhiều người dân phản ứng la lên vì nhiều lần họ phải bỏ công việc làm rẫy, đi lại cả mấy chục cây số lên để dự tòa. “Nếu không xử được thì tòa phải đình chỉ vụ án để chúng tôi còn đi làm việc nuôi con nhỏ nữa. Tòa và VKS cứ hoãn hoài, muốn làm khổ chúng tôi đến bao giờ đây?” - các bị cáo chia sẻ.
Cũng liên quan tới vụ án này, các bị cáo chỉ cưa phần thân khúc gỗ nhưng trong quá trình điều tra CQĐT lại cho người đào khúc gỗ trắc nặng 450 kg mang về để ở Chi cục THADS huyện Đắk Hà. Tuy nhiên, chi cục này lại để trộm lấy mất. Trao đổi với PV, lãnh đạo Cục THADS tỉnh Kon Tum cho biết việc để mất gốc gỗ trắc này các lãnh đạo Chi cục đã bị kiểm điểm. Còn việc bồi thường ra sao thì còn chờ bản án của tòa.