Chiều 14-3, sau một ngày xử phúc thẩm, TAND tỉnh Kon Tum đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ Phan Tiến Dũng và đồng phạm bị TAND huyện Đắk Hà tuyên phạt 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Lý do cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm tố tụng mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung tại tòa. Đây là vụ án có dấu hiệu oan bởi theo quy định, hành vi khai thác gỗ dưới 1,5 m3 thì chỉ bị xử phạt hành chính chứ chưa cấu thành tội hình sự.
Dấu hiệu oan
Như đã phản ánh, Phan Tiến Dũng là kiểm lâm của Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy. Tháng 4-2016, Lê Quốc Khánh xin Dũng vào rừng Đắk Uy cưa gỗ trắc khô. Khánh cùng Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Ngọc Bình vào rừng cưa cây gỗ trắc đã chết khô. Do cây bị đổ tạo ra tiếng động lớn nên bị phát hiện. Theo kết quả giám định, cây gỗ bị cưa là cây gỗ trắc đã chết khô, không còn khả năng sinh trưởng và phát triển. Riêng khúc gỗ mà các bị cáo lấy chỉ 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng... Quá trình điều tra, Dũng được tại ngoại; Khánh, Bảy, Thụ và Bình bị bắt tạm giam chín ngày. Tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 9-2016, các bị cáo cho rằng việc làm của mình là sai nhưng chỉ ở mức xử phạt hành chính chứ không phạm tội như cáo trạng truy tố. Nhưng tòa sơ thẩm vẫn kết án nên các bị cáo đều kháng cáo kêu oan.
Dù trời nắng nóng nhưng phòng xử hình sự TAND tỉnh không còn một chỗ trống, nhiều người phải đứng ra cả hành lang theo dõi phiên xử. Các bị cáo được tại ngoại nhưng ngoài sân tòa có một chiếc xe bít bùng của cảnh sát tư pháp chờ sẵn. Phiên tòa “nóng” ngay trong phần xét hỏi buổi sáng khi luật sư (LS) phản ứng, cho rằng chủ tọa giải thích pháp luật như thể kết tội các bị cáo.
Tại tòa các bị cáo vẫn kêu oan, việc xử hình sự là quá nặng, không đúng luật.
Phần luận tội, đại diện VKSND tỉnh Kon Tum cho rằng rừng đặc dụng Đắk Uy là rừng tự nhiên, không phải rừng khoanh nuôi tái sinh. Hành vi lén lút cưa trộm gỗ trắc đã đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản, việc không lấy được tài sản là nằm ngoài ý muốn của các bị cáo. Đề nghị HĐXX tuyên không chấp nhận đơn kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Đắk Hà.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: N.NGA
Nhiều điểm chưa ổn
Các LS Lê Văn Hoan, Nguyễn Thành Công (cùng thuộc Đoàn LS TP.HCM) và LS Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn LS tỉnh Đồng Nai) bào chữa cho năm bị cáo yêu cầu tòa hủy án sơ thẩm, đình chỉ vụ án, tuyên các bị cáo không phạm tội.
Về tố tụng, cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể, trong quyết định khởi tố bị can, tại phần thông tin thể hiện Nguyễn Ngọc Bình nhưng phần quyết định lại khởi tố với Lê Quốc Khánh. Thực tế bị cáo Bình chỉ nhận được duy nhất quyết định khởi tố bị can này. Ngoài ra biên bản hỏi cung và biên bản lời khai không đóng dấu của CQĐT.
Về nội dung VKS thừa nhận rừng đặc dụng Đắk Uy là rừng tự nhiên nhưng lại viện dẫn điểm b mục IV.1.1.2 Thông tư liên tịch 19/2007 giữa Bộ NN&PTNT, Tư pháp, Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao để kết luận các bị cáo trộm cắp là trái luật. Vì để áp dụng được điểm b thì rừng bị xâm hại phải là rừng trồng và rừng khoanh nuôi tái sinh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao cho tổ chức, tập thể, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích nông nghiệp. Hơn nữa, cây gỗ mà các bị cáo cưa là cây mọc tự nhiên được xem là tài nguyên, không phải đối tượng xử lý theo tội trộm cắp tài sản. Nếu có thì chỉ là hành vi khai thác trái phép nhưng các bị cáo khai thác chưa đủ định lượng để xử lý hình sự nên chỉ có thể xử phạt hành chính theo Điều 12 Nghị định 157/ 2013 của Chính phủ (xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản).
Các LS còn cho rằng theo Điều 52 BLTTHS thì nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường. Nhưng trong hồ sơ không có ý kiến của Ban quản lý rừng Đắk Uy mà tòa sơ thẩm vẫn cho họ là nguyên đơn dân sự là sai.
Hủy án sơ thẩm
Đáp lại, đại diện VKS khẳng định cấp sơ thẩm xử các bị cáo là đúng người, đúng tội. Về quyết định khởi tố mà LS cho là sai, đại diện VKS nói: “Tôi thấy tài liệu này không có trong hồ sơ. Với chức năng giám sát, sau phiên tòa này chúng tôi sẽ có ý kiến và ghi nhận nhưng bản chất không vi phạm tố tụng nghiêm trọng vì các bị cáo đã ký nhận, cũng không có ý kiến gì”. Nghe xong, chủ tọa nói: “Trong hồ sơ chúng tôi không thấy có, mà chứng cứ phải được thu thập theo một trình tự thủ tục nhất định. Còn chứng cứ đó ở đâu ra thì đề nghị đại diện VKS lưu ý vấn đề này, HĐXX không xem xét được”.
Phần tuyên án, HĐXX nhận định các bị cáo đã lén lút cưa trộm gỗ trắc thuộc nhóm IIA là hành vi trái pháp luật. Mặc dù các bị cáo đã cưa hạ gỗ trắc chết khô không còn khả năng sinh trưởng nhưng giá trị cây khô và tươi trên thị trường là không có sự chênh lệch. Mặt khác, đó là tài sản, là tài nguyên rừng thuộc quyền quản lý của Nhà nước cần được xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tại phiên tòa các LS xuất trình quyết định khởi tố phần lý lịch ghi Nguyễn Ngọc Bình nhưng phần quyết định lại ghi Lê Quốc Khánh để cho rằng Bình chưa bị khởi tố... Vấn đề này HĐXX thấy không thể làm rõ ở cấp phúc thẩm nên cần phải hủy án. Từ đó HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu. Khi chủ tọa vừa dứt lời tuyên hủy bản án sơ thẩm, tiếng vỗ tay vang lên, nhiều người chạy lên bắt tay và ôm lấy các bị cáo.
Tòa tuyên án xong, các bị cáo đều mừng rỡ. Bị cáo Bảy nói: “Tôi thấy quá hạnh phúc!”. Bị cáo Bình thì bảo: “Tòa xử như vậy là quá thỏa mãn rồi!”.