Luật sư đề nghị VKS giám sát cách hỏi của chủ toạ

Ngày 14-3, TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm vụ án Phan Tiến Dũng và đồng phạm bị TAND huyện Đắk Hà kết tội trộm cắp tài sản khi cưa cây gỗ chết khô trong rừng.

Luật sư đề nghị VKS giám sát cách hỏi của chủ toạ ảnh 1
Quang cảnh phiên tòa sáng nay

Luật sư đề nghị VKS giám sát cách hỏi của chủ toạ ảnh 2
Các luật sư tại phiên tòa

Ngay trong phần xét hỏi, phiên tòa đã “nóng” lên bởi sự phản ứng của luật sư khi cho rằng chủ tọa giải thích pháp luật như kết tội các bị cáo.

Cụ thể, khi bị cáo Nguyễn Văn Bảy hỏi “vặn” HĐXX: “Thế bị cáo hỏi, khi lấy xô múc cát thuộc sự quản lý của nhà nước, vậy có phạm tội gì không?”

Chủ tọa Lê Văn Lang nói: “Các bị cáo căn cứ vào Thông tư 19 để cho rằng đó là khai thác. Các bị cáo không có quyền chiếm hữu tài sản của Nhà nước, cưa rồi lại lấy ra khỏi rừng tức là thoát ra. Gỗ trắc có khúc đã đưa ra khỏi rừng, thoát ra khỏi sự chiếm hữu của Nhà nước. Theo tôi hành vi đó đã đủ yếu tố cấu thành tội, khách thể xâm phạm cụ thể cây gỗ trắc thuộc sự quản lý của Nhà nước, cho nên chỉ có Nhà nước mới định đoạt; khách thể là đã xâm phạm, chủ quan là đã có ý thức lén lút vào rừng để cưa cây gỗ trắc. Tôi thì đang phân tích về luật… Tôi thấy án sơ thẩm xử các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội. Như lúc nãy bị cáo Bảy hỏi lấy xô đãi quặng có phạm tội không? Thì phải thỏa mãn các yếu tố, người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị 2 triệu đồng theo Điều 138 BLHS… Nếu các bị cáo lấy xô đãi cát thì có thể bị xử lý hình sự, phải có hậu quả xảy ra thì phải đủ yếu tố định lượng”.

LS Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM) xin được phát biểu: "Đề nghị VKS thực hiện quyền giám sát yêu cầu chủ tọa không được kết tội trong giai đoạn xét hỏi".

Chủ tọa Lang: “Tôi đang giải thích và nói rõ cho các bị cáo có sai không”.

LS Công: Giải thích là không sai nhưng không được kết tội trong giai đoạn xét hỏi.

Đại diện VKS đứng lên: "Bị cáo hỏi chủ tọa giả sử đi xuống sông lấy cát có phạm tội hay không, tôi thấy vị chủ tọa làm đúng".

Chủ tọa: “Thôi đề nghị các LS không có ý kiến”.

Các luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Đồng Nai) và luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn TP.HCM) cũng đứng lên: “Đề nghị HĐXX hỏi trọng tâm vụ án, cách hỏi của chủ tọa như kết tội các bị cáo. Tôi đề nghị HĐXX thực hiện đúng chức năng của mình”.

Chủ tọa: Tôi là chủ tọa nên có tư cách đang điều hành. Tôi chẳng ngại chuyện đó!

Kiểm sát viên Hoàng Hải Yến tiếp tục: "Tôi thấy chủ tọa đúng, nếu luật sư muốn có ý kiến phải có sự được phép của chủ tọa chứ không được tùy tiện".

Luật sư đề nghị VKS giám sát cách hỏi của chủ toạ ảnh 3
Các bị cáo tại phiên tòa

Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, Phan Tiến Dũng là kiểm lâm của Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy. Tháng 4-2016, Lê Quốc Khánh xin Dũng vào rừng Đắk Uy cưa trộm gỗ trắc khô. Cả nể việc Khánh thường tìm thuê người làm cà phê cho mình nên Dũng đồng ý.

Hôm sau, Khánh cùng ba người khác vào rừng cưa cây gỗ trắc đã chết khô. Do cây bị đổ tạo ra tiếng động lớn nên các bị cáo bị phát hiện. Theo kết quả giám định, cây gỗ bị cưa nói trên là cây gỗ trắc đã chết khô, không còn khả năng sinh trưởng và phát triển. Riêng khúc gỗ mà các bị cáo lấy chỉ 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng.

Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà đã tuyên phạt các bị cáo 12-15 tháng tù. Tất cả bị cáo cùng kháng cáo kêu oan.

Trước đó trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về nội dung vụ án, Thẩm phán Lê Văn Lang cho biết: “Trong vụ án, các bị cáo khai thác gỗ trắc trong rừng tự nhiên. Do đây là cây gỗ chết khô nên không thể xử các bị cáo tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo Điều 175 BLHS. Còn các bị cáo có tội hay không hoặc phạm tội gì thì HĐXX sẽ xem xét”.

TAND tỉnh Kon Tum từng hai lần lên kế hoạch xét xử nhưng đều phải hoãn do một lần luật sư xin hoãn để nghiên cứu kỹ hồ sơ, một lần kiểm sát viên bị bệnh.

Theo TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự - ĐH Luật TP.HCM, cho rằng hành vi của các bị cáo không cấu thành tội trộm cắp tài sản. Tại mục IV.1.2.b của Thông tư liên tịch số 19/2007 giữa Bộ NN&PTNT, Tư pháp, Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao hướng dẫn đối tượng của các tội xâm phạm sở hữu chỉ có thể là những tài sản có sự đầu tư sức lao động của con người. Những tài sản không có sự đầu tư của con người như tài sản dưới dạng tài nguyên rừng thì không phải là đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu.

“Mà rừng đặc dụng Đắk Uy là rừng tự nhiên, các bị cáo cưa cây gỗ trắc đã chết không phải là tài sản do con người bỏ sức lao động tạo ra. Cho nên hành vi của các bị cáo không cấu thành tội trộm cắp tài sản. Có chăng là các bị cáo có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, mà tội danh này đòi hỏi phải khai thác trên 5 m3. Ở đây các bị cáo khai thác dưới 1,5 m3 nên cũng không thể xử lý hình sự các bị cáo tội danh này được. Do đó theo tôi, các bị cáo không phạm tội nào cả” - TS Phan Anh Tuấn phân tích.

Phiên tòa đang tiếp tục diễn ra, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm