Tuy nhiên, khi vụ án hình sự bị hủy để điều tra lại thì điều tra viên (ĐTV) và kiểm sát viên (KSV) đã từng tiến hành tố tụng trong vụ án đó lại không bị thay đổi. Nhiều trường hợp sau khi vụ án bị hủy để điều tra lại, người phạm tội, người bị hại hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… yêu cầu thay đổi ĐTV, KSV nhưng CQĐT, VKS không chấp nhận, trừ trường hợp ĐTV hoặc KSV đó “có vấn đề”.
Chưa ai lý giải được vì sao như vậy. Còn trong các hội nghị, hội thảo khoa học cũng có ý kiến giải thích rằng do pháp luật không cấm, cũng không có quy định nào buộc phải thay đổi ĐTV, KSV “cũ” trong vụ án bị hủy đó. Mặt khác, việc để ĐTV, KSV “cũ” tiếp tục tiến hành tố tụng sẽ thuận lợi hơn vì họ nắm chắc các tình tiết của vụ án nên việc điều tra lại, kiểm sát điều tra lại không mất nhiều công sức…
Theo tôi, cách lý giải này không khoa học, thiếu cơ sở pháp lý. Tại sao sau khi vụ án bị hủy, một thư ký tòa chỉ làm nhiệm vụ ghi chép tại phiên tòa cũng bị thay, còn ĐTV, KSV đã “làm hỏng” cả vụ án vẫn được tiếp tục nhiệm vụ?
Hầu hết bị can và người tham gia tố tụng đều không muốn như vậy bởi một lẽ đơn giản là nếu vẫn để ĐTV, KSV “cũ” tiến hành tố tụng thì họ sẽ không khách quan. Thực tiễn có nhiều vụ án có dấu hiệu oan sai, thay vì tuyên bố bị cáo không phạm tội, tòa cấp phúc thẩm hoặc cấp giám đốc thẩm lại tuyên hủy án để điều tra lại, rốt cuộc việc điều tra, truy tố lại cũng vẫn “bình cũ, rượu cũng không mới”. Có trường hợp tại phiên tòa, do không được CQĐT, VKS chấp nhận yêu cầu thay đổi ĐTV, KSV, mỗi khi KSV “cũ” ngồi ghế công tố đặt câu hỏi, bị cáo và người tham gia tố tụng phản ứng bằng cách không trả lời. Nhưng cũng câu hỏi đó, chủ tọa phiên tòa đặt lại thì bị cáo và người tham gia tố tụng trả lời vanh vách…
Đã đến lúc vấn đề này cần được mổ xẻ nghiêm túc với tinh thần khách quan, cầu thị, không né tránh. Các cơ quan tố tụng, các chuyên gia cần vào cuộc. Trước mắt cần tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, cả về lý luận cũng như thực tiễn để tìm ra câu trả lời thỏa đáng, sao cho việc điều tra, truy tố cũng phải bảo đảm tính khách quan của người tiến hành tố tụng như xét xử.
Tuy nhiên, theo tôi, cũng cần phân biệt: Đối với tất cả loại án (hình sự, dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại), nếu đã bị hủy để điều tra lại thì những người tiến hành tố tụng trước đó không được tiến hành tố tụng nữa. Riêng đối với án hình sự, nếu tòa cấp sơ thẩm chỉ quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung thì ĐTV, KSV “cũ” vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng nếu không có căn cứ kết luận việc họ thực thi nhiệm vụ là không khách quan. Nhưng nếu tòa cấp sơ thẩm trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng thì phải thay đổi ĐTV, KSV “cũ”.