Sầu riêng chín ép, lái hại nhà vườn

Huyện Cai Lậy, Tiền Giang có 6.000 ha vườn chuyên trồng sầu riêng với sản lượng khoảng 80.000 tấn trái/năm. Hiện tại sầu riêng vào mùa thu hoạch rộ nhưng nhà vườn Cai Lậy đang đối mặt với nguy cơ mất tiếng tăm do nhiều thương lái dùng hóa chất làm cho sầu riêng phải chín ép.

Nhúng sầu riêng vào hóa chất là chín hết

Ông Ba T., một chủ vựa thu mua sầu riêng ở xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, cho biết đặc điểm của trái sầu riêng là khi chín tự rụng xuống đất rồi người dân ra nhặt. Với cách thu hoạch này, mỗi ngày chủ vườn chỉ thu được vài chục trái, tùy theo diện tích vườn cây lớn hay nhỏ. Thế nhưng những năm gần đây, nhà vườn có thường bán hết vườn cho thương lái tự thu hoạch. Từ đây xảy ra những kiểu làm ăn chụp giựt, gian dối mà hậu quả là nhà vườn lãnh đủ.

“Nếu thương lái làm ăn đàng hoàng, sau khi mua hết vườn sầu riêng thì họ leo lên cây dùng dao gõ thăm từng trái, lựa trái thật già cắt xuống để một, hai hôm sẽ chín. Nhưng cách làm này rất tốn công sức, thời gian thu hoạch kéo dài. Vì vậy, nhiều thương lái chọn cách cắt một loạt hết cả trái non, trái già. Sau đó họ đã sử dụng một loại thuốc có nhãn hiệu HPC-97HXN Trái Chín của một xí nghiệp ở quận 12, TP.HCM để ép cho trái chín. Thuốc này bày bán đầy ở các cửa hàng vật tư nông nghiệp trong vùng, mua bao nhiêu cũng có. Ngoài loại thuốc này, nhiều thương lái còn sử dụng một loại hóa chất của Trung Quốc, ống nhỏ bằng ngón tay có giá 10.000 đồng, xử lý được 50 kg trái cây chín sớm. Bảo đảm nhúng trái sầu riêng vô hai loại thuốc này, sau một đêm trái non hay trái già đều chín hết” - ông Ba T. nói.

Sầu riêng chín ép, lái hại nhà vườn ảnh 1

Sầu riêng bày bán ở chợ trái cây đầu mối Thạnh Trị, Mỹ Tho. Ảnh: HÙNG ANH

Ông Nguyễn Đình Phục, Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp, cho biết: “Nếu chấm hóa chất vào cuống, sau 48 giờ trái sẽ thơm như chín thật. Nhưng muốn chín nhanh để bán được giá tại thời điểm thị trường có giá cao, thương lái nhúng nguyên trái sầu riêng vào thau hóa chất. Sau khi xử lý thuốc, trái sầu riêng vẫn rụng cuống giống như trái chín cây bình thường nên người mua không thể phân biệt được trái chín thật, trái chín giả” - ông Phục nói.

Sầu riêng Cai Lậy hoen ố thanh danh

Ngày 24-5, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, cho biết hiện tại xã có rất nhiều vựa thu mua sầu riêng hoạt động nhưng chỉ có khoảng 20% là người địa phương, số còn lại là dân tứ xứ đến thuê đất mở vựa, hết mùa thì rút đi.

Nhà vườn và UBND xã rất phiền lòng chuyện làm ăn gian dối khiến tiếng tăm sầu riêng Cai Lậy bị hoen ố nhưng rất khó bắt quả tang những người làm ăn chụp giựt, nếu có bắt được cũng không biết phải xử lý như thế nào” - ông Chiến nói.

lạm dụng ethephon hại thần kinh

Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cai Lậy, cho biết hóa chất HPC-97 HXN Trái Chín lúc đầu do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho đăng ký lưu hành, bày bán trên thị trường với tác dụng kích thích cây cao su ra mủ. Sau đó, Cục Trồng trọt cho đăng ký thuốc có chứa hóa chất này dưới dạng phân bón lá. “Thuốc này có chứa chất ethephon, thực chất là thuốc kích thích sinh trưởng thực vật, khi phun làm cây rụng lá, kích thích phóng thích ethylen làm trái chín. Tại Việt Nam, theo tôi biết thì Bộ Y tế không cho phép sử dụng hóa chất này trong thực phẩm” - ông Hải nói.

Theo một cán bộ của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Việt Nam và các quốc gia quy định trái cây sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa chất phải có thời gian cách ly từ bảy đến 10 ngày để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Việc sử dụng ethephon cẩu thả như hiện nay khiến hóa chất này tồn lưu trên trái rất lớn nhưng cho đến nay chưa có nghiên cứu cụ thể nào về tác hại của hóa chất này đối với sức khỏe con người.

Các tài liệu khoa học, các quốc gia châu Âu chỉ cho phép dư lượng của ethephon trên trái cây là 0,05 mg/kg thể trọng con người, vì đây là một hóa chất có tác hại đến hệ thần kinh nếu bị lạm dụng quá nhiều.

TS Lê Hữu Hải,
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy (Tiền Giang)

HÙNG ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm