Sau thắng kiện, 1 hộ dân bị cả xóm cô lập

(PLO)- Cả xóm cho rằng nguyên đơn “bán một củ lấy tiền hai củ” là không biết điều nên cô lập họ vào cảnh không đường, không điện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kể từ ngày thắng kiện, đã hơn một tháng vợ chồng ông Nguyễn Văn Tấn và bà Huỳnh Thị Nguyệt (ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) phải sống trong cảnh không đường, không điện. Ông bà đã tính chuyện bỏ xứ ra đi để thoát cảnh bị xóm làng kỳ thị, xa lánh.

Nghi án "bán một củ lấy tiền hai củ"

Ngày 7-3-2021, sau nhiều lần bàn bạc, thống nhất, bà Huỳnh Thị Nguyệt làm hợp đồng viết tay bán thửa đất nuôi tôm cho vợ chồng hàng xóm là ông Phạm Thành Được và Nguyễn Thị Nhiếm.

Nhà ông Tấn (nhà thiếc trắng) và nhà ông Được (nhà lá) muốn đi lại đều phải đi nhờ qua đất người khác.

Nhà ông Tấn (nhà thiếc trắng) và nhà ông Được (nhà lá) muốn đi lại đều phải đi nhờ qua đất người khác.

Hợp đồng thể hiện bà Nguyệt bán 7.917 m2, giá bán là 60 triệu đồng/công tầm lớn (một công tầm lớn là 1.296 m2). Đến tháng 5-2021, sau ba lần trả tiền được 250 triệu đồng, vợ chồng ông Được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý sử dụng thửa đất từ bà Nguyệt.

Tuy nhiên, do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện chỉ có 6.447 m2, ít hơn trên hợp đồng viết tay đến 1.470 m2 nên vợ chồng ông Được yêu cầu mời cơ quan chức năng đo lại đất trên thực tế. Tuy nhiên, bà Nguyệt không đồng ý và bảo căn cứ hợp đồng viết tay mà tính.

Vợ chồng ông Được không chấp nhận mua ít mà trả tiền nhiều nên không thanh toán hết số tiền. Vì vậy, bà Nguyệt khởi kiện ra TAND huyện Đầm Dơi và yêu cầu tòa buộc vợ chồng ông Được trả số tiền còn lại là hơn 116,5 triệu đồng.

Ngày 14-4-2022, TAND huyện Đầm Dơi tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của bà Nguyệt, buộc vợ chồng ông Được phải mua hết phần đất đã quản lý sử dụng.

Qua đo đạc thực tế, phần đất này có diện tích là 7.231,6 m2. Từ đó, tòa buộc vợ chồng ông Được phải trả thêm cho bà Nguyệt số tiền gần 85 triệu đồng.

Sau khi nhà ông Được thua kiện, người dân trong xóm tỏ ra bức xức. Họ đặt câu hỏi không biết tòa án đo đạc thế nào là đất lại “bự ra”, trong khi vợ chồng ông Được nhờ người dân trong xóm đo diện tích thực tế mình đang quản lý, sử dụng thì chỉ trên dưới 5.000 m2. Người dân trong xóm cho rằng vợ chồng bà Nguyệt, ông Tấn không biết điều, "bán một củ lấy tiền hai củ".

Về việc này, ông Tấn nói với PV Pháp Luật TP.HCM: “Năm 2015, trong vụ án tranh chấp đất đai của gia đình vợ tôi, tòa án đã xử cho vợ tôi có quyền sử dụng đúng bằng 7.917 m2. Tuy nhiên, khi làm sổ đỏ thì người ta làm nhầm còn có 6.447 m2. Cho nên khi làm hợp đồng viết tay, vợ chồng tôi bán hết số đất mà tòa tuyên vợ tôi được hưởng. Cái đó là có thật chứ đâu phải vợ chồng tôi bán ít mà lấy tiền nhiều như bà con đồn đại”.

“Không chơi với người không biết điều”

Đúng năm ngày sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, tức đến ngày 19-4-2022, vợ chồng ông Tấn, bà Nguyệt không còn đường bộ ra khỏi nhà, không còn điện sử dụng.

Lý do là bởi những người từng cho gia đình ông đi nhờ đất đã dựng hàng rào lại không cho đi qua. Người cho ông kéo nhờ đường điện qua đất cũng đề nghị ông dời đi. Không còn ai cho ông kéo điện nhờ qua đất nên vợ chồng ông Tấn đành sống cảnh không điện đến nay.

UBND xã sẽ tổ chức hòa giải

Việc đi nhờ qua đất hay kéo điện nhờ qua đất thì nguyên tắc là tự thỏa thuận với nhau. Nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện dân sự. Chúng tôi đã giải thích để chú Tấn đi thỏa thuận với các hộ dân đó nhưng chú Tấn không đi.

Chúng tôi đang tiến hành tổ chức hòa giải cho các bên gặp nhau thương lượng, nối lại đường đi và đường điện cho chú Tấn, nối lại tình nghĩa láng giềng.

Ông VĂN THANH VIỆT, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trung

“Vợ tôi bị bệnh tiểu đường, phải có tủ lạnh để trữ thuốc chích hằng ngày. Không điện thiệt là quá khổ. Bây giờ không còn chỗ để sạc điện thoại luôn” - ông Nguyễn Văn Tấn than.

Ông Lê Hoàng Em, người không cho ông Tấn, bà Nguyệt kéo điện qua đất nhà mình thì nói thẳng: “Người không biết điều là tôi không chơi. Xóm này ai mà chẳng nhìn thấy thửa đất ông Tấn, bà Nguyệt bán cho ông Được có diện tích bao nhiêu. Chính tôi cầm sào đo phỏng, không đến 6.000 m2 mà lấy tiền người ta tới hơn 7.000 m2. Như vậy là xấu, tôi không cho ông kéo điện qua đất nữa”.

Ngoài ra, nhiều người dân trong xóm cũng xác nhận với PV rằng vợ chồng ông Tấn, bà Nguyệt không đồng ý cho đo đất thực tế trước nhiều người dân. Khi đó, người dân bảo ông giá mỗi mét vuông đã thống nhất, ranh giới cũng đã rõ. Chỉ còn việc đo thực tế, bán bao nhiêu thì lấy tiền bấy nhiêu. Nhưng ông Tấn, bà Nguyệt không chịu và bảo rằng việc đo đất phải nhờ cơ quan chức năng có thẩm quyền đo mới có giá trị.

Xem ra gút mắc nằm ở chỗ người dân địa phương không tin kết quả đo đạc mà bản án sơ thẩm đã tuyên vì không được chứng kiến việc đo đạc, trong khi họ tự đo thì kết quả lại chênh lệch quá lớn.

Đây là vấn đề nên được làm rõ và có phương án giải quyết một cách triệt để trong quá trình xét xử phúc thẩm tới đây (ông Được đã có kháng cáo). Để không chỉ nguyên đơn mà còn cả bị đơn được bảo đảm quyền lợi, tình làng nghĩa xóm được hàn gắn.

Người dân nghi ngờ việc đo đạc không khách quan

Nói về việc đo đạc thửa đất, ông Ngô Giang Nam, thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm của vụ án nêu trên, cho biết: Việc đo đạc thực tế thửa đất tranh chấp giữa vợ chồng ông Tấn với ông Được là do Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đầm Dơi thực hiện, có phía tòa án tham gia.

Trong khi đó, nhiều người dân địa phương cho rằng việc đo đạc đó không chính xác, không khách quan. Có một chủ đất giáp ranh không được mời tham gia là ông Huỳnh Văn Ường.

Ông Ường cũng xác nhận với PV là hiện có phần đất giáp ranh một phía với mảnh đất đang tranh chấp nhưng khi các cơ quan tiến hành đo đạc phục vụ cho vụ án thì ông không được mời.

Ngoài ra, người dân cũng nghi ngờ tính khách quan của kết quả đo đạc do Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đầm Dơi thực hiện, vì chính cơ quan này đã đo đạc lúc gia đình ông Tấn làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm