Gia đình bà Lê Thị Bé (ngụ số 207 Nguyễn An Ninh, phường Thắng Nhì, TP Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu) và gia đình chị em bà Trần Thị Thủy, Trần Thị Nhung (ngụ số 205 Nguyễn An Ninh) là hàng xóm nhiều năm qua.
Ai cũng nhận đất của mình
Ngôi nhà số 205 vốn là của cha mẹ chị em bà Thủy và bà Nhung. Sau khi cha mẹ mất, hai bà là chủ sử dụng nhà, đất theo di chúc (văn bản khai nhận di sản thừa kế lập năm 2019).
Sau khi nhận thừa kế căn nhà, chị em bà Thủy nộp đơn khởi kiện gia đình bà Bé để đòi lại phần diện tích 5,7 m2 thuộc ranh giới hai căn nhà vì cho rằng gia đình bà Bé đang chiếm giữ.
Bà Thủy trình bày: Tháng 11-1998, cha mẹ bà được cấp chủ quyền nhà, đất số 205 có diện tích 213 m2. Trên đất có một căn nhà cấp bốn được cha mẹ bà xây dựng trước năm 1960.
Phần đất phía tiếp giáp với gia đình bà Bé, cha mẹ bà có để một lối đi bên hông, chiều rộng là 0,5 m, dài là 10 m trên phần đất gia đình bà đã được cấp chủ quyền. Theo bà Thủy, do không có nhu cầu sử dụng nhiều nên một người thân trong nhà có cho gia đình bà Bé mượn lối đi để làm kho chứa đồ đạc.
Năm 2003, Nhà nước thu hồi 19,6 m2 đất của gia đình bà để làm đường Nguyễn An Ninh, vì vậy tổng diện tích đất còn lại sau thu hồi là hơn 193 m2. Năm 2009, cha mẹ bà làm đơn xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích thực tế được cấp giấy chỉ còn hơn 164 m2.
Sau khi chị em bà Thủy được nhận thừa kế, qua kiểm tra giấy tờ và thực tế sử dụng, chị em bà xác định phần đất tranh chấp là lối đi bên hông nhà (diện tích 5,7 m2) lại nằm trong giấy chứng nhận nhà của gia đình bà Bé. Từ đó, chị em bà Thủy yêu cầu tòa buộc bà Bé tháo dỡ phần ô văng đang sử dụng, trả lại phần đất này.
Phía bà Bé thì cho rằng năm 1998, vợ chồng bà được cấp chủ quyền nhà, đất số 207 Nguyễn An Ninh,.diện tích đất 133 m2. Giữa nhà bà và gia đình nguyên đơn có một lối đi bên hông để thông thoáng và làm kho chứa đồ.
Năm 2003, Nhà nước thu hồi gần 22 m2 đất của gia đình bà Bé để làm đường. Đến năm 2019, khi gia đình bà cần giấy tờ nhà, đất mới để vay vốn ngân hàng thì mới đi làm lại chủ quyền nhà. Thời điểm này, qua đo vẽ thực tế, diện tích đất gia đình bà được cấp giảm đi chỉ còn hơn 99 m2.
Bà Bé cho rằng sau này bà mới phát hiện diện tích đất nhà mình bị thiếu và phần đất thiếu nằm chồng lấn trong giấy đỏ của gia đình bà Thủy…
Phần đất diện tích 5,7 m2 tranh chấp giữa hai gia đình. Ảnh: KHÁNH LY
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện
Ngày 5-6 vừa qua, TAND TP Vũng Tàu đã xử sơ thẩm vụ kiện.
HĐXX nhận định: Quá trình xác minh, thu thập chứng cứ nhận thấy căn cứ sơ đồ vị trí thửa đất do Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Vũng Tàu xác định phần đất tranh chấp 5,7 m2 thuộc quyền sở hữu của gia đình bà Thủy.
Trong quá trình sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận sau này, hai bên đương sự đều có đơn nêu rõ việc giảm diện tích đất của gia đình là phù hợp thực tế, cam kết không thắc mắc, khiếu nại.
Căn cứ vào các chứng cứ thu thập được, HĐXX tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Thủy, tuyên buộc bà Bé phải trả gia đình bà Thủy 5,7 m2 là khoảng trống giữa hai căn nhà. Các vật kiến trúc trên phần đất này có giá trị hơn 7,6 triệu đồng phía bà Thủy đồng ý hỗ trợ cho bà Bé nên tòa ghi nhận sự tự nguyện này.
Hiện bà Bé đã kháng cáo bản án sơ thẩm nêu trên.
Ký tên trong hồ sơ dù đã mất tám năm? Theo bà Bé, quá trình giải quyết vụ án, bà thấy trong hồ sơ thể hiện cha bà Thủy mất năm 2001, có giấy chứng tử của phường. Tuy nhiên, trong hồ sơ xin cấp lại giấy đỏ vào năm 2009, người này vẫn ký tên vào đơn. Đơn này được cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Vũng Tàu xác nhận và có chữ ký của trưởng Phòng TN&MT TP Vũng Tàu thời điểm đó. Từ đó, tại tòa bà Bé yêu cầu HĐXX triệu tập UBND TP Vũng Tàu, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai với tư cách người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan trong vụ kiện. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy việc triệu tập này là không cần thiết nên không chấp nhận. Sau khi tòa xét xử sơ thẩm, gia đình bà Bé đã có đơn khiếu nại gửi UBND TP Vũng Tàu về nội dung này và đề nghị xem xét lại quá trình cấp giấy đỏ cho gia đình nguyên đơn. |