Nhiều hộ dân phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM đã làm đơn gửi đến các ngành chức năng mong muốn được giữ lại con đường hẻm chung do người dân tự bỏ tiền trải nhựa. Tuy nhiên, yêu cầu này không được chấp thuận.
Hai lần tự nguyện bỏ tiền túi làm đường
Chúng tôi tìm tới khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh để tìm hiểu sự việc trên. Theo quan sát, có hơn 10 m đường ở đường số 40 phía trước nhà ông Trần Thới Linh (65 tuổi) bị lọt thỏm sau khi lớp nhựa mới bị phá bỏ, một vũng nước lớn đọng lại không có lối thoát.
Theo ông Linh, trước năm 2000, đường 40 rất nhỏ, nhiều ổ gà. Để mở rộng đường, ông Linh đã tự nguyện hiến một phần đất của mình và góp 100 triệu đồng, vận động xóm giềng được 100 triệu đồng nữa để cùng làm con đường bê tông sạch đẹp.
“Tháng 5-2017, bê tông cũ đã xuống cấp nên tôi tìm đến từng hộ dân trong tổ để xin ý kiến, chia sẻ nguyện vọng muốn trải nhựa lại. Mọi người ủng hộ, còn vui vẻ đóng góp ngày công. Tôi đã bỏ hơn 60 triệu đồng để trải nhựa 30 m đường rộng 3,5 m, cao 10 cm. Không ngờ sau đó vì tôi không xin giấy phép làm đường nên phường yêu cầu đóng phạt và trả lại nguyên trạng con đường cũ” - ông Linh trình bày.
Đoạn đường phía trước nhà ông Linh đã bị xới lên. Ảnh: T.NGUYÊN
Buộc phải tháo dỡ vì không giấy phép
Khi ông Linh phải phá dỡ con đường theo quyết định xử phạt của UBND phường, gần 50 hộ dân trong khu vực đã gửi đơn cứu xét đến các cơ quan chức năng với mong muốn giữ lại con đường sạch đẹp này.
Ông Nguyễn Văn Đực, một người dân, bức xúc: “Chúng tôi đang phấn khởi vì được đi lại trên con đường trải nhựa sạch đẹp, an toàn thì lại vậy. Đáng lý việc làm của ông Linh phải được khuyến khích chứ sao lại xử phạt rồi phá cả con đường?”. “Chúng tôi có xin phường cho tổ 52C họp tổ để lấy ý kiến người dân nhưng không được” - một người dân cho biết.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, người phản đối việc ông Linh tự ý sửa đường, bày tỏ: “Có đường sạch đẹp để đi ai cũng thích. Tuy nhiên, trước khi làm ông ấy phải xem làm vậy có ảnh hưởng tới người khác không. Đường làm xong khi mưa nhà tôi bị nước chảy vào. Có đêm mưa lớn tôi phải dậy đi mua xi măng về xây bờ kè để chống nước”.
Việc người dân bỏ tiền ra làm đường để phục vụ lợi ích chung là cần được khuyến khích. Tuy nhiên, khi thực hiện phải tuân theo quy định của pháp luật. Trước hết, người dân phải làm đơn đề nghị, gửi UBND phường để được xem xét. Nếu việc làm đường phù hợp quy hoạch và phục vụ cho lợi ích chung của xã hội thì không những không bị hạn chế mà còn được chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi. Không nên tự ý làm để rồi vừa mất tiền mà không mang lại hiệu quả, không đảm bảo tính pháp lý. Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM |
Trao đổi với chúng tôi, đại diện phường Hiệp Bình Chánh cho biết phường tiếp nhận phản ánh nhà dân bị nước mưa tràn vào do con đường mới làm cao hơn sân nhà họ. Phường đã kiểm tra và phát hiện ông Linh tự ý làm đường mà không xin phép, như vậy là sai quy định.
Với đơn cứu xét của người dân, đại biểu HĐND quận Thủ Đức đã tiếp xúc người dân và kiểm tra đoạn đường 40. Qua quan sát nhận thấy thiết kế không đảm bảo cho việc thoát nước trong khu vực.
Phường đã nhiều lần hòa giải để tìm ra giải pháp tốt nhất. Sau khi giải thích đủ lý lẽ về tình làng nghĩa xóm, nêu nguyện vọng của ông Linh hỗ trợ nhà đối diện xây bờ kè nhưng các bên không tìm được tiếng nói chung. Cuối cùng, phường phải ra quyết định xử phạt hành chính ông Linh 2 triệu đồng và yêu cầu trả lại hiện trạng con đường trước cửa nhà ông.
Bắt buộc phải theo quy định Theo quy định, người dân muốn sửa đường thì phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư để có sự đồng thuận về cách làm, giải pháp và các phương án sau này. Về trình tự thực hiện phải căn cứ vào các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn như phòng quản lý đô thị hoặc các sở, ban, ngành tùy theo công trình mà người dân muốn xây dựng. Trên cơ sở đó phải có sự khảo sát thiết kế, có ý kiến bằng văn bản trong việc đấu nối hạ tầng trong khu vực. Để đảm bảo cho công tác thi công, thiết kế trong quy định, UBND phường sẽ thành lập ban giám sát cộng đồng. Để công trình đưa vào sử dụng có hiệu quả, có biện pháp duy tu, sử dụng lâu dài còn cần có ý kiến của cộng đồng người dân tham gia cùng giám sát. Ông TRỊNH TRỌNG THÀNH, Phó Chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TP.HCM |