Bà Hồ Thị Hồng Loan (ngụ 5/99/19 Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh, TP.HCM) trình bày: Năm 2007, lo lắng trước tình trạng trộm cắp, bà làm đơn xin xây cổng rào phía ngoài để bảo đảm an ninh cho gia đình. Việc xây cổng rào này không ảnh hưởng đến xung quanh, vì hẻm cụt phía sau chỉ có duy nhất nhà bà sinh sống; các hộ lân cận cũng đã đồng ý ký tên chấp thuận.
Bên này tố cáo, bên kia khiếu nại
Cuối năm 2008, UBND phường 7, quận Bình Thạnh chấp thuận cho bà Loan dựng tạm cổng rào với điều kiện không được hợp thức hóa phần đất này. Việc dựng cổng rào được tiến hành ngay sau đó.
Đến đầu tháng 7-2011, bà P.T.T.H ở lân cận xây nhà. Ngày 13-10-2011, bà Loan làm đơn kiến nghị gửi UBND phường 7 và UBND quận về việc nhà bà H. xây nhà sai phép. Sau đó, UBND phường 7 ban hành quyết định đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại hộ bà H.
Sau đó, bà Loan cho rằng nhà bà H. vẫn xây nên bà làm đơn tố cáo một số cán bộ bao che cho việc xây dựng sai phép này. Hơn nửa năm sau bà Loan mới nhận được công văn của UBND quận Bình Thạnh trả lời khiếu nại, cho rằng việc tố cáo của bà chưa đủ cơ sở… Không đồng tình, bà Loan tiếp tục tố cáo đến nhiều nơi.
Tháng 6-2014, bà H. làm đơn khiếu nại việc UBND phường 7 đã chấp thuận cho bà Loan xây cổng rào trên phần hẻm công cộng. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong khu vực và trực tiếp nhà bà (trước đó hộ bà H. đồng ý với việc xin xây cổng rào của bà Loan).
Cái cổng rào khiến chủ tịch UBND phường 7 phải ban hành hàng loạt quyết định sau khi bị kiện. Ảnh: HOÀNG YẾN
Bị kiện và ban hành hàng loạt quyết định
Ngày 5-8-2014, chủ tịch UBND phường 7 ban hành Quyết định số 117 (tạm gọi là quyết định 1) về việc giải quyết khiếu nại của bà H. Theo đó, chủ tịch UBND phường 7 xác định bà Loan phải tháo dỡ cổng rào đã được chính địa phương này đồng ý cho xây dựng trước đó để trả lại hiện trạng ban đầu là hẻm chung, nếu không sẽ bị cưỡng chế.
Ngày 2-12-2014, chủ tịch UBND phường 7 ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định 1 (gọi là quyết định 2). Theo quyết định 2, bà Loan sẽ bị cưỡng chế cổng rào nếu không tự nguyện tháo dỡ.
Sau đó, bà Loan khởi kiện hành chính chủ tịch UBND phường 7, yêu cầu TAND quận Bình Thạnh tuyên hủy hai quyết định nói trên vì cho rằng hai quyết định này đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi, danh dự của gia đình.
Trong khi TAND quận Bình Thạnh đang thụ lý giải quyết vụ án hành chính, ngày 14-7-2016, chủ tịch UBND phường 7 lại ban hành quyết định 3 sửa đổi, điều chỉnh quyết định 1 (quyết định đang bị kiện).
Theo đó, quyết định 3 thay cụm từ “nếu bà Loan không tháo dỡ cổng rào thì sẽ bị cưỡng chế” thành “giao cho công chức địa chính xây dựng kiểm tra hiện trạng và tham mưu các thủ tục trình chủ tịch UBND phường 7 xử lý vi phạm theo quy định đối với phần cổng rào trên”…
Sau đó vài ngày, chủ tịch UBND phường 7 tiếp tục ban hành quyết định 4 để hủy bỏ quyết định 2 (cũng đang bị kiện). Ngày 25-7, chủ tịch UBND phường 7 lại ra quyết định 5 về việc cưỡng chế cổng rào của bà Loan. Bốn ngày sau, chủ tịch UBND phường 7 lại ra quyết định 6 thu hồi quyết định 5 với lý do chờ cơ quan chức năng giải quyết…
“Chưa biết có ban hành quyết định nào khác không!”
Bà Loan nói: “Tôi đang kiện hai quyết định đầu nhưng chủ tịch UBND phường 7 cứ sửa đổi, hủy bỏ liên tục như vậy làm tôi không biết phải làm sao nữa. Tôi hồi hộp không biết sắp tới chủ tịch UBND phường này có ra quyết định nào khác để hủy hay sửa đổi gì nữa không”.
Vấn đề nhiều người thắc mắc trong vụ này là việc ban hành hàng loạt quyết định hành chính trong thời gian ngắn của chủ tịch UBND phường 7, quận Bình Thạnh, TP.HCM là đúng hay sai.
Theo nhiều chuyên gia, việc sửa đổi này của chủ tịch UBND phường là không sai. Các quyết định này vẫn là quyết định giải quyết khiếu nại ban đầu chứ không phải là quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Tất cả quyết định ấy đều là quyết định hành chính bị kiện, khi xét xử tòa sẽ xem xét đầy đủ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ kiện có diễn biến mới.
Chủ tịch UBND phường không sai! Tôi cho rằng UBND phường không sai về mặt thẩm quyền và trình tự thủ tục cũng như quy trình ban hành văn bản. Bởi lẽ các quyết định về sau không phải là quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ hai mà chỉ là sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định đã ban hành. Vì thế, phường không vi phạm về thẩm quyền theo cấp hành chính, vì theo nguyên tắc hành chính thì họ có quyền thu hồi, hủy bỏ hoặc sửa đổi quyết định của mình. Về căn cứ để thực hiện các công việc trên thì trong mỗi quyết định hành chính đều có ghi ở phần đầu và thực tế tùy diễn biến tình hình, việc vận dụng các căn cứ này rất dễ đưa ra. Đã có nhiều vụ các cấp ủy ban lách luật bằng cách khi quyết định hành chính của mình bị kiện thì thường thu hồi hoặc hủy bỏ nhưng sau đó lại ban hành quyết định khác có nội dung tương tự. Có khi họ dùng kỹ thuật khác như căn cứ vào diễn biến mới của sự việc, họ sửa đổi hoặc bổ sung quyết định của mình nhưng bản chất nội dung thì vẫn như cũ. Vụ việc này cũng không là ngoại lệ nhưng về quy trình và thẩm quyền thì không vi phạm. Tuy nhiên, quyền khiếu nại và khởi kiện của người dân đối với các quyết định này thì vẫn được đảm bảo theo luật. Luật sư ĐINH VĂN QUẾ |