Kênh truyền hình Al-Arabiya (Saudi Arabia) tường thuật 11 hoàng tử tại Saudi Arabia đồng loạt bị bắt giữ ngày 4-11. Động thái diễn ra không lâu sau khi một ủy ban chống tham nhũng dẫn đầu bởi thái tử Mohammed bin Salman được lập ra theo một sắc lệnh hoàng gia trước đó cùng ngày (4-11).
Trong khi đó, bốn đương kim bộ trưởng và hàng chục cựu bộ trưởng đã bị bắt giữ. Trong số này có Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Adel bin Mohammed Faqih, Bộ trưởng Vệ binh quốc gia - hoàng tử Miteb bin Abdullah bin Abdulaziz và Tư lệnh hải quân - Đô đốc Abdullah bin Sultan bin Mohammed Al-Sultan.
Vua Salman bin Abdulaziz Al-Saud nói rằng chiến dịch chống tham nhũng mới này nằm một phần trong “chương trình cải cách nhằm giải quyết một vấn đề dai dẳng gây cản trở các nỗ lực phát triển bên trong vương quốc trong những thập niên gần đây” - theo thông cáo của Bộ Thông tin Saudi Arabia.
Hoàng tử Al-Waleed bin Talal, một trong những người giàu nhất thế giới, là trong số những người bị bắt giữ ngày 4-11. Ảnh: GETTY
Ủy ban chống tham nhũng trên có quyền điều tra, bắt giữ và ban lệnh cấm đi lại cũng như đóng băng tài sản của bất cứ cá nhân nào bị phát hiện tham nhũng.
Tỉ phú, hoàng tử Al-Waleed bin Talal cũng nằm trong số những người bị bắt giữ. Một nguồn tin hàng không cho biết lực lượng an ninh Saudi Arabia cũng đã cấm bay các phi cơ riêng ở TP cảng Jeddah để ngăn bất kỳ nghi phạm nào có ý định bỏ trốn.
Khách sạn Ritz Carlton (trên thực tế là của hoàng gia) ở thủ đô Riyadh đã được sơ tán vào tối 4-11. Động thái này làm dấy lên tin đồn nơi đây sẽ được dùng để giam giữ các hoàng tử, theo New York Times.
“Quy mô đợt bắt giữ này dường như chưa từng có trong lịch sử Saudi Arabia hiện đại” - Kristian Ulrichsen, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chính sách công Baker thuộc ĐH Rice (Mỹ), nhận định với hãng tin AFP. “Nếu thật sự hoàng tử Al-Waleed bin Talal bị bắt, vụ việc sẽ tạo ra cơn chấn động đối với cộng đồng kinh doanh nội địa và nước ngoài”.
Ảnh công bố ngày 30-10-2017 cho thấy cuộc gặp giữa thái tử Mohammed bin Salman (phải) với Thủ tướng Lebanon Saad Hariri ở Riyadh. Ảnh: AP
Kênh truyền hình Al-Arabiya cho biết trong số những điều tra dẫn tới việc bắt giữ trên, ủy ban chống tham nhũng mới đã điều tra vụ lũ lụt chết chóc tàn phá TP Jiddah hồi năm 2009 và phản ứng của Saudi Arabia đối với virus Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) khiến hàng trăm người tử vong trong vài năm qua.
Cuộc thanh trừng diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi thái tử Mohammed bin Salman (được chọn là người kế vị vua Salman bin Abdulaziz Al-Saud hồi tháng 6 vừa qua) đón tiếp hàng ngàn nhà kinh doanh lớn trên toàn cầu tới Riyadh tham dự một hội nghị thượng đỉnh về đầu tư.
Giới phân tích nhận định động thái này cũng nhằm để củng cố quyền lực của thái tử Mohammed bin Salman. Những người bị bắt giữ được cho là có lập trường chống lại chính sách ngoại giao của thái tử như tẩy chay Qatar hay một số cải cách như tư nhân hóa tài sản nhà nước và cắt giảm viện trợ.
Ở tuổi 32, thái tử Mohammed bin Salman hiện có tiếng nói bên trong các chính sách quân sự, ngoại giao kinh tế và xã hội của Saudi Arabia. Điều đó đã gây ra sự không hài lòng bên trong một số thành viên của hoàng gia. Họ nói rằng ông nắm giữ quá nhiều quyền lực khi còn ở độ tuổi trẻ như vậy.