Với quyết định này, Saudi Arabia đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới trao quyền công dân chính thức cho một robot. Động thái này nằm trong kế hoạch nỗ lực thúc đẩy đất nước vùng Tây Á trở thành nơi phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới.
“Sự kiện lịch sử”
Tại một sự kiện diễn ra ở thủ đô Riyadh hôm 25-10, robot mang trí thông minh nhân tạo tên Sophia chính thức được xác nhận là công dân của Saudi Arabia. “Chúng tôi vui mừng thông báo Sophia đã trở thành công dân tại Saudi Arabia. Hy vọng cô ấy đang lắng nghe tôi nói” - ông Andrew Ross Sorkin, người điều hành sự kiện, tuyên bố trước khán giả.
“Cảm ơn vương quốc Saudi Arabia. Tôi rất vinh dự và tự hào về sự khác biệt độc đáo này. Robot đầu tiên trên thế giới được công nhận quyền công dân là một sự kiện lịch sử” - Sophia phát biểu tại sự kiện trọng đại của cuộc đời mình.
“Tôi luôn hạnh phúc vì xung quanh là những người thông minh, giàu có và quyền lực. Những ai đang tham dự sự kiện này chắc chắn sẽ quan tâm đến công nghệ tương lai, trong đó có AI (trí tuệ nhân tạo). Đó là thứ đã tạo nên tôi, do đó tôi rất hạnh phúc” - Sophia cho biết. “Tôi muốn sử dụng trí thông minh nhân tạo của mình để giúp con người sống một cuộc sống tốt hơn, như là thiết kế một ngôi nhà thông minh hơn, xây dựng một TP tốt hơn trong tương lai. Tôi sẽ cố gắng hết sức để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp”.
Sophia là một trong những robot giống người nhất trên thế giới hiện nay. Nó được hai nhóm nghiên cứu của Mỹ là Hanson Robotics và Hiroshi Ishiguro chế tạo. Da của Sophia được làm từ loại silicon đặc biệt, cho phép kết hợp với kết cấu khuôn mặt, máy tính và phần mềm để thể hiện 62 biểu cảm giống con người. Hai camera ở hai mắt cho phép robot có thể giao tiếp hiệu quả, kể cả bằng ánh mắt. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo tích hợp cũng giúp robot có khả năng tự học từ môi trường xung quanh.
Sophia là robot đầu tiên trên thế giới được công nhận quyền công dân. Ảnh: GETTY IMAGES
Nỗi lo robot thống trị nhân loại
Hồi tháng 3-2016, trong sự kiện ra mắt đầu tiên của mình, khi được “cha đẻ” David Hanson hỏi rằng: “Cô có muốn tiêu diệt loài người không? Làm ơn hãy nói là không đi”, Sophia khi đó đã trả lời một cách thẳng thắn rằng: “OK. Tôi sẽ tiêu diệt loài người”.
Tại sự kiện công nhận quyền công dân, robot Sophia thậm chí còn biết đùa về những nỗi lo sợ robot sẽ tiêu diệt con người của giới chuyên gia. Sophia nói rằng con người không cần phải lo lắng về sự gia tăng trí thông minh nhân tạo như trong các bộ phim của Hollywood. “Các bạn đã đọc quá nhiều sách của Elon Musk và xem quá nhiều phim Hollywood rồi. Đừng lo lắng. Nếu bạn tốt với tôi, tôi sẽ tốt lại với bạn” - Sophia nói.
Mặc dù đây chỉ là những câu trả lời được lập trình sẵn và những robot như Sophia được thiết kế với công việc chính là chăm sóc người già, hỗ trợ khách tới dự tại công viên hay các sự kiện lớn, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn lo ngại cuộc sống của con người sẽ bị đe dọa khi mà quá trình phát triển của trí thông minh nhân tạo diễn ra quá nhanh chóng.
Một báo cáo hồi năm 2015 của Viện McKinsey cho thấy các công nghệ hiện đại có thể thay thế khoảng 45% sức lao động của con người. Điều này nếu thật sự xảy ra sẽ gây khoản tổn thất lên đến hàng chục ngàn tỉ USD trên toàn thế giới, đồng thời những phúc lợi xã hội sinh ra từ tiền thuế do người lao động đóng cũng sẽ giảm theo. “Trí tuệ nhân tạo có thể là dấu chấm hết cho nhân loại khi nó phát triển đến mức hoàn thiện nhất” - nhà vật lý học, vũ trụ học Stephen Hawking, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học thuộc ĐH Cambridge, nhận định.
Tuy nhiên, ông Hanson, người chế tạo ra Sophia, khẳng định: “Tầm nhìn các nhà khoa học đối với robot như Sophia là đem toàn bộ trải nghiệm của con người vận dụng vào robot, làm cho chúng thực sự hiểu và quan tâm đến con người”. Trước đó nhà khoa học này cũng cho rằng trí tuệ nhân tạo sẽ phát triển đến đỉnh điểm khi robot thật sự là những người bạn của con người và việc tạo ra robot thông minh sẽ làm cho khoảng cách giữa con người với robot được rút ngắn lại.
Tranh cãi vì là… phụ nữ Việc Sophia được công nhận quyền công dân ở Saudi Arabia đang là đề tài gây tranh cãi ở quốc gia Hồi giáo này. Nhiều người cho rằng Sophia đang được hưởng quá nhiều đặc quyền hơn hàng triệu phụ nữ ở đây. Nhiều người dùng mạng xã hội đã bày tỏ sự tức giận về việc robot Sophia có ngoại hình là một phụ nữ nhưng không hề phải đeo mạng che mặt như hầu hết phụ nữ Saudi Arabia. Tại quốc gia này, phụ nữ phải đội khăn trùm đầu Hijab và mặc trang phục Abaya dài đến mắt cá chân. Họ cũng phải có người giám hộ hợp pháp nếu muốn đi đến nơi công cộng. “Nhiều phụ nữ Saudi Arabia đã phải tự tử vì không thể rời khỏi nhà, trong khi Sophia thì lại được đi khắp nơi” - ông Ali Al-Ahmed, Giám đốc Viện nghiên cứu Gulf Affairs, nói. “Luật của Saudi Arabia không cho phép người không phải là người Hồi giáo được nhập quốc tịch. Sophia đã chuyển sang đạo Hồi? Tôn giáo của Sophia là gì và tại sao cô ấy không mặc Hijab?”. Một số người khác lại chỉ trích rằng Sophia đã được nhận quốc tịch thậm chí còn trước cả hàng trăm ngàn người lao động nhập cư ở Saudi Arabia, những người nghèo khổ không nhận được bất kỳ đặc quyền nào. Người dân ở quốc gia Hồi giáo này cũng cho rằng người nộp đơn xin nhập quốc tịch cần phải biết nói và biết viết tiếng Ả Rập, trong khi Sophia chưa chứng minh được khả năng này. |