Say rượu kiểu gì thì miễn tội?

Theo đó, sau khi say “quắc cần câu”, Thành lên xe ô tô của người khác nổ máy lái đi và ủi vào xe khác, gây thiệt hại hơn 18 triệu đồng. Ban đầu, Thành bị truy tố tội trộm cắp tài sản nhưng sau bốn phiên tòa, VKSND thị xã Phước Long lại chuyển sang truy tố Thành tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Luật sư của Thành cho rằng bị cáo không có tội vì lúc “gây án” bị cáo bị nhiễm độc rượu cấp, không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Tại phiên xử ngày 8-4, tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhờ cơ quan chuyên môn làm rõ khái niệm say rượu thông thường và ngộ độc rượu cấp…

Theo các chuyên gia tâm thần học, say rượu (say rượu thông thường)say rượu bệnh lý là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Say rượu thông thường là hậu quả của việc nhiễm độc nhất thời do rượu, xảy ra ở những người uống rượu quá ngưỡng bình thường, dẫn đến rối loạn ý thức, hành vi, cảm xúc, nhẹ thì còn khả năng nhận thức xung quanh, nặng thì không kiểm soát được hành vi. Say rượu bệnh lý là trạng thái ngộ độc rượu cấp, hiếm gặp, có thể xảy ra ở những người uống lượng rượu không nhiều nhưng quá mức chịu đựng của cơ thể. Say rượu bệnh lý còn có tên gọi khác là “say rượu loạn thần” hoặc “say rượu biến chứng” hay “say rượu dạng động kinh”.

Đặc điểm của say rượu bệnh lý phát sinh sau uống rượu không phụ thuộc nhiều vào số lượng và loại rượu uống mà rượu chỉ là một tác nhân dẫn đến say, có khi chỉ một lượng nhỏ. Say rượu bệnh lý phối hợp vận động còn tốt, vẫn duy trì được thăng bằng, còn khả năng di chuyển nhanh gây ấn tượng như là người bệnh đã thoát ly khỏi ảnh hưởng chuyên biệt của rượu. Trạng thái say rượu bệnh lý thường kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, đôi khi vài giờ và kết thúc bằng ngủ sâu; sau khi ngủ dậy, người bị say trở lại bình thường và nhớ rất rõ những hành động của mình trong thời gian bị say. Đây là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt người say rượu bệnh lý với trường hợp say rượu thông thường. Nếu trước và sau khi gây án, cũng như trong quá trình điều tra, tại phiên tòa mà người phạm tội vẫn còn nhớ nhớ, quên quên thì không phải là biểu hiện của người bị say rượu bệnh lý.

Người say rượu bệnh lý là người khi phát bệnh họ lâm ngay vào rối loạn ý thức trầm trọng, mất định hướng; cảm xúc bất an, lo âu, hoảng sợ; cảm xúc không thoải mái về quá khứ, ấn tượng đã từng trải và đôi khi như đã đọc qua, đã trải nghiệm, các hồi tưởng được chế biến một cách bệnh lý, tạo nên một cảm giác bị đe dọa, nguy hiểm đang nhích lại gần, đặc biệt từ phía những người xung quanh dẫn đến việc nhận định mang tính hoang tưởng, nhiều ảo giác rùng rợn… dễ dàng tấn công nguy hiểm đối với xung quanh.

Tuy nhiên, say rượu bệnh lý là một bệnh chứ không phải say rượu thông thường nên không thuộc trường hợp quy định tại Điều 14 BLHS. Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 BLHS, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình là người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Bệnh khác ở đây là say rượu bệnh lý.

Trở lại vụ án trên, Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương (Bộ Y tế) đã kết luận: “Tại thời điểm gây án đương sự gây án trong trạng thái nhiễm độc rượu cấp với ý thức mù mờ nên không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”. Tuy nhiên, viện này không kết luận Thành bị say rượu bình thường hay say rượu bệnh lý. Nhưng vào thời điểm gây án, Thành ở trong trạng thái “nhiễm độc rượu cấp với ý thức mù mờ nên không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”. Với kết luận giám định này cùng với diễn biến sự việc thì Thành không thuộc trường hợp say rượu bệnh lý, vì sau khi tỉnh rượu và suốt quá trình điều tra Thành không nhớ gì nên việc buộc Thành phải chịu trách nhiệm hình sự là đúng!

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm