Say xỉn còn lái xe: Phải xử thật nặng!

Ngày 23-10, Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM tiếp tục lấy lời khai của bà Nguyễn Thị Nga (46 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM), người gây ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở ngã tư Hàng Xanh tối 21-10 khiến bảy người thương vong.

Nữ tài xế thừa nhận đã uống bia

Lời khai ban đầu bà Nga cho biết có sử dụng rượu bia tại nhà hàng trên đường Pasteur (quận 3) trước khi điều khiển ô tô BMW 51F-279.10 về nhà. Khi tới ngã tư Hàng Xanh, phát hiện tín hiệu đèn đỏ nên bà đạp thắng. Bà Nga khai: “Khi tôi dời chân từ ga sang thắng thì vướng phải quai hậu giày cao gót. Trong lúc chưa kịp định thần thì nhấn nhầm vào cần ga khiến chiếc xe lao tới trước tông nhiều xe máy”.

Hậu quả vụ tai nạn làm một người tử vong tại chỗ và sáu người bị thương. Kiểm tra tại hiện trường thì nồng độ cồn trong hơi thở bà Nga rất cao. Theo công an, đây chỉ là lời khai một phía của bà Nga, nguyên nhân tai nạn vẫn đang được làm rõ. Riêng nạn nhân tử vong là chị Nguyễn Thị Kim Phụng (38 tuổi, quê Đồng Nai) đã được công an quận bàn giao cho người thân lo hậu sự sau khi thực hiện xong thủ tục pháp y vào cuối ngày 22-10.

Hiện trường vụ tai nạn do bà Nga gây ra. Ảnh: N.TÂN

Sẽ tính toán sửa luật

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết tình trạng uống rượu bia rồi lái xe ở Việt Nam tương đối nhiều. Vì vậy, năm 2015 đơn vị từng đề xuất nếu phát hiện người vi phạm nồng độ cồn quá cao và tái phạm nhiều lần thì tịch thu phương tiện hoặc tước bằng lái xe hai năm. Nhưng thời điểm đó còn nhiều ý kiến khác nhau về quyền sở hữu tài sản cá nhân. Ông Hùng nhận định: “Tất nhiên, những ý kiến của người dân, chuyên gia trong khía cạnh nào đó là hợp lý”.

Về vụ tai nạn xảy ra tại ngã tư Hàng Xanh, ông Hùng cho rằng đây là “giọt nước làm tràn ly”. Những chế tài hiện nay cũng đã đủ mạnh nhưng cần mạnh hơn nữa, cạnh đó có các chế tài phụ như bắt lao động công ích, buộc tài xế phải học lại bằng lái xe… Điều quan trọng hơn nữa là việc thực thi pháp luật phải nghiêm.

Theo ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT, hành vi vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt theo Nghị định 46/2016 (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt). Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 260 BLHS. Như vậy, các biện pháp chế tài đều đủ cả nhưng so với các nước thì còn nhẹ, cần phải tính lại. Bởi trước khi uống rượu bia rồi lái xe, hầu hết người vi phạm ý thức được hành vi của mình là nguy hiểm nhưng vẫn thực hiện.

Ông Thạch kể: “Tôi từng chứng kiến một công dân Úc uống ba ly bia rồi điều khiển phương tiện, bị cảnh sát giữ bằng sáu tháng và phải hầu tòa. Do nhân thân tốt và được nhà trường bảo lãnh nên người này bị xử phạt 2.000 USD”.

Theo ông Thạch, sắp tới nếu Quốc hội đồng ý sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008 thì đơn vị sẽ có khảo sát, đánh giá tổng thể hành vi này, từ đó sửa đổi, bổ sung để đưa ra các điều luật phù hợp hơn. Cái khó là đến nay chưa có đánh giá cụ thể nào đối với hành vi uống rượu bia gây tai nạn: “Theo thống kê của Cục CSGT, tỉ lệ uống rượu bia tham gia giao thông gây tai nạn chỉ 4% nhưng con số thực tế chắc cao hơn. Bởi chúng ta đang thống kê theo số vụ tai nạn chứ chưa đánh giá từ gốc vấn đề, tức xem xét từ hành vi uống rượu bia dẫn đến tai nạn…”.

Vì vậy, theo ông Thạch, khi sửa luật cần phải đặt hết các khía cạnh này ra để xây dựng quy định phù hợp. Mục tiêu cao nhất của luật là bảo vệ tính mạng, tài sản cho người tham gia giao thông…

Biết hậu quả vẫn làm là lỗi cố ý?

Theo luật sư (LS) Lê Trung Phát, Đoàn LS TP.HCM, khái niệm “xe điên” là xuất phát từ ý thức của người điều khiển phương tiện để xảy ra các vụ tai nạn thương tâm. Trong những nguyên nhân tai nạn trên, hầu hết xuất phát từ việc sử dụng rượu bia.

Vì vậy, cần tăng cường chế tài trong xử phạt vi phạm hành chính. Bởi tại Điều 5 Nghị định 46/2016, mức phạt cao nhất khi vi phạm nồng độ cồn là 18 triệu đồng. Nên quy định mức phạt có giá trị bằng hoặc lớn hơn tài sản là chiếc xe. Lúc này người đã say xỉn sẽ cần phải lựa chọn hoặc đi bằng taxi hoặc nhờ người lái để vừa không bị phạt, lại được an toàn. Cũng nên áp dụng hình thức trừ điểm vào bằng lái để áp dụng các chế tài tiếp theo khi người lái xe không còn bằng lái.

LS Nguyễn Hoài Nghĩa, Đoàn LS TP.HCM, bổ sung: Để đảm bảo răn đe, phòng ngừa thì nên quy định thêm chế tài hành chính. Chẳng hạn nếu vi phạm, ngoài phạt tiền còn có thể bị phạt lao động công ích 7-30 ngày hoặc bị giam giữ hành chính 3-15 ngày.

Theo Điều 260 BLHS 2015, người phạm tội bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù cao nhất đến 15 năm. Tuy nhiên, nên chuyển phạt tiền thành hình phạt bổ sung và mức phạt tăng lên 50-100 triệu đồng nếu thuộc khung 1, 100-200 triệu đồng nếu thuộc khung 2 và 300-500 triệu đồng nếu thuộc khung 3 của điều luật.

Cạnh đó, hiện nay khi CSGT phát hiện người vi phạm nồng độ cồn thì chưa có quy định đưa người vi phạm (trường hợp bị giữ phương tiện) về nhà hoặc về một nơi nào đó an toàn. Hậu quả là người này có thể lại tiếp tục lưu thông bằng phương tiện khác rồi gây tai nạn.

Nạn nhân vẫn còn hôn mê

Cùng ngày 23-10, BS Hồ Văn Hân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhân dân Gia Định TP.HCM, cho biết anh PHB (24 tuổi, quê Khánh Hòa) gãy 1/3 xương đùi bên trái, đã được phẫu thuật cấp cứu và đang tiếp tục điều trị. Hai bệnh nhân khác là HHĐ (42 tuổi, ngụ Bình Thạnh) bị đa chấn thương gồm chấn thương sọ não, cột sống cổ, gãy xương bàn chân trái và bệnh nhân CTT (23 tuổi, ngụ quận 10) bị đa chấn thương gồm chấn thương sọ não, hàm mặt, ngực bụng. Trong đó, bệnh nhân Đ. đang hồi phục, bệnh nhân T. còn hôn mê, thở máy và diễn tiến nặng, chưa thể đánh giá điều gì.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới